“Nếu như cha xứ, Ban Hành Giáo và mọi người đã tạo điều kiện rất tốt cho
các anh chị em dự tòng học đạo và giữ đạo, nếu như anh chị em dự tòng nhiều người
rất thích thú, tha thiết theo đạo thì tại sao tỷ lệ bỏ đạo sau khi rửa tội lại
quá lớn? Phải chăng giáo lý Công giáo chỉ là một mớ lý thuyết hấp dẫn nhưng
không thực tế?”
Trên đây là suy nghĩ của chúng tôi sau khi đến với giáo
xứ Khiết Tâm, giáo phận Sài Gòn vào buổi học khai giảng các lớp giáo lý dự tòng
và hôn nhân, khóa I, năm học 2014. Buổi học đầu tiên của khóa học giáo
lý dự tòng 2014 được bắt đầu lúc 19g30 và kết thúc lúc 21g00, ngày 22/2/2014, tại Nhà Mục Vụ, giáo xứ
Khiết Tâm, giáo phận Sài Gòn.
Rất đông anh chị em dự tòng đã có mặt đầy đủ và đúng giờ.
Được biết, trước đó một tuần, những ai muốn học giáo lý dự tòng đã phải đăng ký
tên và đóng lệ phí. Tuy nhiên, trong ngày khai giảng vẫn có rất đông các bạn
trẻ đến đăng ký tên. Điều đó khiến cho các nhân viên ở văn phòng mục vụ rất vất
vả mới có thể sắp xếp và ổn định lớp cho các anh chị em dự tòng.
Với 4 lớp dự tòng và mỗi lớp trên 40 bạn, không khí tại Nhà
Mục Vụ trở nên náo nhiệt khác thường. Sau khi nhận lớp, anh chị em dự tòng
nhanh chóng ổn định chỗ ngồi và bước vào tiết học đầu tiên. Rảo quanh một lượt,
chúng tôi nhận thấy hầu hết cả người giảng dạy – quý tu sĩ Dòng Thánh Thể và học viên đã nhanh
chóng làm quen và hồ hởi với buổi học đầu tiên.
Khóa học sẽ được kéo dài trong 6 tháng, bắt đầu từ 2/2014
đến tháng 8/2014.
1. Một
khởi đầu thuận lợi cho hành trình theo Chúa
Chúng
tôi đến giáo xứ Khiết Tâm, tọa lạc tại số 15, phường Bình
Chiểu, quận Thủ Đức, vào những ngày cuối của Mùa Chay, 2014. Những
ngày này, không khí trở nên ngột ngạt hơn giữa những tháng nóng nhất trong năm.
Chúng tôi bước vào văn phòng Mục vụ giáo xứ Khiết Tâm với một sự ngạc nhiên
không nhỏ. Đó là một gian phòng tầng trệt sáng, rộng, đầy đủ tiện nghi, vài bức
tranh và mấy bình hoa khô trang trí làm cho bầu khí căn phòng thêm vui tươi. Thêm
vào đó, các cô chú làm ở văn phòng Mục Vụ Di Dân luôn có thái độ niềm nở vui
tươi với mọi người, đặc biệt với các học viên mặc dầu rất bận rộn với công việc
sổ sách. Rất đông các bạn trẻ lui tới khu vực này, kẻ ra, người vào, cười nói rộn
rã. Thăm hỏi một vài bạn trẻ đang cầm trên tay tờ giấy đăng ký, chúng tôi mới
biết các bạn đến đăng ký học giáo lý dự tòng và hôn nhân. Mặc dầu đã được thông
báo phải đăng ký học trước ngày khai giảng một tuần, nhưng vẫn có rất đông các
bạn trẻ đến đăng ký học vào ngày này.
Rảo
quanh một vòng khu nhà Mục vụ, chúng tôi thấy có nhiều phòng học được trang bị
đầy đủ tiên nghi cho việc giảng dạy và học tập. Nhiều phòng còn có cả máy lạnh
và ti vi. Với hơn 20 phòng học và các phòng chức năng, nhà Mục vụ giáo xứ Khiết
Tâm có thể đáp ứng tốt nhu cầu học giáo lý dự tòng và hôn nhân không chỉ cho
giáo dân trong giáo xứ mà phần lớn là giáo dân di dân từ các tỉnh thành trong cả
nước đến đây làm ăn sinh sống. Điều đó đã cho thấy cha xứ và Ban Hành Giáo đã rất
quan tâm đến công việc mục vụ của giáo xứ. Trước giờ khai giảng, bác I-nha-xi-ô
Vũ Văn Sức, trưởng phòng Mục Vụ Giáo Lý Dự Tòng và Hôn Nhân cho biết: “Cha chánh xứ đã rất quan tâm đến những công
việc mục vụ cho di dân, đặc biệt là việc giảng dạy giáo lý dự tòng và hôn nhân.
Cha xứ tuy chỉ mới về xứ được hai năm, nhưng ngài đã có những hành động thiết
thực nhằm đẩy mạnh cộng việc mục vụ di dân. Rõ ràng nhất là ngài đã cùng với Ban
Hành Giáo vừa mới tu sửa lại nhà Mục vụ giáo xứ và đưa vào sử dụng vào ngày
1/1/2014, nhân ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa – bổn mạng giáo xứ. Ngoài ra
ngài còn tổ chức các buổi giao lưu, họp mặt cho các anh chị dự tòng và tân
tòng. Hơn nữa, trong công việc giảng dạy giáo lý, ngài cũng dành riêng cho quý
thầy Học Viện Dòng Thánh Thể. Theo ngài, quý thầy đã được trang bị những kiến
thức thần học, cũng như kỹ năng sư phạm nên có thể giảng dạy tốt nhất cho anh
chị em dự tòng.”
Nhiều
học viên lần đầu đến với các lớp học của giáo xứ đã rất hài lòng về cơ sở vật
chất cũng như người giảng dạy. Bạn Đỗ Nhật Tân, quê Bình Dương cho biết rất hài
lòng với cung cách làm việc của các cô chú ở văn phòng. Với quý thầy, bạn Tân
cho rằng: “quý thầy dạy học rất tâm huyết,
nhiệt tình, và rất thân thiện với học viên.” Cũng cùng quan điểm trên, bạn
Trần Thúy Hằng, quê Long An, 19 tuổi đã học giáo lý dự tòng được hơn ba tháng bày
tỏ: “quý thầy rất vui và kiên nhẫn. Những
gì chúng em không hiểu hỏi lại, các thầy cũng giảng giải thật chậm và đưa ra những
ví dụ vui nhộn.” Thật vậy, với những gì chúng tôi chứng kiến trong ngày
khai giảng các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân đã cho thấy cha xứ và Ban Hành
Giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên. Phải nói rằng, anh chị em dự
tòng đã có một khởi đầu thuận lợi trong những bước đầu theo Chúa.
2. Vùng
đất an lành, trù phú – nơi nối kết yêu thương
Mặc
dù chỉ nằm ở vùng ven thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng giáo xứ Khiết Tâm là một
giáo xứ luôn sầm uất và náo nhiệt. Sự sầm uất và náo nhiệt này là do giáo xứ nằm
kề bên quốc lộ 1A, gần chợ và trường học. Ngoài ra, xung quanh giáo xứ còn có
các khu công nghiệp lớn như: khu công nghiệp Sóng Thần 1, khu công nghiệp
Sóng Thần 2, khu công nghiệp Bình Chiểu… Có thể nói, đây là vùng đất an lành và
trù phú. Sự an lành và trù phú của vùng đất này trước hết là do tính cách của người
dân nơi đây rất hiền hòa và thân thiện. Kế đến, vùng đất này trở nên trù phú một
phần là do nằm kề bên trục đường chính đi các tỉnh miền Tây, thuận lợi cho việc
kinh doanh thương mại, buôn bán, trao đổi hàng hóa; phần còn lại là do vùng đất
này có các khu công nghiệp lớn nên đáp ứng được nhu cầu lao động của nhiều người,
chủ yếu là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, mức chi tiêu tại khu vực này cũng
thấp hơn các khu vực xung quanh như trung tâm thành phố, Biên Hòa, Bình Dương… Chính
vì thế, địa bàn giáo xứ và khu vực xung quanh đã thu hút rất nhiều di dân từ khắp
các tỉnh thành trong cả nước đến đây làm ăn sinh sống.
Giáo
xứ Khiết Tâm đã được Đức Cố Giám mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục
Giáo phân Sài gòn ủy thác cho các cha Dòng Thánh Thể phụ trách từ năm 1971. Trải
qua nhiều biến cố, đến nay các cha Dòng
Thánh Thể vẫn đang chăm sóc trên 5000 giáo dân chính thức. Ngoài ra còn có hơn
10.000 di dân Công giáo cũng thường xuyên sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ. Đứng
trước những tình thế mới của thời đại, quý cha Dòng Thánh Thể, từ Tu Nghị Tỉnh lần
thứ nhất (2008) đã đặt mục vụ cho người di dân là một trong năm sứ vụ ưu tiên của
Dòng. Đến nay, giáo xứ Khiết Tâm đã có những hoạt động cho người di dân như Thánh
lễ Chúa Nhật dành cho di dân lúc 19g, thường xuyên mở các lớp giáo lý dự tòng,
giáo lý hôn nhân, Lớp Giáo lý di dân Hiệp nhất, ca đoàn di dân…
Chính
vì giáo xứ Khiết Tâm có khá đông giáo dân, kể cả giáo dân di dân, cũng như nằm ở
vị trí thuận tiện, thêm vào đó khuôn viên nhà thờ giáo xứ có không gian rộng, thoáng,
xung quanh được trồng nhiều cây dầu luôn tỏa bóng mát, nên nhà thờ giáo xứ thường xuyên
là nơi tổ chức các đại hội, họp mặt từ cấp giáo phận, giáo hạt, hoặc các hoạt động
của các cha Dòng Thánh Thể. Do vậy, nơi đây đã thu hút và trở thành nơi phụng tự
cũng vui chơi giải trí không những cho giáo dân trong xứ mà còn cả những di dân
sinh sống xung quanh. Vì thế, nhà thờ giáo xứ Khiết Tâm trở thành môi trường thuận lợi cho việc liên kết mọi người trong yêu thương.
Thật
vậy, các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ đã thu hút nhiều người, kể cả những người
không cùng niềm tin Công giáo. Rất nhiều các cặp vợ chồng trong giáo xứ cho rằng
họ quen biết nhau khi tham gia các hội đoàn hoặc các sinh hoạt của giáo xứ, từ
đó tiến đến hôn nhân. Cũng vậy, nhiều bạn trẻ di dân Công giáo quen biết với những
người ngoài Công giáo nơi công ty, nhà trọ, cộng với việc các bạn thường xuyên
tham gia các sinh hoạt dành cho di dân của giáo xứ nên đã lôi kéo nhiều người
ngoài Công Giáo theo học đạo. Tuy nhiên, phần lớn những người theo học đạo là
do kết hôn. Bạn Nguyễn Tuấn Anh, 21 tuổi, quê ở Hà Nam cho biết: “Giáng sinh năm nào em cũng theo bạn đến đây,
rất là vui và ý nghĩa. Bây giờ em đang theo học giáo lý dự tòng sau đó là giáo
lý hôn nhân, kéo dài trong 9 tháng, nhưng em thấy vui vì mình được theo đạo.”
Khi được chúng tôi đề cập đến lý do theo đạo thì bạn Nguyễn Thị Phương Oanh,
quê Phú Thọ, 26 tuổi cho biết: “Em theo đạo
vì trước đây đã có cảm tình với đạo, sau này quen người Công giáo nên khi theo
đạo cảm thấy thích thú.”. Đồng cảm như trên, chị Hoàng Ngọc Mai, quê Thanh
Hóa bày tỏ: “Mọi người Công giáo rất thân
ái và đoàn kết. Tôi đã có cảm tình với đạo Chúa, nên khi người yêu của tôi nói
tôi học đạo là tôi đồng ý liền.” Còn bạn Nguyễn Thị Quỳnh Như, quê Đồng
Tháp, sinh năm 1991 là một trong số ít người theo đạo không do kết hôn đã giải
bày cảm xúc: “Con được ngồi học giáo lý
như thế này là hạnh phúc, nhưng con nghĩ con sẽ hạnh phúc gấp bội nếu được làm
con Chúa.”
3. Những
thách đố giữa đời làm chao đảo bước chân
Mặc dầu đã có những bước khởi đầu
thuận lợi, thế nhưng cuộc sống của những người di dân tạm bợ, nay đây mai đó đã
khiến cho rất nhiều anh chị em tân tòng không đứng vững trong đức tin. Điều đó
cũng góp phần không nhỏ khiến các cặp hôn nhân dị giáo đỗ vở. Phần lớn số tân
tòng bỏ đạo là do gặp phải những khủng hoảng về những khó khăn trong cuộc sống,
về đời sống gia đình…, đặc biệt khủng hoảng về niềm tin đã khiến cho không ít
các anh chị em dự tòng bỏ đạo chỉ sau một thời gian ngắn theo đạo. Bác
I-nha-xi-ô Vũ Văn Sức là người có kinh nghiệm lâu năm trong công việc văn phòng
giáo lý dự tòng bày tỏ: “Theo đạo tự tâm huyết thì hiếm, đa số theo đạo là do lấy vợ, hoặc lấy
chồng. Nếu có Chúa Thánh Thần soi sáng thì có thể giữ đạo được, nhưng đa số vấp
ngã giữa đường vì những lý do khó khăn trong cuộc sống.” Một bác giữ cổng,
bảo vệ Nhà Thờ và Nhà Mục Vụ cho hay: “Người
giữ đạo được hiếm lắm thầy ơi! Hồi tôi còn dạy giáo lý, nhiều đứa nhờ tôi cầm đầu, có đến mấy chục đứa,
nhưng hiện giờ giữ đạo được chắc chưa tới mười đứa.” Cũng
cùng quan điểm trên, cha Phê-rô Nguyễn Thế Trịnh, SSS -
giám đốc thỉnh sinh Dòng Thánh Thể - cho rằng tỉ lệ bỏ đạo sau khi rửa tội khoảng
60 đến 70 phần trăm.
Tìm hiểu về nguyên nhân bỏ đạo của
anh chị em tân tòng chúng tôi thấy rằng bên cạnh những thuận lợi mà cha xứ cũng
như Ban Hành Giáo cố gắng giúp cho anh chị em dự tòng và tân tòng thì vẫn còn rất
nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là phần lớn các bạn trẻ theo học đạo để kết
hôn, nên số đông đến học đạo cho hợp luật chứ không muốn theo đạo. Bạn Nguyễn
Thị Phương Oanh, quê Phú Thọ, 26 tuổi cho hay: “Một số các bạn khác chỉ học đạo cho qua, vì để lập gia đình. Trong thâm
tâm các bạn ấy thật sự không muốn theo đạo.” Còn bạn Phạm Văn Đồng , quê
Nghệ An, 26 tuổi bày tỏ quan điểm: “Tôn
giáo nào cũng không quan trọng, miễn là đời sống gia đình hòa hợp, hạnh phúc.
Tôi theo đạo chỉ thuần túy vì lý do cưới vợ.”
Kế đến, việc tiếp thu một giáo lý
hoàn toàn mới lạ cũng góp phần khó khăn không nhỏ cho các học viên. Nói về những
khó khăn trong việc giảng dạy Thầy Phê-rô Mai Quốc Anh,SSS thì cho rằng: “việc dạy dự tòng thì không khó, cái khó là
cho họ được cảm thức đức tin.” Thật vậy, nhiều học viên không cảm nhận được
đức tin hay hứng thú với việc học đạo, thậm chí rất nhiều bạn không biết cầu
nguyện như thế nào. Chị Phạm Thị Thương, quê Thanh Hóa, 31 tuổi cho biết đã phải
nỗ lực rất nhiều để chấp nhận giáo lý. Theo chị: “quả thật, giáo lý Công giáo có quá nhiều điều khó chấp nhận và khó hiểu.”
Ngoài
ra vấn đề về thời gian cũng là một trong những khó khăn mà những người trong cuộc
nêu lên. Thầy Đa-minh Nguyễn Hoàng Long, SSS cho biết: “thời gian học quá ngắn. Thêm vào đó, đa số các học viên là công nhân
nên mỗi khi tăng ca hay bận việc là các bạn nghỉ học. Chính vì điều đó mà các bạn
khó hiểu bài và chúng tôi cũng không có thời gian để thăm hỏi, khích lệ, hoặc
giao lưu chia sẻ.” Nếu như người giảng dạy cho rằng thời gian quá ngắn để
truyền đạt đức tin, thì nhiều học viên bảy tỏ thái độ không đồng ý, và cho rằng
thời gian học kéo quá dài, trong khi đó các bạn đã chọn ngày cưới. Được biết,
hàng năm giáo xứ Khiết Tâm mở từ hai đến ba khóa giáo lý dự tòng và hôn nhân.
Thời gian học giáo lý dự tòng là 6 tháng, giáo lý hôn nhân là 3 tháng.
Cuối cùng, nguyên nhân chính khiến
anh chị em tân tòng bỏ đạo phải kể đến là do đời sống di dân nay đây mai đó,
không có nơi ở và việc làm ổn định. Cuộc sống vất vả nơi vùng quê xa xôi đã khiết
không ít các bạn trẻ vào Nam kiếm sống với hy vọng sẽ có cơ hội đổi đời, hoặc
kiếm được một việc làm ổn định. Tuy nhiên, ở một thành phố lớn như thành phố Hồ
Chí Minh không dễ để làm ăn sinh sống, chưa nói đến các tệ nạn xã hội luôn cám
dỗ, rình rập. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác như sự kỳ thị vùng miền,
khác biệt văn hóa, tôn giáo cũng khiến cho các bạn trẻ di dân khó hòa nhập với
địa phương. Điều này dẫn đền việc nhiều bạn trẻ di dân thường xuyên thay đổi
công ty, thay đổi việc làm, thay đổi môi trường sống…Chính những thay đổi này
làm xáo trộn cuộc sống người di dân, là nguyên nhân dẫn đến hậu quả các tân
tòng bỏ đạo bởi không có môi trường sinh hoạt đạo, ít người quan tâm nhắc nhở. Nhà
thờ lại xa nơi ở không thuận tiện cho việc đi lại. Từ đó, các bạn tân tòng lơ
là, hay ít đến nhà thờ, lâu dần sẽ bỏ đạo.
4. “Hãy để Chúa Thánh Thần làm việc và chính Ngài sẽ nâng đỡ bước chân của
họ”
Đứng
trước tình hình các bạn trẻ di dân theo học đạo, sau đó bỏ đạo ngày một tăng,
cha chánh xứ Phao-lô Ma-ri-a Nguyễn Thanh Quang, SSS cũng đã có những kế hoạch
hỗ trợ, giúp đỡ cho anh chị em dự tòng và tân tòng. Ngoài những ưu tiên cho người
dự tòng như đã đề cập trên, cha chánh xứ cũng lưu tâm đến việc giữ đạo của họ.
Vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (2013), phối hợp với Ban Hành Giáo, văn phòng
Mục Vụ Di Dân, cha xứ đã tổ chức buổi họp mặt cho các anh chị em dự tòng và tân
tòng. Theo cha: “Qua buổi họp mặt này,
chúng tôi muốn đồng hành, khích lệ, động viên các bạn tân tòng. Đặc biệt chúng
tôi muốn hỏi han các bạn sau một năm sống đạo, qua đó nhắc nhở cũng như động
viên các bạn trong việc giữ đạo và sống đạo. Chúng tôi hy vọng buổi họp mặt này
sẽ trở thành buổi họp mặt truyền thống của anh chị em dự tòng và tân tòng, và sẽ
được tổ chức hàng năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.”
Cha
Phê-rô Nguyễn Thế Trịnh, SSS là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc dạy
giáo lý dự tòng. Ngài cũng có nhiều thao thức trước tình trạng nhiều anh chị em
tân tòng bỏ đạo. Cha nói: “các học viên
phải ý thức việc học đạo của mình. Không phải chỉ học đạo để lấy vợ, lấy chồng
mà là để tin, để sống, để truyền lại đức tin đó và giáo dục con cái sau này.
Chính vì thế học viên không được lơ là, hay có thái độ bất cần trong việc theo
học giáo lý.” Với giáo lý viên thì cha luôn nhắc nhở: “ phải chú ý dạy thật kỹ cách thức xét mình và
xưng tội. Nếu cần thiết thì phải tập cho người dự tòng biết cách xưng tội, và tập
xưng tội trước. Ngoài ra cũng phải chú ý dạy kỹ các bí tích, khi nào bí tích
thành sự và không thành sự.” Thầy Đa-minh Nguyễn Hoàng Long, SSS hiện đang
dạy giáo lý dự tòng tại đây góp ý: “với
người dạy giáo lý dự tòng thì việc cần thiết là phải soạn giáo án cho thật kỹ
trước khi lên lớp.” Ngoài ra, trong khi tham gia học giáo lý dự tòng, các bạn
cũng cần phải được tham gia nhiều chương trình sinh hoạt của giáo xứ, nhất là
các giao lưu giữa các lớp. Đó là kiến nghị của thầy Phê-rô Mai Quốc Anh, SSS.
Thầy thêm rằng: “hiện giờ đa số quý thầy
dạy ở các lớp học tự tổ chức các buổi giao lưu thể thao, văn nghệ của lớp mình
với mục đích đồng hành, khích lệ, tạo tương quan giữa người dạy và học viên.
Thiết nghĩ việc này cũng cần thiết, nên xin kiến nghị văn phòng Mục Vụ giáo xứ
lưu tâm. Có thể tổ chức giao lưu giữa các lớp với nhau.”
Nhiều
học viên khi được hỏi có những thao thức gì trong tương lai, hay có tiếp tục
theo đạo sau khi kết hôn, thì phần lớn các bạn tỏ thiện chí sẽ giữ đạo. Tuy
nhiên, khi một giả định đặt ra cho các học viên: “Nếu người người yêu của bạn quyết định không kết hôn nữa vì lý do nào
đó, thì bạn có tiếp tục học đạo và theo đạo không?” Nhiều bạn tỏ thái độ ngập
ngừng, hoặc chỉ cười, hoặc không trả lời. Bạn Hoàng Thị Thùy Dung, quê Quảng
Bình, sinh 1991 chia sẻ: “gia đình con
theo đạo Phật. Chồng sắp cưới của con là con trưởng nên con phải theo anh ấy.
Nhưng nếu anh ấy bỏ con, con nghĩ mình vẫn tiếp tục theo đạo.” Cũng với câu
hỏi giả định được đặt ra, bạn Võ Minh Tiến, quê Bình Dương, 21 tuổi trả lời: “điều đó cũng khó nói lắm.”
Quả
thật rất khó nói, khó nghĩ về một thực trạng tưởng dễ mà lại quá khó. Đó là vấn
đề được đặt ra không chỉ cho các cấp lãnh đạo trong Giáo hội mà cho tất cả các
tín hữu. Lời mời gọi của Chúa Giê-su năm xưa như vọng lại bên tai: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mt 16, 15). Với chức vụ Ngôn sứ nhận
được khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi Ki-tô hữu được mời gọi truyền giáo đến
mọi người và mọi nơi. Thật vậy, bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Tuy
nhiên, trước những dấu chỉ mới của thời đại, tình trạng di dân ngày một tăng,
thì phải chăng truyền giáo là lên đường đến những vùng đất xa xôi như các nhà
thừa sai của thế kỷ 18, 19; hay truyền giáo là đến với những di dân đang sinh sống
xung quanh mình. Rất khó để định nghĩa truyền giáo hiện nay là gì, nhưng sự kiện
nhiều người theo đạo vì lý do hôn nhân cũng đáng được lưu tâm. Đức tin là ơn
Chúa ban, nhưng đức tin đó phải được dưỡng nuôi trong cộng đoàn. Thế nên để người
tân tòng có thể giữ đạo và sống đạo thì cần phải có sự giúp đỡ của cộng đoàn.
Thiết nghĩ mỗi người tín hữu có thể làm việc này bằng chính đời sống chứng nhân
của mình bởi
“người ta cứ dấu này mà nhận biết các
con là môn đệ Thầy, là các con hãy thương yêu nhau.” (Ga 13,35)
Chia
tay các học viên giáo lý dự tòng, tạm biệt giáo xứ Khiết Tâm, chúng tôi ra đi
mang theo cả những băn khoăn, thao thức. Một câu hỏi lớn bất chợt trong suy
nghĩ: “Nếu như cha xứ, Ban Hành Giáo và mọi
người đã tạo điều kiện rất tốt cho các anh chị em dự tòng học đạo và giữ đạo, nếu
như anh chị em dự tòng nhiều người rất thích thú, tha thiết theo đạo thì tại
sao tỷ lệ bỏ đạo sau khi rửa tội lại quá lớn? Phải chăng giáo lý Công giáo chỉ
là một mớ lý thuyết hấp dẫn nhưng không thực tế?” Xin được mượn lời chia sẻ
của thầy Đa-minh Nguyễn Hoàng Long, SSS thay cho lời kết: “Tôi nhận thấy, từ cha xứ, ban hành giáo, đến những người giảng dạy giáo
lý như chúng tôi đã rất tâm huyết, hết lòng giúp đỡ các anh chị em dự tòng và
tân tòng về mọi mặt. Đó là sự đóng góp của chúng tôi trong công việc truyền
giáo. Tuy nhiên, kết quả như thế nào, các bạn tân tòng giữ đạo ra sao thì chỉ
biết cầu nguyện và phó thác cho Chúa. Hãy để Chúa Thánh Thần làm việc, và chính
Ngài sẽ nâng đỡ bước chân họ.”
Vâng! “Hãy để Chúa Thánh Thần làm việc, và chính
Ngài sẽ nâng đỡ bước chân họ!” Liệu chúng ta có dám tin như thế không?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét