TỬ ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH


LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
ĐẠI HỘI THÁNH THỂ - SỞ KIỆN
(Lc 9,23-26)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."


TỬ ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Mỗi khi chúng ta có dịp được ôn lại, đọc lại, hoặc tìm hiểu về hạnh của các Thánh Tử Đạo. Ai trong chúng ta cũng thấy lòng mình sôi lên, không thể không ngưỡng mộ về đời sống của các ngài. Dù rằng bị chống đối và giết chết, nhưng các ngài vẫn kiên quyết, thà chịu chết chứ không chối bỏ đức tin. Quả thật, máu của các ngài đổ xuống đã trở nên hạt giống đức tin cho chúng ta ngày nay hưởng nhờ.
        Các thánh tử đạo là những người sống Lời Chúa cách triệt để nhất. Các ngài đã từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa. Và cũng chính vì các ngài đã liều mất mạng sống mình vì Danh Chúa, nên ngày nay các ngài được Chúa ban thưởng sự sống đời đời, hưởng hạnh phúc trên Nước Thiên Đàng. Điều đó rất đúng với tinh thần bài Tin mừng chúng ta vừa nghe.
        Thật vậy, lời mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” không dành riêng cho một ai. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi vác thập giá mình mà theo Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam đã làm. Đó là dám hy sinh mạng sống mình mà làm chứng cho Chúa.
Tuy nhiên, ngày nay, khi mà tự do tín ngưỡng tôn giáo được đề cao, đạo nghĩa không còn bị cấm cách như trước đây, vậy thì chúng ta phải noi gương các thánh tử đạo sống và làm chứng cho Chúa như thế nào đây?
Vì thế, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài:

“TỬ ĐẠO” TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

Tử đạo trong đời sống gia đình bao gồm 3 khía cạnh sau:
1.   Trước hết, tử đạo bằng việc phục vụ.
Trong đêm vượt qua, Đức Giê-su đã quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ, qua đó Người dạy các ông bài học thế nào là sự phục vụ đích thực. Càng làm lớn thì càng phải là người phục vụ. Khi rao giảng Chúa đã dạy điều này rất nhiều lần.
Các thánh tử đạo chắc chắn là những người đã thực hành bài học phục vụ bằng chính địa vị và phận vụ trong đời sống của mình. Các ngài đã noi gương Chúa phục vụ cách triệt để.
Cũng vậy, trong đời sống gia đình, nếu không có sự phục vụ lẫn nhau thì gia đình đó không bao giờ có tiếng cười. Một ông bố chỉ biết ngồi chỉ tay bắt vợ con phục vụ từ miếng ăn giấc ngủ. Một bà vợ chỉ lo la cà, nhiều chuyện không biết phục vụ chồng và con. Những đứa con chỉ biết hưởng thụ không cảm thông với những nỗi khổ cực vất vả của cha mẹ. Một gia đình mà mọi người không biết phục vụ lẫn nhau thì chắc chắn gia đình đó là hỏa ngục và không bao giờ có hạnh phúc và tiếng cười.

2.   Kế đến, tử đạo bằng việc hy sinh.
Chúa Giê-su vì tuân phục Thiên Chúa Cha, và vì không muốn con người phải làm nô lệ cho ma quỷ, nên Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng hy sinh mạng sống, chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn phong Người trỗi vượt trên các tầng trời.
        Các thánh tử đạo đã họa lại cuộc đời Chúa Giê-su ngang qua chính cuộc đời mình. Để rồi, noi gương Thầy Chí Thánh, các ngài cũng hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa.
Còn với chúng ta, chúng ta cũng phải biết hy sinh đời sống của mình vì chồng, vì vợ, vì con vì cháu. Sở dĩ ngày nay nhiều gia đình đổ vỡ là do không còn người dám hy sinh cho gia đình của mình nữa. Vợ đòi quyền của vợ, chồng đòi quyền chồng, con cái đòi quyền con cái…tự do cá nhân được đề cao. Chính vì thế, mọi thành viên không biết hy sinh cho nhau. Một khi trong gia đình không còn sự hy sinh thì gia đình đó không còn sự sống, một gia đình đã chết dù ngày ngày vẫn kề cận bên nhau.

3.   Tử đạo bằng việc tha thứ.
Chúa của chúng ta, khi bị treo và hấp hối trên thập giá, thay vì căm thù, Chúa lại nói lên lời tha thứ: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23-34)
        Các thánh tử đạo của chúng ta không chết trong sự thù hận, nhưng các ngài vui vì được tử đạo, được minh chứng cho Thiên Chúa, và nhất là các ngài chết đi trong sự thanh thản, tha thứ.
        Cũng vậy, trong đời sống gia đình, làm sao mọi người có thể sống hòa thuận hạnh phúc với nhau được khi mà các thành viên trong gia đình không biết tha lỗi cho nhau. Ai cũng mang thân phận yếu đuối. Chắc chắn trong đời sống hằng ngày, vợ chồng, con cái sống chung thế nào cũng có những lỗi phạm, những lúc xúc phạm hay làm tổn thương nhau. Chính lúc này lời mời gọi hãy tha thứ cho nhau lại được vang vọng lên.
        Như vậy, để tử đạo trong đời sống gia đình là chúng ta cầm làm ba việc sau:
·       Phải phục vụ
·       Phải hy sinh
·       Phải tha thứ
Khi làm được những việc này, chúng ta không chỉ noi gương bắt chước các thánh tử đạo mà quan trọng là chúng ta đang họa lại cuộc đời mình theo nếp sống của Đức Giê-su.

        Thưa cộng đoàn! Những gì chúng ta vừa bàn ở trên, nghe có vẻ dễ dàng, dường như ai cũng có thể nên thánh được. Chỉ cần phục vụ, hy sinh và tha thứ. Nhưng trên thực tế, những ai đã và đang sống trong đời sống gia đình đều trải qua những thời điểm mà sự tự ái, lòng tổn thương, sự giận hờn xâm chiếm tâm hồn. Khiến chúng ta không thể nào chịu đựng được nổi, không thể hy sinh nổi, không thể phục vụ được và không thể nào nói lên lời tha thứ.
Làm sao có thể hy sinh mãi với một ông chồng sáng xỉn chiều say lại còn đánh vợ mắng con? Làm sao có thể phục vụ mãi một người vợ đanh đá hổn láo, nhiều chuyện? Làm sao có thể nói lời tha thứ khi chồng mình, khi vợ mình hết lần này đến lần khác sẻ gối chia chăn với người thứ ba? Làm sao có thể chấp nhận được những đứa con hoang đàng, hư hỏng chửi cha mắng mẹ…

Thế thì một câu hỏi được đặt ra: Mỗi khi chúng ta bị khủng hoảng, mất niềm tin vào gia đình, hay bị lòng tự ái làm cho tổn thương, thì dựa vào đâu để chúng ta có thể tiếp tục phục vụ, tiếp tục hy sinh và tiếp tục tha thứ trong đời sống gia đình?
Thưa! Chúng ta phải dựa vào Chúa Giê-su Thánh Thể.
Thánh Eymard – Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể, cả một đời phụng sự Thánh Thể, ngài đã khám phá ra rằng: “Chỉ 15 phút trước Chúa Giê-su Thánh Thể cũng đủ để tôi lấy lại được bình an.”
Vâng! Đời sống gia đình không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió. Những lúc chúng ta quá mệt mỏi, chán chường chúng ta được mời gọi ở lại bên Chúa Giê-su Thánh Thể. Và trong thời gian ở lại đó, Chúa sẽ bổ sức để chúng ta dám hy sinh bản thân sẵn sàng vác thánh giá theo Chúa bằng việc tử đạo trong chính gia đình ngang qua sự hy sinh, phục vụ và tha thứ.

Nói tóm lại, trong ngày lễ mừng kính các thánh tử đạo hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi tử đạo trong chính gia đình của mình. Xin được nhắc lại một lần nữa: Tử đạo trong gia đình đơn giản chỉ bằng sự hy sinh, bằng sự phục vụ và bằng những lời tha thứ.
Những nếu chẳng may bị tổn thương, tự ái, bị hiểu lầm… khiến chúng ta không thể tiếp tục phục vụ, hy sinh và tha thứ cho các thành viên trong gia đình của mình nữa. Thì hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi ở lại bên Chúa Giê-su Thánh Thể. Chỉ có ở bên Chúa Giê-su Thánh Thể chúng ta mới học được thế nào là sự tử đạo đích thực. Bởi chính Chúa Giê-su đã dành cả cuộc đời để phục vụ, hy sinh và tha thứ dù chúng ta đã bao lần xúc phạm đến Người. Amen.
Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét