CHÚA NHẬT PHỤC SINH – B - CĐ Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Lc 24,13-35 BỮA CƠM GIA ĐÌNH

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – B - CĐ
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Lc 24,13-35

         
Lời dẫn đầu lễ

        Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ! Có lẽ niềm vui lớn nhất của chúng ta đó chính là được sau khi chết đi, chúng ta sẽ được sống lại hưởng hạnh phúc trên Nước Thiên Đàng, giống như Đức Ki-tô Chúa chúng ta đã chết đi và phục sinh vinh hiển. Tuy vậy, để có thể sống lại và hường hạnh phục trên Nước Thiên Đàng cần phải có điều kiện. Đó là chúng ta phải sống giới răn yêu thương ngay ở đời này mà Đức Giê-su đã để lại cho chúng ta. Cụ thể là chúng ta phải biết yêu thương những người kề cận của chúng ta, đó là chính gia đình của mình.
        Cuộc sống hiện tại, các gia đình đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn thử thách hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình có nguy cơ tan vỡ, chia rẽ, bất hòa chỉ vì không có thời gian ở bên nhau, nhất là giờ kinh chung và giờ cơm chung.
        Tin mừng Phục Sinh hôm nay cho chúng ta biết hai môn đệ đã thất vọng vì Chúa đã chết, nên họ bỏ về quê ở làng Ê-mau. Tuy Chúa đã hiện ra và cùng đồng hành với họ nhưng họ không nhận ra. Chỉ khi cùng đồng bàn, Chúa bẻ bánh, mắt họ sáng ra và nhận ra Chúa.
        Dâng Thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh hôm nay, xin cho mọi người ý thức tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, vì đó không chỉ là thời gian mọi thành viên trong gia đình chăm sóc nhau mà còn là thời khắc nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh.
        Giờ đây, chúng ta hãy ăn năn thống hối lỗi lầm để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


BỮA CƠM GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ!
Nếu như các tông đồ và các môn đệ theo Chúa đang tràn trề đang hy vọng vì nghĩ rằng Thầy của mình chính là Đấng Mê-si-a, sẽ cầm gươm, cưỡi trên lưng ngựa oai hùng đánh giặc chống ngoại xâm như xưa Vua Đa-vít đã từng làm, thì nay các ông thất vọng biết bao nhiêu khi Chúa bị bắt và chịu chết trên thập giá. Thế nên, ngay khi Chúa bị bắt và chịu chết trên thập giá dường như tất cả các tông đồ và môn đệ đều bỏ Chúa. Cụ thể là Tin Mừng chúng ta vừa nghe, có hai người trong nhóm môn đệ vì quá thất vọng nên bỏ về làng E-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.
Đang giữa lúc ngập tràn sự thất vọng chán chường thì Chúa Phục Sinh ngự đến, cùng đồng hành, truyện trò, ấy vậy mà: “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.” (Lc 24,16). Thế nhưng, chỉ khi, trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn, họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi.” (x. Lc 24,29). Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…” (x. Lc 24,30).
Xin được dừng lại ở chi tiết này, để chia sẻ với cộng đoàn đề tài: Tầm Quan Trọng Của Bữa Cơm Gia Đình.

1. Thực trạng gia đình ngày nay
Vâng! Thưa cộng đoàn, ai trong chúng ta cũng biết rằng bữa ăn là dịp để các thành viên đoàn tụ sau một ngày làm việc, học tập. Tuy nhiên, nhiều gia đình sáng ra, cha mẹ đi làm, con cái đi học. Tối về, con cái học thêm, cha mẹ tăng ca…về đến nhà là chỉ còn biết ngủ để sáng mai ai lại vào việc ấy. Chính vì thế, nhiều gia đình, cha mẹ con ái tuy ở chung nhưng dường như không nói chuyện với nhau chứ đừng nói đến có những giờ chung như cùng nhau đọc kinh hay ăn cơm.
Chính điều này làm cho mọi thành viên trong gia đình ngày càng xa cách nhau. Ma quỷ thừa cơ hội đó mà gieo lên sự nghi ngờ, tính toán giữa các thành viên. Vì thế, nhiều gia đình đổ vỡ chỉ vì không có bữa cơm chung.

2. Nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô Phục Sinh trong bữa cơm gia đình
Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Tại sao trong suốt một hành trình dài, dù có Chúa đồng hành nhưng hai môn đệ không nhận ra Chúa; chỉ khi ngồi vào bàn ăn, mắt các ông mới sáng ra và nhận ra Chúa?
Thưa! Các môn đệ không nhận ra Chúa là do trong suốt một hành trình dài lòng các ông quá u sầu, thất vọng vì nghĩ rằng Thầy của mình đã chết. Chỉ khi ngồi và bàn các ông mới nhận ra Người, vì xét về tâm lý tự nhiên, khi ăn uống cùng nhau, mọi bức tường ngăn cách bị phá bỏ, từ đó mọi người có thể hiểu nhau nhiều hơn. Hơn nữa, đối với các môn đệ đã từng theo Đức Giê-su, thì cử chỉ bẻ bánh được đã mặc lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới: bẻ bánh nói lên sự hy sinh thân mình của Chúa để cứu độ nhân loại. Chính vì thế “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”!
Cũng vậy, trong đời sống, chúng ta luôn bị những lo toan, tính toán, bận rộn...thế nên không nhận ra sự đồng hành của Chúa. Chỉ khi chúng ta quây quần bên nhau, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau ăn cơm, mọi lo toan gạt qua một bên chúng ta mới có thể sáng mắt và nhận ra sự hiện diện cách tỏ tường của Đức Giê-su Phục Sinh, là Đấng nối kết mọi thành viên gia đình.

3. Xin Chúa ở lại với gia đình
Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của các gia đình ngày nay cũng như hai môn đệ trên đường Ê-mau bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng, đêm tối của biết bao khó khăn thử thách trong gia đình, đêm tối của ngoại tình, phá thai, lừa lọc, bạo hành, hận thù, rượu chè, cờ bạc…Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.
Chính trong tâm trạng ấy mà hai môn đệ đã  thưa với Chúa Giê-su: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính gia đình chúng ta hay sao? Những lúc gia đình của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ lẫn nhau, chúng ta cần lắm phải bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: “Lạy Chúa hãy ở lại với con”.

Nói tóm lại, “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…” Vâng! Thưa cộng đoàn, chỉ khi đồng bàn, hai môn đệ mới sáng mắt nhận ra Chúa, mặc dù Chúa đã đồng hành với họ nguyên một chặng đường dài.
Mỗi gia đình chúng ta muốn nhận ra sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh cũng cần lắm những bữa cơm, khi mà cả gia đình quây quần bên nhau, cùng đọc một kinh Lạy Cha và chỉ cần nói rằng: “Lạy Chúa xin ở lại với gia đình con.” Nếu làm được như thế thì có lẽ gia đình của chúng ta sẽ rất khác. Khác không phải là chúng ta sẽ bớt gánh nặng hay những lo toan, khác ở chỗ chúng ta sẽ có được niềm vui và bình an cho dù cuộc sống toàn những khó khăn và thử thách.

MA.PHUC,SSS 




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét