LỄ TẤT NIÊN – CĐKT – CĐ Is 63,7-9; 1Cr 1,3-9; Lc 1,39-55 CHÚNG TA PHẢI CẢM ƠN NHƯ THẾ NÀO CHO PHẢI?

LỄ TẤT NIÊN – CĐKT – CĐ
Is 63,7-9; 1Cr 1,3-9; Lc 1,39-55


CHÚNG TA PHẢI 
CẢM ƠN  NHƯ THẾ NÀO CHO PHẢI?

Truyền thống dân tộc chúng ta hằng năm cứ sau 23 tháng Chạp là con cháu quy tụ lại đưa Ông Táo về trời, còn người Công giáo thì cùng dâng lễ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Sau đó cùng nhau dọn dẹp trang trí nhà cửa, gói bánh chưng bánh tét, làm mứt tết, cả gia đình cha mẹ con cái xum vầy, vui vẻ... Tuy vậy, đó chỉ là tết của ngày xưa. Còn ngày nay thì khác nhiều. Thời buổi kinh tế thị trường, thời của công nghệ internet dường như làm cho con người xa cách nhau hơn, ngay cả con cái anh chị em trong cùng một gia đình. Cái gì cũng có sẵn, chỉ cần ra chợ mua hoặc đặt trước là có. Thậm chí ngay cả việc dành thời gian đi lễ cầu nguyện cho ông bà nhiều khi cũng không có. Cứ lên cha xin lễ là xong.
Những ngày cuối năm, dù bận rộn như thế nào đi nữa thì nhất là khoảng khắc giao thừa thường làm cho chúng ta dễ nhớ về Thiên Chúa, về ông bà tổ tiên, hướng về nguồn cội với lòng biết ơn sâu sắc.
Và chắc hẳn, trong tâm tình hướng về Thiên Chúa và cuội nguồn với lòng biết ơn sâu sắc đó, chúng ta được mời gọi dâng một Thánh Lễ Tạ Ơn Cuối Năm để tỏ lòng biết ơn đến các đấng sinh thành, các ân nhân thân nhân, sau là dâng lên Chúa lời tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa đã ban trên từng gia đình và từng người trong suốt một năm qua.

Nếu như một đứa trẻ khi bập bẹ biết nói, tiếng đầu tiên là “ba” hoặc “mẹ” thì tiếng thứ hai chắn hẳn phải là hai tiếng “Cám ơn”. Thật vậy, “cám ơn” là câu cửa miệng của con người. Vẫn biết cám ơn là câu cửa miệng nhưng vấn đề đặt ra cho chúng ta là chúng ta phải cảm ơn như thế nào cho đúng? Xin được gợi ý 2 điểm.
1.   Điểm thứ nhất, cám ơn hay tạ ơn là trách nhiệm và bổn phận của bậc làm con.
Chúng ta sinh ra trên đời này không có gì là không lãnh nhận từ người khác. Thân xác này của cha mẹ cho, kiến thức của thầy cô, của cải vật chất là do các mối tương quan, công ăn việc làm. Và nói như thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-ri-tô: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).
Tuy nhiên, trong muôn vàn ân huệ chúng ta nhận được thì ân huệ làm con Thiên Chúa là ân huệ lớn lao nhất.“Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, cha ơi!” (Gl 4,6). Chính vì nhận được ân huệ lớn lao đó nên chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm biết ơn đối với Thiên Chúa. Cũng như con cái có bổn phận biết ơn và báo hiếu cho cha mẹ thế nào thì chúng ta cũng có bổn phận và trách nhiệm tạ ơn Thiên Chúa như vậy. Vì thế “hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136).
Tâm tình tạ ơn không chỉ có một vài lần nhưng cần phải được nhắc đi nhắc lại về những ân tình mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà ban tặng cho con người như bài đọc 1 gợi mở cho chúng ta: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Itraen, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63, 7).
Không dừng lại ở đó, thánh Phaolô trong thư gửi thứ nhất gửi tín hữu Côritô cũng nhắc cho chúng ta về tình yêu và lượng hải hà mà Thiên Chúa ban nơi Đức Giêsu. Chính thánh nhân là người đã làm gương cho chúng ta cách thức tạ ơn khi ngài cất cao lời tạ ơn Chúa thay cho con cái của mình: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu”.  Đây là hành động nêu gương cho chúng ta về thái độ biết ơn Chúa (x. 1 Cr 1,3-9). Thánh nhân còn mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” vì “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).

2.   Điểm thứ hai: Lời tạ ơn phải kèm với hành động
Nhiều thánh lễ tạ ơn của các tân linh mục rất xúc động, kể lể không biết bao ơn lành Chúa đã ban. Nhưng ngay sau đó, liệu rằng được bao linh mục sống trọn vẹn với ơn Chúa ban. Hay chẳng mấy chốc đã trở nên một thứ gì đó quái gỡ trong đời sống của giáo hội, không những không mưu ích cho mình mà còn trở nên gương mù gương xấu và là cớ vấp phạm cho muôn ngàn con chiên khác.
Nhiều cặp vợ chồng trong ngày cưới ngập tràn hạnh phúc, cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, kể ra nào là ân phúc lớn lao Chúa đã ban trong ngày cưới. Ấy vậy mà chỉ về chung sống chưa được bao lâu, vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng, ơn Chúa vẫn còn đó, chưa kịp sinh hiệu quả.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn cầu xin Chúa ban ơn cho đứa con. Thật hạnh phúc vì Chúa đã nhận lời, nhưng rồi cô út cậu ấm ấy chẳng mấy chốc trở nên ông tướng, bà tướng chỉ vì nó là con cầu con khẩn.
Và còn biết bao gia đình, tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho thứ này thứ kia, của cái vật chất… nhưng rồi chẳng mấy chốc đã trở nên tan nát, đổ vỡ.
Nguyên nhân do đâu? Phải chăng Chúa không ban ơn nữa?
Thưa là vì chúng ta đã quá ỉ lại, quá lạm dụng vào ân sủng mà không hành động, không cộng tác để ân sủng đó phát sinh hiệu quả. Chúng ta đáp lại ơn Chúa bằng lời chúc tụng tạ ơn, đó đã là một việc chính đáng, phải đạo. Nhưng để hành vi này thật sự có ý nghĩa và hữu hiệu, còn phải biết sử dụng ơn Chúa sao cho đích đáng. Quan trọng nhất không phải là những lời cảm ơn chót lưỡi đầu môi mà là phải biết hành động, cộng tác với ơn Chúa thì ơn đó mới sinh ra hiệu quả.
Về điểm này xin mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng chân dung Đức Maria, Mẹ chúng ta. Ngay sau khi được sứ thần truyền tin, Mẹ đã lên đường chia sẻ niềm vui đó với bà chị họ. Tại đây, Mẹ đã dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Hơn bất kỳ ai, mẹ Maria khi ý thức được thân phận tôi hèn nơi mình. Dù hèn mọn, nhưng Mẹ lại được Thiên Chúa yêu thương và trao ban một ân huệ lớn lao là được trở thành Mẹ Thiên Chúa, ngang qua việc cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu. Ngay lập tức, Mẹ đã coi đây là ân huệ lớn lao không chỉ cho riêng Mẹ, nhưng cho toàn thể nhân loại qua muôn ngàn thế hệ, vì thế, Mẹ đã cất lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Tạ ơn Thiên Chúa với cả linh hồn và thần trí là thế, xong lời tạ ơn này không chỉ dừng lại trên môi miệng nhưng được thể hiện bằng hành động của Mẹ. Đó là cả một đời Mẹ sống với lời xin vâng. Xin vâng đón nhận Ngôi Lời nhập thể, xin vâng sinh con giữa đêm đông, xin vâng trốn chạy qua Ai cập, xin vâng khi tìm thấy con trong đề thờ…xin vâng khi đứng dưới chân thập giá, xin vâng cho đến hơi thở sau cùng. Chính vì lời tạ ơn kèm với hành động Mẹ đã được Thiên Chúa ban thưởng trên thiên quốc.
Bởi vậy, Phaolô mới khuyên chúng ta học nơi gương Đức Maria: "Ðừng để ân huệ của Thiên Chúa trở nên vô hiệu" (2Cr 6,1). Vô hiệu, khi ta sống không tương ứng với ân sủng đã lãnh nhận. Vô hiệu, khi ta không vun xới ân sủng, để nó mang lại hoa trái là những hoa trái của Thần Khí và các nhân đức.
Nói tóm lại, thời gian cuối năm, khi mà không khí tết trở nên chộn rộn khắp mọi nơi, mọi nhà thì cũng là lúc lòng mỗi người dậy lên một tâm tình tạ ơn mãnh liệt. Đó không chỉ là những lời cám ơn suông nhưng được thể hiện qua những quà bánh, rượu mừng.
Lời tạ ơn đích thực phải là lời tạ ơn đi kèm với hành động. Nếu như con cái cám ơn cha mẹ thể hiện qua việc thường xuyên thăm viếng, chăm sóc cha mẹ bằng vật chất tinh thần thì tất cả chúng ta trong tương quan với Cha trên trời cũng thế. Chúng ta đã nhận được không biết bao nhiêu ơn lành từ Cha, tạ ơn là đúng nhưng phải kèm theo hành động cộng tác với ơn Chúa để ơn đó phát sinh hiệu quả.
MA.PHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét