Chúa nhật IV TN – B – CĐ Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28 CHÚA Ở CÙNG U23 VIỆT NAM! (Ai là vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa?)

Chúa nhật IV TN – B – CĐ
Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28

CHÚA Ở CÙNG U23 VIỆT NAM!
(Ai là vị ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa?)

        Vừa rồi, khi xem trận bán kết giữa Việt Nam và Qatar, phải nói rằng đó là một trận đấu không dành cho những người cao huyết áp và yếu tim. Sau trận đấu, rất nhiều người vui mừng, reo hò…biểu lộ tình cảm của mình dành cho các cầu thủ U23. Trăm ngàn thứ cách ăn mừng khác nhau. Người thì vác cờ chạy vòng vòng, người thì rủ bạn bè đi nhậu, kẻ thì đăng tin chúc mừng trên facebook…Việt Nam thắng, tôi thấy lòng cũng phấn khởi, tuy vậy không dám đi bão như các bạn trẻ, thôi đành ở nhà mở các trang mạng đọc tin tức vậy.
Đâu đâu cũng thấy người ta bàn về bóng đá. Lướt qua facebook các bạn trẻ chia sẻ hình ảnh của cờ đỏ rợp trời, chân dung và đời tư của các cầu thủ được khai thác triệt để, bên cạnh là tràn ngập hình ảnh và các video phản cảm của các cô gái, chàng trai khỏa thân uốn éo cách dung tục và phản cảm... Trong vô số muôn vàn hình ảnh liên quan đến bóng đá được đăng trên facebook ngày hôm đó, chỉ có một hình ảnh làm tôi bị đánh động và dừng lại. Một tấm bìa của Báo Công Giáo và Dân Tộc với hình ảnh của các cầu thủ, phía trên có dòng chữ “Chúa Ở Cùng U23 Việt Nam”. 
Thật vậy, khi nhìn vào tấm ảnh, tôi nhận thấy đó không chỉ là để chúc mừng với chiến thắng của U23, nhưng còn là cách mà người Công giáo tuyên xưng niềm tin và giới thiệu Chúa cho mọi người.

AI LÀ NGÔN SỨ CỦA CHÚA?
Chúng ta biết rằng việc giới thiệu Chúa, hay nói về Chúa là nhiệm vụ của các ngôn sứ. Phải nói rằng nhiều tín hữu ngày nay đã rất khéo léo và sáng tạo trong việc sống với ơn gọi ngôn sứ của mình. Thật vậy, khi được Rửa tội, tất cả chúng ta trở thành ngôn sứ của Chúa. Và trong đời sống hiện đại, internet là phương tiện tốt nhất để chúng ta sống với ơn gọi ngôn sứ. Đó là một việc làm đúng đắn và cần được khích lệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, phải chăng bất cứ ai đăng một vài tấm hình Chúa, đăng một câu Lời Chúa, chia sẻ các bài viết về Chúa…là đã sống đúng với ơn gọi làm ngôn sứ của mình?
        Thưa không đơn giản thế! Tin mừng của thánh Maccô phần nào trả lời rõ cho chúng ta. Không phải bất cứ ai tuyên xưng Chúa đều là ngôn sứ của Chúa. Có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadaret…tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Mc 1,24) Ngay sau đó, Chúa quát mắng nó và bắt nó im lặng vì nó biết Người là ai. Chúng ta biết rằng bản chất của ma quỷ là dối trá và thù ghét. Cho dù chúng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhưng nó không yêu thương và không chấp nhận quyền năng của Chúa. Hơn nữa, ma quỷ không đủ tư cách để tuyên xưng Chúa cho người khác. Chỉ những ai được Rửa tội, mang chức vụ ngôn sứ cộng đồng mới có tư cách để loan truyền mà thôi.

Vậy thì ngôn sứ đích thực phải là người như thế nào?

1.   Trước hết, ngôn sứ đích thực là người được Thiên Chúa đặt để Lời của Ngài vào môi miệng người ấy.

Theo Kinh thánh ngôn sứ là những người được Thiên Chúa đặt Lời của Ngài vào môi miệng của người ấy (x.Đnt 18,15-25). “Từ giữa anh em, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ…Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ truyền cho chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” Vì nhận được mệnh lệnh của Thiên Chúa nên ngôn sứ sẽ nói và chỉ nói về Chúa mà thôi.
Làm cách nào có thể nói về Chúa nếu như chúng ta chưa được Chúa đặt Lời của Ngài vào môi miệng chúng ta? Để có thể nói về Chúa cho mọi người điều đầu tiên chúng ta cần học biết về Chúa. Không có thì lấy gì mà cho người khác. Để sống với ơn gọi ngôn sứ, chúng ta cần học hỏi lời Chúa qua việc siêng năng tham dự Thánh Lễ, nghe các cha giảng giải Lời Chúa, đọc Kinh thánh mỗi ngày…
Nhiều người trong chúng ta hiện nay, hễ cứ thấy hình ảnh nào liên quan đến Chúa và Đức Mẹ là chia sẻ, đăng tải. Nhất là ngày nay tôi thấy nhiều hình ảnh của nhóm lạc giáo Sứ Điệp Từ Trời. Nhóm này có đặc điểm dễ nhận biết là luôn nói rằng sắp tận thế và để lời nói của mình có sức thuyết phục họ loan truyền một Thiên Chúa sẽ trừng phạt nặng nề, họ luôn đánh vào lòng tin nhẹ dạ của kitô hữu bằng những phép lạ Chúa khóc, Đức Mẹ khóc…và điểm nổi bật là luôn chống đối Đức Thánh Cha.
Nếu chúng ta nghĩ rằng thật tốt khi chia sẻ hình ảnh hay các video clip về Chúa, Đức Mẹ mà lại không biết phân định đâu là thật, đâu chỉ là chiêu trò lừa bịp của nhóm lạc giáo Sứ Điệp Từ Trời, của ma quỷ và các thế lực thù địch khác thì như thế cách nào đó chúng ta đang cộng tác với ma quỷ hoặc cũng giống như người bị quỷ ám trong bài Tin Mừng. Tuyên xưng đấy, nhưng không tin và không hoán cải. Và chắc chắn đó là điều Chúa không hề muốn.

2.   Thứ hai: Ngôn sứ đích thực phải là người biết họa đời mình theo chân dung của Ngôn sứ vĩ đại Giêsu
Trước hết, Chúa Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại vì chính Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Hr 1,1-2).
Kế đến, Chúa Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại vì Người làm cho người ta“sững sốt về lời giảng của Người, vì Người dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư (Mc 1,22).
Sỡ dĩ Chúa giảng dạy như một đấng có uy quyền là vì lời giảng đi đôi với hành động. Thánh Maccô đã rất tài tình khi kết hợp lời giảng của Chúa với việc chữa lành. Điều này khiến Chúa khác biệt với các kinh sư và luật sĩ. Họ chỉ trọng lề luật chứ không đá động gì đến con người. Chúa lại khác, Người chú trọng đến con người, nhất là những người thấp cổ bé họng, người nghèo, bệnh nhân, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội...

Như vậy, Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ vĩ đại. Chúng ta, qua bí tích Rửa tội được trở nên Con Thiên Chúa và là em của Trưởng Tử Giêsu. Do vậy, chúng ta cũng cần học nơi Người để trở nên một ngôn sứ đích thực. Đó là phải biết họa lại đời mình theo nếp sống của Chúa, biết yêu thương, chia sẻ với người nghèo, những người bị bỏ rơi…

        Tóm lại, để có thể trở thánh vị ngôn sứ đích thực của Chúa cho thời đại hôm nay, trước hết mỗi người chúng ta cần biết đào sâu, học hỏi lời Chúa, qua đó có thể phân định đâu là những điều đúng với đức tin và giáo lý của Giáo hội, đâu là những điều sai lạc mà ma quỷ mê hoặc chúng ta. Kế đến chúng ta phải biết họa lại đời mình theo nếp sống của Đức Giêsu.

Ngay sau khi bức ảnh của Báo Công Giáo Dân Tộc được đăng tải, nhiều người vào comment tạ ơn Thiên Chúa và chúc mừng U23 Việt Nam. Tuy vậy, ngay sau đó, tôi thấy có một bạn khác đăng tấm ảnh trên với hai đường gạch chéo màu đỏ to đùng, kèm theo những lời chê trách nặng nề và khẳng định chẳng có Chúa nào ở cùng các cầu thủ cả. Chẳng thấy có anh nào làm dấu khi xút panelti cả, chỉ thấy mấy ảnh hôn lá cờ và đặt tay lên ngực thôi. Các anh thắng nhờ giỏi giang chứ không phải nhờ Chúa. Đừng có lôi Chúa vào đây…
Tôi thấy làm lạ với cách, mà bạn đó phản ứng. Thì tùy mỗi người mỗi tình cảm, mỗi suy nghĩ. Người Công giáo tin rằng trong mọi biến cố buồn vui, thua thắng đều có ơn lành của Chúa. Ngay từ trong Cựu ước, mặc dù nhiều người phân tích dân Do thái vượt qua biển đỏ khô chân là do có động đất, khiến nước cạn khô, hoặc những lý giải khoa học khác…nhưng trong tâm thức, người Do thái tin rằng Chúa đã giải thoát họ. Người Công Giáo chúng ta cũng thế, luôn nhìn mọi vấn đề, biến cố qua lăng kính của đức tin. Chẳng hạn như trong những ngày lễ Giáng Sinh vừa qua, liên tục báo đài đăng tin sẽ có bão rất lớn đánh trúng vào các tỉnh miền Nam Việt Nam. Các học sinh được thông báo nghỉ học, nhiều công ty cho công nhân nghỉ, hàng trăm ngàn hộ gia đình phải sơ tán. Tuy vậy, bão không vào. Nhà đài chỉ thông báo gọn lơ: Bão đã đổi hướng. Nhưng với người Công Giáo lại nghĩ  khác, Chúa cứu chúng ta, Chúa ở cùng chúng ta. Và dĩ nhiên, với bóng đá cũng thế, “Chúa ở cùng U23 Việt Nam”

MAPHUC,SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét