Chúa Nhật Thăng Thiên – B – TN Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20 QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI

Chúa Nhật Thăng Thiên – B – TN
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn và các con thiếu nhi thân mến. Chúa Giê-su sau khi sống lại thì 40 ngày sau Người lên trời. Người lên trời không có nghĩa là đi xa chúng ta nhưng Người bước vào cõi phúc, nơi chỉ có hạnh phúc và sự thật.
        Tất cả chúng ta cũng sẽ được lên trời với Chúa nếu chúng ta biết sống giới răn yêu thương và loan truyền tin mừng cho mọi người.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta đừng bám vào các thực tại trần thế mà biết hướng lòng mình lên các giá trị của Nước trời, vì quê hương đích thực của chúng ta là ở trên trời nơi có hạnh phúc tràn đầy trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thánh.



BÀI GIẢNG
QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI
       
Trong não trạng phương Đông, thế giới chúng ta bao gồm 3 phần: phía trên cao gọi là trời, rồi chúng ta đang sống ở trần gian, và dưới đất gọi là âm phủ. Vậy Chúa lên trời nghĩa là Chúa đi đâu? Có phải Chúa bay lên ở lơ lửng trên bầu trời?
        Thưa! Chúa lên trời, không có nghĩa là Chúa bay lơ lửng lên cao, nhưng trong truyền thống đức tin của chúng ta, trời không phải là nơi chốn, trời để chỉ một thực tại.
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu: Theo Kinh thánh: Trời có nghĩa là gì?
Theo Sách giáo lý Công giáo thì “ở trên trời” là một thuật ngữ Thánh Kinh - không nhằm ám chỉ một nơi nào (trong “không gian”) nhưng muốn nói lên một cách thế hiện hữu : Thiên Chúa vượt xa hơn và vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ về Người (GLCG 2794).
Sách Công vụ Tông đồ cho biết Chúa Giêsu “lên trời” 40 ngày sau biến cố Phục sinh (Cv 1,3-9) ; nhưng thực ra, Người đã lên trời ngay khi sống lại. Trong 40 ngày sau khi phục sinh, Người đã hiện ra nhiều lần để dạy dỗ các tông đồ và để củng cố đức tin của các ông. Vì thế, khi mừng lễ Chúa lên trời, Phụng Vụ muốn nêu bật rằng biến cố này chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác hữu hình và khai mở cho họ một niềm hy vọng lớn lao. Hy vọng tất cả những ai tin vào Chúa cũng sẽ được lên trời như Chúa.
Như vậy, Chúa lên trời không có nghĩa là Người bay vù vào vũ trụ, hay lên một hành tinh nào khác trong không gian vô tận, nhưng có nghĩa là Chúa Giêsu đạt tới một tình trạng hiện hữu cao hơn, Chúa bước vào tương quan tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa cách trọn vẹn.
Khi làm người, Con Thiên Chúa đã tự trút bỏ địa vị của một vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người, nghĩa là Người chia sẻ với nhân loại cách thế hiện hữu đầy giới hạn của con người. Nhưng một khi sống lại được siêu tôn, nghĩa là lãnh nhận quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa, Người hiện hữu theo cách thế của một vị Thiên Chúa chứ không hiện diện bằng thân xác hữu hình như trước đây.
Vậy một câu hỏi đặt ra cho chúng ta, việc mừng lễ Chúa lên trời mang lại cho chúng ta điều gì?
1. Điểm thứ nhất: Xác tín rằng quê hương chúng ta ở trên trời.
Thật vậy, tất cả chúng ta có nguồn gốc từ Thiên Chúa, và quê hương chúng ta ở trên trời. Trời là nơi Thiên Chúa ngự, là Nhà Cha, nên là quê hương của ta. Vì tội lỗi, chúng ta bị lưu đày xa miền Đất Hứa ; phải có hoán cải tâm hồn thì chúng ta đựợc về "trời", về cùng Cha. Trong Đức Ki-tô, trời đất được giao hòa, vì chỉ Chúa Con là Đấng "từ trời xuống thế" và đưa chúng ta lên trời với Người. Đức Giê-su đã khẳng định: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đưa anh em về với Thầy.” (Ga 14, 3)

2. Điểm thứ hai: Điều kiện để lên trời là gì?
Để được lên trời với Chúa thì cần phải có 2 điều kiện sau:

Trước hết: Phải sống giới răn yêu thương.

Chúa Giê-su trước khi bước vào Cuộc Vượt Qua Người đã ban cho chúng ta Giới Răn Yêu Thương: “Điều Thầy truyền dạy cho anh em đó là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 17); và cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ thầy ở chỗ anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,  35).
Như vậy, chỉ khi chúng ta sống giới răn yêu thương thì chúng ta mới được lên trời với Chúa vì Nước trời là nơi tình yêu được trọn vẹn và chỉ những ai khi còn sống ở đời này biết sống giới răn yêu thương thì mới có thể được lên trời.

Thứ hai: Phải loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Trước khi Chúa về trời, Chúa đã trao cho các tông đồ mệnh lệnh mà cùng là giao cho mỗi ki-tô hữu chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thật vậy, hồng ân lên trời là hồng ân phổ quát, được trao ban cho tất cả mọi người. Đức Giê-su đã chết đi cho nhân loại, và tất cả những ai ăn năn sám hối và tin vào Người sẽ được ơn cứu độ, nghĩa là sẽ được lên trời với Chúa. Mỗi người chúng ta có nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa cho mọi người. Để đến ngày Chúa đến trong vinh quang, tất cả mọi loài thọ tạo cũng sẽ được về trời với Chúa.

Nói tóm lại, Mừng lễ Chúa lên trời chúng ta xác tín rằng quê hương chúng ta ở trên trời. Chúa đi là để chuẩn bị chỗ cho chúng ta. Phần chúng ta, nếu muốn lên trời với Chúa thì điểm thứ nhất phải sống giới răn yêu thương, điểm thứ hai phải biết loan báo Tin mừng cho mọi người.

Chúa chúng ta tuy đã về trời, nhưng chưa bao giờ Chúa xa cách chúng ta, thật ra Chúa về trời chính là khi Người bước vào sự hiện diện đích thực. Lúc này, thời gian, không gian không còn chi phối Người được nữa. Do đó, Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Đặc biệt nhất, Chúa hiện diện cách bí tích, hiện diện thật sự với đầy đủ nhân tính và thần tính của Người nơi Bí tích Thánh Thể. Vậy, cộng đoàn chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà không siêng năng đến với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể để người ủi an đỡ nâng, vì khi chiêm ngắm Chúa nơi Bí tích Thánh Thể là chúng ta được cảm nếm trước Thiên Đàng ngay ở đời này.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét