TA PHẢI CÓ THÁI ĐỘ NHƯ THẾ NÀO KHI ĐẾN VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA?

Thứ Sáu tuần XVII – TN – LTX – CĐ
Gr26,1-9; Mt 13,54-58


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Vào lúc 3g chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cách đây 2000 năm, Chúa của chúng ta đã đổ hết giọt máu cuối cùng, chịu chết, đền tội cho chúng ta. Chính vì thế, từ thời xa xưa, Giáo hội đã có truyền thống dành ngày thứ Sáu, lúc 3g để cử hành cuộc tử nạn của Chúa.     
        Trong ngày thứ Sáu đầu tháng 8 này, cộng đoàn chúng ta tụ họp nhau đây để cử hành Thánh lễ, tưởng nhớ cách đặc biệt kính Lòng Thương Xót Chúa, Người đã yêu thương mà hy sinh mạng sống mình cho chúng ta được sống.
        Bài Tin mừng hôm nay đề cập đến chuyện Đức Giê-su bị dân làng từ chối vì họ biết được lai lịch của Chúa, quá quen thuộc với Chúa. Vì thế, họ đã đẩy Chúa ra khỏi làng, cũng như ra khỏi cuộc đời mình.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta luôn nhận ra được Chúa là quan trọng trong cuộc đời, để chúng ta đừng chối từ Chúa như dân làng xưa kia.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Bài giảng
TA PHẢI CÓ THÁI ĐỘ
NHƯ THẾ NÀO KHI ĐẾN VỚI
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA?

        Thời gian mấy năm trở lại đây, kể từ khi phong trào sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được khuyến khích trong đời sống của Giáo hội thì xuất hiện rất nhiều nhóm được quy tụ để cử hành giờ kính Lòng Thương Xót Chúa. Nhiều người nhận được những ơn ích thiêng liêng từ việc siêng năng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những trường hợp quá lạm dụng vào phép lạ, dẫn đến nhiều người, nhất là những giáo dân yếu lòng tin có thái độ cực đoan, và chỉ tìm kiếm phép lạ thay vì đổi mới cuộc đời trở nên tốt lành.
        Như vậy, phải chăng việc chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa chỉ là để nhận được những phép lạ, hay còn có một ý nghĩa nào khác? Và quạn trọng, chúng ta phải có thái độ gì khi sùng kính Lòng Chúa Thương Xót?
        Chúng ta sẽ lần lượt trả lời 2 câu hỏi này.

1.   Xin được trả lời câu hỏi thứ nhất: Việc chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa chỉ là để nhận được những phép lạ, hay còn có một ý nghĩa nào khác?
Trong bài Tin mừng hôm nay, những người cùng quê với Chúa mặc dù đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng họ vẫn không chấp nhận Chúa. Lý do đơn giản là họ biết rõ gia cảnh của Chúa, biết Chúa xuất phát từ đâu, con của ông nào bà nào. Hơn nữa, trong não trạng của họ, Đấng Mê-si-a không có xuất thân tầm thường như thế. Đấng ấy phải xuất thân từ hoàng tộc Đa-vít, oai phong lẫm liệt.
Vì thế, khi nghe Chúa rao giảng và làm các phép lạ, loan báo về Nước Thiên Chúa thì họ đã vấp ngã vì Người (x. Mt 13, 57).
Trong đời sống chúng ta, chúng ta cũng có thái độ tương tự như vậy. Chúng ta quan niệm Thiên Chúa theo ý riêng của mình, để rồi hầu hết chúng ta đến với Chúa chỉ mong Chúa sẽ làm phép lạ này, hay nhận được ơn này ơn kia. Thế nhưng, đó là những thứ tùy phụ, những thứ thực sự không cần thiết và quan trọng đó không phải là điều Chúa muốn chúng ta hướng đến. Bởi thứ quý giá nhất mà Chúa cũng đã ban cho chúng ta rồi còn gì. Đó chính là sự sống của Chúa. Hơn nữa, ngày ngày, nơi Bàn Tiệc Thánh, Chúa trao ban chính mình làm của ăn dưỡng nuôi cho chúng ta.
Như vậy, việc chạy đến với Lòng Chúa Thương Xót trước hết không phải là để chúng ta xin ơn này ơn kia, hay mong mỏi phép lạ xảy ra; nhưng là để sống tương quan CHA – CON. Vâng! Ngày ngày, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, nhưng có bao giờ chúng ta ý thức chúng ta có một người cha thực sự chưa? Hay chúng ta chỉ muốn làm một đứa nô lệ, đứa ăn kẻ ở. Bởi chỉ có nô lệ và đứa ăn kẻ ở mới mong mỏi chủ mình ban cho mình một điều gì đó. Còn chúng ta là con, mà như Chúa đã nói: Tất cả những gì của Cha cũng là của con (x. Lc 15, 31b). Thánh Eymard, người đã cả một đời tìm kiếm phép lạ từ Thánh Thể Chúa, để rồi cũng phải khẳng định rằng: “Có Chúa Giê-su Thánh Thể rồi, hỏi bạn còn mong gì hơn nữa ở đời này!”
Do vậy, chúng ta cần xác định lại việc chúng ta chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa không phải là để xin phép lạ, nhưng trước hết là chúng ta được sống trong tâm tình CHA – CON. Xin nhắc lại một lần nữa, chúng ta đến với Chúa là để sống tâm tình CHA – CON. Vì đây là điều rất quan trọng. Bởi có Chúa là có tất cả. Có Chúa chúng ta sẽ luôn thấy no đủ, có Chúa, chúng ta sẽ được sống một đời sống mới, chứ không chỉ quanh quẩn với cơm áo gạo tiền, danh vọng, sức khỏe…tất cả những thứ đó rồi cũng qua đi cùng với thân xác mau hư nát của chúng ta. Có Chúa ở kề bên, chúng ta luôn được sống trong bình an và hạnh phúc, dù rằng chúng ta đang nợ nần chồng chất, dù rằng chúng ta đang u thư giai đoạn cuối, dù rằng gia đình chúng ta sắp sụp đổ…

2.   Chúng ta phải có thái độ gì khi sùng kính Lòng Chúa Thương Xót?
·    Đến với Lòng Thương Xót trước hết chúng ta phải có tâm tình tôn thờ.
Thật vậy, trong Kinh Tiền Tụng IV có nói: Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Như vậy, thái độ đầu tiên chúng ta cần có khi đến với Lòng Thương Xót là thái độ tôn thờ, vì qua đó, Chúa sẽ ban Ơn Cứu Độ cho chúng ta.
·    Kế đến, khi đến với Lòng Thương Xót Chúa chúng ta phải dâng lời tạ ơn.
Đừng nghĩ rằng Chúa có ban ơn cho tôi đâu mà phải tạ ơn. Việc chúng ta được rút ra từ hư vô, được hiện hữu trên cõi đời này đã là một hồng ân vô cùng cao quý rồi. Đã vậy, Chúa lại ban cho chúng ta muôn vàn hồng ân khác; nhưng vì chúng ta quá kiêu ngạo nên không nhận ra đấy thôi. Không dừng lại ở đó, dù chúng ta không nhận ra tình yêu của Chúa qua những ân huệ Người ban thì Người vẫn hy sinh cứu độ chúng ta khỏi chết đời đời. Ngoài ra, Người còn ban chính mình nơi Bí tích Thánh Thể để có thể ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chúng ta phải liên lỷ tạ ơn Chúa suốt cả cuộc đời này rồi.
·    Thái độ sau cùng, khi đến với Lòng Thương Xót là xin ơn.
Thật vậy, chúng ta là con người có giới hạn, nên tự sức mình chúng ta không thể vươn lên đến Chúa được. Vì thế rất cần ơn của Chúa để chúng ta có thể làm điều tốt. Bởi như Chúa đã nói: “Không có Thầy anh em chẳng làm được gì” (Ga 15, 5).
Việc xin ơn, ngoài những ơn tầm thường như ban cho thứ này thứ kia, hay khỏi bệnh, hoặc trả được nợ, hoặc kiếm được việc, hoặc xin ban ơn hoán cải … tất cả những thứ đó xem ra tầm thường và cỏn con, chúng ta cần xin có Chúa hiện diện trong cuộc đời, xin Chúa cùng đồng hành, xin Chúa cùng ở bên, thay vì chỉ xin những thứ ngoại tại, bên ngoài.

Nói tóm lại, trong ngày thứ sáu kính Lòng Thương Xót Chúa, được Lời Chúa đánh động, chúng ta nhận ra rằng mình không có quyền bắt Thiên Chúa theo ý riêng của mình, mà tốt nhất mỗi khi đến với Lòng Chúa Thương Xót, thì hãy xin cho chúng ta ngày càng yêu mến và gắn bó với Chúa nhiều hơn. Bởi đơn giản, có Chúa là có tất cả. Amen.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét