Canh Thức Vượt Qua – B - Cđ Mc 16,1-8 SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Canh Thức Vượt Qua – B - Cđ
Mc 16,1-8


 SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH

         TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn! Đêm nay, đêm Vượt Qua, Đêm Cực Thánh của mọi Ki-tô hữu, đêm mà toàn thể Giáo Hội hân hoan cử hành mầu nhiệm Chúa Ki-tô Phục Sinh. Trong niềm tin, chúng ta xác tín rằng, sau khi chết, chúng ta cũng sẽ được sống lại như Đức Ki-tô đã sống lại.
Lẽ ra, trong Đêm Canh Thức Vượt Qua tràn đầy niềm hy vọng phục sinh như thế này, chúng ta chỉ có thể nói đến sự sống và niềm vui mà thôi, nhưng xin được mở đầu bài chia sẻ bằng một trích đoạn rất buồn về thực trạng của các gia đình Công giáo ngày nay, trích trong bức Tâm Thư Gửi Các Gia Đình Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - 2016: “Tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tính dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường...”
Tại sao trong một Đêm Cực Thánh, đêm vui mừng, đêm đầy tràn niềm hy vọng vào sự Phục Sinh Vinh Hiển, mà chúng ta lại đề cập đến những bi kịch, sự dữ và chết chóc trong đời sống gia đình?
Thưa, là bởi vì trong suốt cuộc đời, chúng ta mừng Đại Lễ Phục Sinh không biết bao nhiêu lần, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn không sống Chiều Kích Phục Sinh. Chính vì thế, nhiều người, tuy đang sống trong cùng một gia đình, cùng chung một mái nhà, nhưng gia đình đó, mái nhà đó dường như đã sụp đổ và đã chết từ lâu rồi. Như có lời trong sách Khải Huyền đã nói: “Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thật ra đã chết.” (Kh 3,1)
Thế nên, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài:

SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.



Vậy, Sống Chiều Kích Phục Sinh Trong Gia Đình là sống như thế nào? Xin được gợi ý với cộng đoàn 3 điểm sau đây: 1. Sống lại tình yêu thuở ban đầu, 2. Sống lại trách nhiệm với nhau, 3. Sống lại sự hy sinh cho nhau.

1. Điểm thứ nhất: Sống lại tình yêu thuở ban đầu.
Dân Do thái trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa cũng đã nhiều lần phản bội Ngài mà thờ tà thần. Do đó, đã rất nhiều lần, Thiên Chúa gửi các ngôn sứ đến để nhắc lại cho dân tình yêu thuở ban đầu. Thời còn rong ruổi trong sa mạc, thời kỳ trăng mật, thời mà Dân Chúa được sống dưới sự chở che của Đức Chúa, được ban cho man-na và nước uống, được đón nhận Lề luật, thời mà dân trung thành và ngoan ngoãn như đàn chiên để Chúa chăn dắt.
Cũng vậy, để sống Chiều Kích Phục Sinh trong gia đình, buộc vợ chồng phải sống lại tình yêu thuở ban đầu. Cần đặt ra những câu hỏi: Lý do nào hai người đến với nhau? Anh chị yêu nhau ở điểm nào? Đã trải qua những thử thách nào để được ở bên nhau? …
Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu không chỉ dành cho những cặp vợ chồng mới cưới, mà ngay của những cặp dù đã sống với nhau 1 năm, 5 năm, hay 10 năm, thậm chí 50 năm thì cũng hãy thường xuyên nhắc lại Tình Yêu Thuở Ban Đầu.
Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu đó nhằm khơi lại tình yêu vốn có của hai người mà hiện tại đã bị thời gian, với nhiều biến chuyển của cuộc sống làm cho chết dần, chết mòn.

2. Điểm thứ hai: Sống lại trách nhiệm với nhau.
Khi ký kết Giao Ước với con người, Thiên Chúa luôn trung thành, đã hoàn toàn thực thi trách nhiệm của Ngài cách trọn vẹn. Đó là luôn bao bọc, chở che con người. Duy chỉ có con người là hay chối bỏ trách nhiệm với Thiên Chúa qua việc thờ thần ngoại.
Cũng vậy, khi vợ chồng nắm tay, cùng thề ước với nhau trong ngày cưới, cũng là lúc anh chị ký kết một giao ước. Giao ước này đòi buộc cả hai vợ chồng phải thực thi trách nhiệm của mình. Cụ thể là: sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời; sẵn sàng yêu thương, đón nhận con cái và giáo dục chúng theo luật Đức Ki-tô và Hội Thánh.
Việc nhắc lại trách nhiệm trong đời sống hôn nhân để mỗi người ý thức hơn vai trò của mình trong gia đình. Nhiều gia đình đổ vỡ là do không có ai dám sống trách nhiệm của mình. Bình thường thì không có gì, nhưng hễ có biến cố nào đó, thì y như rằng chồng đổi cho vợ, vợ đổi cho chồng, cha mẹ đổi thừa con cái, con cái quy trách nhiệm về cho cha mẹ. Cuối cùng, gia đình tan nát không thể hàn gắn được nữa chỉ vì chúng ta thiếu trách nhiệm, hoặc không dám đứng ra chịu trách nhiệm về phía mình.

3. Điểm thứ ba: Sống lại sự hy sinh cho nhau.
Đức Ki-tô đã hy sinh chính sự sống của mình để mang lại sự sống cho nhân loại. Và luôn lặp lại điều đó hằng ngày mỗi khi chúng ta dâng Thánh lễ.
Sở dĩ nhiều gia đình đổ vỡ và chết đi là do không còn người dám hy sinh cho gia đình của mình nữa. Vợ đòi quyền của vợ, chồng đòi quyền chồng, con cái đòi quyền con cái…tự do cá nhân được đề cao. Chính vì thế, mọi thành viên không biết hy sinh cho nhau. Một khi trong gia đình không còn sự hy sinh thì gia đình đó không còn sự sống, một gia đình đã chết dù ngày ngày vẫn kề cận bên nhau.

4. Lời mời gọi trở nên một Ma-ri-a Mác-đa-lê-na, người loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Thưa cộng đoàn! Khởi đầu bài giảng đến giờ, dường như chúng ta có một cái nhìn hơi tiêu cực về gia đình thì phải? Bởi bên cạnh những gia đình xào xáo, đổ vỡ vẫn còn biết bao gia đình đang sống rất tốt lành và trở nên gương sáng cho những gia đình chung quanh. Thế nhưng, thiết nghĩ sẽ không thừa nếu chúng ta kể ra những tiêu cực trong gia đình mà nhắc nhở nhau. Bởi hơn bao giờ hết, ma quỷ và các thế lực thù địch đang đánh phá vào các gia đình. Nền văn minh sự chết đang bao chùm khắp nơi.
Vì thế, nếu chẳng may gia đình chúng ta có sóng gió, có thử thách thì mỗi người chúng ta được được mời gọi sống Chiều Kích Phục Sinh cách trọn vẹn, cũng như trở nên một Ma-ri-a Mác-đa-lê-na, trở nên người tiên phong loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho chính các thành viên trong gia đình của mình. Qua việc khơi lại tình yêu, khơi lại trách nhiệm và khơi lại sự hy sinh trong gia đình.

KẾT LUẬN
Nói tóm lại, mừng Đại Lễ Phục Sinh chúng ta không mừng biến cố trong quá khứ, nhưng là hiện tại hóa biến cố ấy. Bởi ngày ngày biến cố Tử Nạn và Phục Sinh vẫn tiếp tục tái diễn nơi Bàn Tiệc Thánh, tuy không đổ máu.
Nếu Đức Ki-tô đã luôn tái hiện Biến Cố Phục Sinh trong suốt hơn 2000 năm qua, để rồi rồi Biến cố Phục Sinh luôn có giá trị cho mọi người ở khắp mọi nơi; thì chúng ta cũng phải sống Chiều Kích Phục Sinh hằng ngày trong đời sống gia đình. Đó là luôn sống tình yêu thuở ban đầu cách tràn đầy, luôn có trách nhiệm với nhau và nhất là luôn biết hy sinh cho gia đình.
Chính khi sống được như thế chúng ta không những có được niềm vui Phục Sinh trọn vẹn mà còn trở nên nhân chứng sống động cho các gia đình đang chết dần chết mòn, đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bị sự kìm kẹp của ma quỷ và sự dữ gây ra. Amen


MAPHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét