Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – CĐ Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20, 19-31 VAI TRÒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – CĐ
Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20, 19-31

Lời dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! Ngày 30/4/2000 là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh. Trong lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, người đã tận hiến đời mình để rao truyền Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố quyết định dành riêng ngày Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.
Thật ra Giáo hội đã có truyền thống từ rất lâu đời kinh nhớ Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng đến triều đại Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, và qua cuộc mặc khải tư của Chúa với thánh nữ Faustina thì Giáo hội mới mừng kính Lòng Thương Xót Chúa cách đặc biệt.
        Với bức tượng Chúa Giê-su phát ra hai luồng sáng trắng và xanh. Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn.
        Dâng Thánh lễ này, chúng ta cầu xin cho mỗi người biết yêu mến, súng kính và năng chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa để được Người bảo vệ chở che.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thánh.


VAI TRÒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA 
TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Xin chào cộng đoàn, và cha chào tất cả các con thiếu nhi!
Các con có biết hôm nay là ngày Chúa nhật thứ mấy trong mùa Phục Sinh không?
Hôm nay là Chúa nhật thứ II Phục sinh, hay còn gọi là Chúa nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Tông Đồ Tôma với Chúa Kitô, nhưng quan trọng hơn hôm nay được gọi là Chúa nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.
Vậy thì Lòng Thương Xót Chúa có vai trò như thế nào trong đời sống của chúng ta?

Lòng Thương Xót Chúa có 3 vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta.

1. Trước hết, Lòng Thương Xót Chúa quy tụ mọi người lại với nhau, đưa chúng ta vào cùng một Hội Thánh.
Bài đọc 1 trích sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” (Cv 4,32). Sở dĩ các tín hữu sơ khai đồng tâm nhất trí với nhau là do được Lòng Thương Xót Chúa quy tụ lại. Thật vậy, khi các tín hữu quy tụ lại cùng nhau làm lễ Bẻ Bánh thì chính Đức Giê-su hiện diện nối kết mọi người. Sự hiệp nhất các tín hữu này chắc chắn là một phép mầu của Đức Ki-tô Phục Sinh, chính Người mở toang tấm lòng hẹp hòi và ích kỷ của con người cũ để hướng đến một tình yêu mới của những cư dân trong Nước Thiên Chúa. Người quy tụ tất cả mọi người vào Hội Thánh mà Người là đầu và tất cả là chi thể: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cr 10,17)

2. Lòng Thương Xót Chúa đánh thức đức tin và tình yêu của người Ki-tô hữu.
Chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đi bước trước, nên Ngài ban cho con người có Đức tin để nhờ đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa, và trở thành nghĩa tử của Ngài: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.” (1Ga 5,1)
Không những thế, chính Lòng Thương Xót đã đánh thức tình yêu nơi con người để qua đó con người biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Thật vậy, chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em, nối kết chúng ta trong sợi dây ràng buộc bởi tình yêu, vì ai yêu mến Chúa Cha “thì cũng yêu thương kẻ Người sinh ra” (1Ga 5, 1b).

3. Lòng Thương Xót Chúa ban lại cho con người bình an đích thực, bình an của Đức Ki-tô Phục Sinh
Lòng Thương Xót không chỉ quy tụ và đánh thức đức tin và tình yêu của chúng ta mà còn ban lại bình an đích thực cho chúng ta.
Thật vậy, nhiều lần Chúa Giê-su đã ban bình an cho các tông đồ, nhưng hôm nay đây, bình an đó trở thành thứ không thể ai lấy đi được, đó là bình an của Đấng Phục Sinh: “Bình An cho anh em!” ( Ga 20, 19). “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27),
Thế nên, khi có bình an của Chúa, các môn đệ đã vượt qua nỗi sợ hãi, yếu nhược mà mở tung cánh cửa, mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Nói tóm lại, trong ngày Chúa nhật mừng kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta rằng chính nhờ Lòng Thương Xót mà chúng ta được Chúa quy tụ lại trong cùng một Hội Thánh, để qua Hội Thánh, Chúa ban chính Thịt Máu Người làm của ăn nuôi dưỡng nhân loại. Chính nhờ Lòng Thương Xót Chúa mà mỗi người chúng ta luôn tin tin tưởng và hết lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chính nhờ Lòng Thương Xót mà Chúa ban cho chúng ta bình an của Người, bình an của Đức Ki-tô Phục Sinh, bình an đích thực, không ai có thể lấy đi được cho dù cuộc sống của chúng ta đây những gian lao khốn khó.

Là những thiếu nhi của Chúa, mỗi người chúng con cần biết siêng năng cầu nguyện với Lòng Thương Xót Chúa. Để mỗi ngày, nhờ Lòng Thương Xót chúng con được lớn mạnh trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến và trung thành trong đức cậy. Amen.

Lm. Bùi Văn Hồng Phúc, Dòng Thánh Thể (SSS)
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét