Chúa nhật III PS - B – CĐ Cv 3, 13-15. 17-19; 1Ga 2, 1-5; Lc 24, 35-48 LÀM CHỨNG CHO ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH

Chúa nhật III PS - B – CĐ
Cv 3, 13-15. 17-19; 1Ga 2, 1-5; Lc 24, 35-48

           
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Đang khi các tông đồ lo lắng và chưa xác tín vào việc Thầy mình sống lại thì Đức Giê-su hiện ra giữa các ông. Người hiện ra không chỉ củng cố niềm tin cho các ông mà còn trấn an qua việc ban bình an cho các ông. Hơn thế nữa, Người còn mời gọi các ông phải làm chứng cho Người.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta và nhất là các gia đình mới này luôn trở thành chứng nhân cho Đức Giê-su Phục sinh trong đời sống hằng ngày.
Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

LÀM CHỨNG CHO
ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH

Những ngày này Giáo hội đang sống trong Mùa Phục sinh, mừng biến cố Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết. Đức Ki-tô vì yêu thương nên chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Tuy vậy, tử thần đã bị đánh bại hoàn toàn khi Người được Chúa Cha cho sống lại. Người sống lại và không bao giờ chết nữa. Đó là nên tàng đức tin của Giáo hội. Vì thế, từ buổi sơ khai đến nay, Giáo hội hiện diện là để làm chứng cho Đức Ki-tô Phục Sinh.
        Tin mừng cho chúng ta biết, đang khi các tông đồ đang rất hoang mang không biết thực hư thế nào về việc Đức Giê-su Phục sinh thì Người hiện ra với các ông, cùng với lời trấn an: “Bình an cho anh em.” (Ga 24,36). Rồi Người mở trí cho các ông hiểu Kinh thánh và ra lệnh cho các tông đồ, “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem”(Ga 24, 47).
Như vậy, Chúa mời gọi các tông đồ cũng là mời gọi chúng ta phải làm chứng cho Chúa.

 Có hai cách để làm chứng cho Đức Giê-su phục sinh:
1.   Trước hết, làm chừng bằng lời rao giảng.
        Mặc dù, sau khi Đức Giê-su chịu chết và phục sinh, các tông đồ liên tục bị bắt bớ và bị cấm rao giảng về danh Đức Giê-su, tuy vậy, vượt qua những sợ hãi, bài đọc 1 trích sách Công vụ Tông đồ cho biết ông Phê-rô đã mạnh dạn làm chứng cho Đức Giê-su bằng những lời rao giảng hùng hồn:“Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Về điều này chúng tôi xin làm chứng.”(Cv 3, 15)
        Là một ki-tô hữu, ai trong chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Đức Ki-tô Phục sinh qua lời rao giảng. Không phải rao giảng về Đức Ki-tô là đặc quyền của một thành phần nào trong Giáo hội nhưng là trách nhiệm của mọi ki-tô hữu.

2. Kế đến, làm chứng cho Chúa Giê-su Phục Sinh bằng đời sống bác ái yêu thương.
Nếu như các giáo mục, linh mục, tông đồ giáo dân có thường được trao nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng lời rao giảng thì mỗi người chúng ta, khi được Rửa Tội có nhiệm vụ làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của mình. Đó là đời sống luôn biết tuân giữ các giới răn của Chúa: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các giới răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người, mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối và sự thật không ở nơi người ấy. (1Ga 2, 3-4)
Giới răn của Chúa là gì? Thưa giới răn của Chúa được tóm gọn trong cụm từ “Mến Chúa yêu người.” Đời sống của chúng ta phải họa lại chính đời sống của Đức Giê-su. Đó là một đời sống tràn ngập tình yêu. Đúng như lời mời gọi của Đức Giê-su: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12); và ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau".(Ga 13,35)

Nói tóm lại, mỗi người chúng ta đều được mời gọi làm chứng cho Đức Giê-su Phục Sinh bằng lời rao giảng và bằng đời sống bác ái yêu thương.
Nói điều này thì rất dễ, nhưng để thực hiện lại rất khó. Chúa cũng đã cảnh báo tất cả những ai theo Chúa và làm chứng cho Chúa đều sẽ gặp chống đối, và giết chóc như Chúa. Liệu rằng khi gặp những khó khăn như thế, chúng ta có còn dám làm chứng cho Chúa không?


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét