Chúa nhật tuần XVI TN – B – CĐ Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34 CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ MỖI KHI ĐẾN VỚI CHÚA?

Chúa nhật tuần XVI TN – B – CĐ
Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Trong đời sống thường ngày, có một lúc nào đó trước khi đặt lưng xuống giường, chúng ta tâm sự điều gì với Chúa chưa? Chẳng hạn như kể cho Chúa nghe mọi công việc của chúng ta trong ngày. Thiết nghĩ nhiều người trong chúng ta vẫn thường đọc kinh sáng tối, hoặc cầu xin Chúa điều gì đó, chứ còn nói chuyện với Chúa như các tông đồ trong Tin Mừng hôm nay, kể lại cho Người biết mọi việc đã làm, có lẽ ít người thực hiện.
        Vâng! Thưa cộng đoàn, thông thường chúng ta cầu nguyện chỉ là để xin Chúa điều này điều kia, nhất là những khi chúng ta có chuyện gì khó khăn, bất an. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chủ động trong tương quan của Chúa. Chúa chính là vị mục tử nhân lành, Người sẽ thấu hiểu và đỡ nâng chúng ta bất cứ khi nào chúng ta chạy đến với Người.
        Dâng Thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta luôn biết tín thác và đặt niềm trông cậy vào Chúa là vị Mục tử nhân lành. Người không những ban cho chúng ta được sống mà còn sống dồi dào.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

BÀI GIẢNG
CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ MỖI KHI ĐẾN VỚI CHÚA?

        Kính thưa cộng đoàn! Cuộc sống của chúng ta nhiều cơ cực vất vả. Đã vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được những người lãnh đạo tốt lành, biết lo cho dân, sống vì dân. Bài đọc một trích sách tiên tri Giê-rê-mi-a cho chúng ta biết giới lãnh đạo Do thái Giáo đã chèn ép, bóc lột dân. Chính vì thế, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-an Thiên Chúa hứa ban cho dân những mục tử tốt lành: Họ sẽ chăn dắt đoàn chiên. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa.” (Gr 23,4).
        Đến thời đến buổi, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, thực hiện kế hoạch cứu độ đã được tiên báo từ ngàn xưa. Người chính là vị Mục Tử Nhân Lành hy sinh tính mạng để cho chiên được sống và sống dồi dào.
        Cuộc sống của chúng ta, vốn dĩ quá vất vả. Đã vậy, mang trong mình thân phận phàm hèn, chúng ta dễ dàng có những lầm lỡ và sai đường lạc lối. Do đó, rất cần chúng ta siêng năng đến với Chúa, để được Chúa ủi an, đỡ nâng.
        Tuy vậy, nhiều người nói rằng thánh lễ Chúa nhật thật nhàm chán, đã vậy, rất ít những bài giảng hay có thể hữu ích cho đời sống của tôi. Và thế là nhiều người chỉ đi lễ vì giữ luật, chứ cũng chẳng biết phải nói gì, xin gì, hay cầu nguyện gì với Chúa.
        Như vậy, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong lúc này: Tôi sẽ làm gì, nói gì và cầu nguyện như thế nào mỗi khi đến với Chúa, hay mỗi khi tham dự Thánh lễ?

1.   Trước hết là kể cho Chúa nghe những việc chúng ta đã làm.
        Tin mừng kể thuật lại: “Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.” (Mc 6, 30).
        Vâng! Chúa quan phòng, biết tất cả những việc chúng ta làm, thế nhưng việc chia sẻ với Chúa những công việc của chúng ta nói lên tình thân của chúng ta với Chúa. Thật vậy, khi chúng ta chia sẻ với Chúa một vấn đề gì đó, là chúng ta đang để cho Chúa có một chỗ đứng trong cuộc đời của chúng ta. Cũng giống như trẻ con, đi học được điểm 10 về khoe với bố mẹ, thì mỗi chúng ta không những khoe những ưu điểm mà còn kể cho Chúa biết cả những thất bại, đổ vỡ, lỗi phạm của chúng ta. Đó là tâm tình thân thương nhất giữa chúng ta với Thiên Chúa, đó là tình cảm cha và con, tình cảm của chủ chiên và con chiên.
        Chính khi chúng ta đến với Chúa với một sự chủ động như thế, với tâm tình cha con như thế thì chúng ta muốn cầu xin gì mà chẳng được, vì tất cả của Cha cũng là của con (x. Lc 15, 31).
       
2.   Kế đến, hãy nghỉ ngơi trong Chúa
Sau khi nghe các tông đồ tường thuật lại những việc các ông đã làm, Chúa nói với các ông: “Các con hãy tìm một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút. Thật vậy, kẻ lui người tới quá đông nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa” (Mc 6, 31).
        Thật vậy, máy móc làm việc quá tải chúng sẽ bị cháy, bị hư hại, đàng này chúng ta là con người, chúng ta không thể liên tục làm việc mà không nghỉ ngơi, ăn uống bồi bổ sức khỏe. Cuộc sống của chúng ta quá vất vả, nhiều chuyện, nhiều sự: nào là cơm áo gạo tiền, nào là vợ chồng con cái, tương quan này nọ…, chiếm hết thời gian của chúng ta. Do đó, rất nhiều người trong chúng ta bận rộn từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, thậm chí cả ngày Chúa nhật cũng không có thời gian rảnh mà đến với Chúa.
Do vậy, khi đến với Chúa, dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, chúng ta không chỉ chu toàn bổn phận của một tín hữu mà quan trọng là nơi Chúa ta được nghỉ ngơi.
        Nghỉ ngơi trước hết là biết dành thời gian chăm sóc cho chính bản thân mình. Kế đến, thời gian nghỉ ngơi cũng là lúc vợ chồng cha mẹ con cái thăm ông bà, hoặc bà con hàng xóm…
Không những thế, nghỉ ngơi cũng chính là thời gian chúng ta dành cho Chúa cách đặc biệt. Khi đến dâng Thánh lễ, chúng ta sẽ được Lời Chúa và Thánh Thể Chúa bồi bổ cho linh hồn suy nhược của chúng ta được mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Chính khi nghỉ ngơi bên Chúa, chúng ta có thời gian suy xét lại những việc chúng ta đã làm, và xin ơn Chúa giúp sức cho những gì chúng ta dự định được theo Thánh ý Chúa.

3.   Sau cùng, khi đến với Chúa, Chúa sẽ ban bình an cho chúng ta
        Chúa chính là vị Mục Tử Nhân Lành, tình yêu của Người luôn đi bước trước. Điều đó được chứng tỏ khi chỉ cần “nhìn thấy đám đông thì Người chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34). Chính vì Người luôn yêu thương chúng ta trước, nên Chúa cũng sẽ chủ động ban những ơn ích thiêng liêng cho chúng ta trong đời sống mà đôi khi không cần chúng ta phải cầu xin. Một trong những ơn trọng đại mà ai trong chúng ta cũng mong muốn đó là ơn bình an. Quả thật, thánh Phao-lô đã nói rõ: “Chính Người là Bình an của chúng ta.” (Ep 2, 14). Vậy khi chúng ta rước Thánh Thể Chúa vào lòng, là chúng ta rước lấy chính Đấng Bình An. Một khi có được Đấng Bình An, chúng ta sẽ luôn an nhàn thư thái cho dù chúng ta đang phải đối đầu với muôn ngàn khó khăn trong đời sống.

        Nói tóm lại, qua Lời Chúa Chúa nhật 16 thường niên hôm nay, chúng ta cần xác nhận lại vai trò quan trọng của Chúa Giê-su trong cuộc đời của chúng ta. Người chính là vị Mục Tử Nhân Lành. Khi ở bên Người, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi về thân xác, no đầy về linh hồn, và quan trọng, Người sẽ chính Thánh Thể Người, là nguồn bình an đích thực cho chúng ta. Bình an đó là thứ quý giá nhất mà ai cũng mong muốn bởi đơn giản: “Tâm an vạn sự an!”. Amen.

Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét