CĂN TÍNH CỦA TÌNH YÊU LỨA ĐÔI

CĂN TÍNH CỦA TÌNH YÊU LỨA ĐÔI

Bài trích Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt: 19, 3-6)
Khi ấy, các người Pharisiêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người, và họ hỏi rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình vì bất cứ lý do nào chăng?” Người đáp lại các ông: “Các ông há không đọc thấy rằng: từ đầu tiên Thiên Chúa đã tác tạo nên người ta, và Người đã tác tạo nên họ cả nam và nữ ư?” Và Thiên Chúa đã phán dạy rằng: “Bởi lẽ đó, người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và luyến ái vợ mình, và cả hai sẽ thành nên một huyết nhục.  Như thế, họ không còn phải là hai, nhưng là một huyết nhục.  Vậy điều gì mà Thiên Chúa đã liên kết, con người không được tháo gỡ.”

Đó là Lời Chúa.

Kính thưa các bạn trẻ thân mến! Khi đi ăn tân gia, mà vừa vào nhà, chưa kịp chào chủ nhà chúng ta đã vội ý kiến: “Nhà này cái cửa nhỏ quá, một có người chết sao mà khiêng quan tài được.” Nói như thế ai mà chịu được. Nhà người ta mới xây, chưa kịp tân gia đã nói chuyện xui xẻo. Không khéo còn bị chủ nhà đuổi đi. Hoặc khi chúng ta đi xe, vừa bước lên xe, ta đã vội kể những chuyện nào là đụng xe, tai nạn…tài xế không chửi cho mới lạ. Vâng! Người ta nói khởi đầu một việc nào đó không nên nói những chuyện xúi quẩy, xui xẻo sẽ không tốt. Tuy nhiên, bài Tin mừng chúng ta vừa nghe lại thường được đọc trong các thánh lễ Cưới, đề cập đến chuyện xui xẻo trong đời sống vợ chồng mà ai cũng không muốn. Đó là ly dị.
Tại sao trong ngày cưới, Mẹ Giáo Hội lại cho chúng ta nghe một đoạn Tin Mừng đề cập đến vấn đề ly dị?
Thưa vì đó là những lời cảnh tỉnh thiết thực nhất dành cho những đôi tân hôn. Bởi nếu quay trở về thửa tạo thiên lập địa, ông bà nguyên tổ được hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Tuy vậy, cả hai đã không chấp nhận, từ chối Chúa qua hành vi ăn trái cấm. Chúa là tình yêu, vậy khi chối Chúa nghĩa là hai ông bà đã đánh mất tình yêu, cội nguồn của tình yêu. Vì thế, tình yêu của ông bà đã không còn nguyên vẹn, đã có những rạn nứt và mong manh dễ vỡ.
Căn tính trong tình yêu của vợ chồng dựa vào đâu? Dựa vào chính Thiên Chúa mà cụ thể là tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tình yêu đó không còn trừu tượng, xa xôi nhưng thể hiện cách trọn vẹn nơi Bí tích Thánh Thể. Tình yêu thể hiện ở 3 khía cạnh:
1.   Yêu là Trao ban
Trước hết, Đức Kitô đã yêu thương nhân loại đến nỗi Người đã trao ban chính mình cho nhân loại. Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.(Pl 2, 6-8). Người chính là Thiên Chúa vô hình, đã vì yêu thương con người và vì tuân phục thánh ý Chúa Cha mà Người đã xuống thế mặc lấy thân phận phàm nhân như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Không dừng lại ở đó, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Đức Ki-tô đã trao ban chính mình cho nhân loại qua việc Người thiết lập Bí tích Thánh Thể. Qua đó Người trao ban chính mình, sự sống của Người làm của ăn nuôi dưỡng nhân loại. Khi yêu nhau người ta thường được ở gần nhau, được hôn nhau, nên một với nhau qua việc chăn gối. Đức Ki-tô đã hẳn yêu con người nhiều hơn thế, tình yêu không giới hạn trong giới tính nhưng là tình Agape – tình bằng hữu. Tình yêu hy sinh chính mình và nhất là trở nên của ăn cho người mình yêu. Như vậy, khi rước Mình Thánh Chúa chúng ta được tháp nhập, được hòa tan trong tình yêu của Chúa.
Đời sống hôn nhân cũng thế. Khi yêu nhau các bạn luôn muốn người yêu thuộc trọn về mình. Vì thế các bạn kiểm soát mọi thứ của nhau. Tuy vậy, nhiều bạn yêu ích kỷ, chỉ biết lợi cho mình mà không nghĩ đến cảm xúc của người yêu. Chình vì thế, về sống chung vài tháng, vài năm là chán. Tình yêu đích thực phải là tình yêu biết trao ban chứ không phải đòi hỏi. Chúng ta cần trao ban không chỉ thân xác mà còn cả tâm hồn, thời giờ…cho người yêu chứ không phải kiểm soát và ràng buộc.
2.   Yêu là Hy sinh
Đức Ki-tô đã hy sinh sự sống của Người cho nhân loại qua việc Người chịu chết trên thập giá. Người là Đấng Vô Tội mà đã gánh lấy tội con người, hy sinh chính thân mình làm của lễ đền tội. Cái chết trên thập giá của Đức Kitô là cớ vấp phạm cho người Do thái, và là sự điên rồ đối với dân ngoại (1 Cr 1,23). Nhưng đối với chúng ta là những kẻ được tuyển chọn, đó là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,24). Cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện, tự nguyện hy sinh và vì lẽ đó mà Chúa Cha yêu mến Ngài (x. Ga 10,17-18). Chính sự vâng phục tự nguyện đem lại giá trị cho sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô.
Cũng vậy, trong tình yêu lứa đôi cần lắm sự hy sinh cho nhau. Chồng hy sinh cho vợ, vợ hy sinh cho chồng, cha mẹ hy sinh cho con cái…Nghệ sĩ Trấn Thành trong một chương trình truyền hình thực tế Sau Ánh Hào Quang. Khi đề cập đến sự hy sinh trong đời sống vợ chồng, anh đã cho rằng từ hy sinh là từ tàn nhẫn nhất dành cho người phụ nữ nếu sử dụng không đúng mục đích và lạm dụng. Không có lý do gì để bắt chúng ta hy sinh một cách vô lý. Sự hy sinh hữu ích thì đáng ghi nhận, bỏ đi quyền lợi để mang lại cái gì có giá trị tốt đẹp hơn. Còn bắt người ta hy sinh quá đáng thì sự hy sinh không có giá trị. Vâng! Sở dĩ sự hy sinh không có giá trị là vì chúng ta chưa kết hợp với sự hy sinh của Chúa. Ai có thể thấu hiểu được sự hy sinh của Đức Maria, Thánh Giuse đã âm thầm sinh hạ và nuôi dưỡng, bảo vệ Con Thiên Chúa đến hơi thở sau cùng. Ai có thể thấu hiểu được sự hy sinh của thánh nữ Mô-ni-ca khi mấy chục năm trời cầu nguyện cho chồng và con. Chính sự kết hiệp với Đức Ki-tô mà sự hy sinh đó đem lại giá trị đó là chồng và con đã quay trở về với Thiên Chúa. Sự hy sinh này không chỉ của riêng ai nhưng là của mọi thành viên trong gia đình.
3.   Tình yên làm Nảy sinh sự sống
Đức Ki-tô hy sinh sự sống cho chúng ta, nhưng sự hy sinh đó không phải là vô ích. Người đã sống lại. Chính vì thế, Người đưa nhân loại bước vào thời đại mới, thời của sự sống thật, sống không chết nữa. Chúa Giêsu phục sinh để chúng ta được công chính hóa. Bằng cái chết, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; và bằng việc Phục Sinh, Người đã mở ra cho chúng ta một con đường sống mới. Sự sống mới này trước hết là việc làm cho chúng ta sống trong chân lý sự thật, Người phục hồi sự sống của chúng ta trong ơn nghĩa Chúa, “cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6,4).
Chúa Kitô phục sinh sống trong lòng của chúng ta khi chúng ta mong chờ điều ấy được nên trọn. Và đời sống của chúng ta được Chúa Kitô thu hút vào ngay tâm điểm của sự sống thần linh, để họ có thể “không sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. (2Cr 5,15)
“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20-22). Từ đây, cuộc đời con người không còn phải là chu kỳ “sinh ra-sống-chết-mục nát”, nhưng là “sinh ra-sống-chết-phục sinh”. Do quyền năng của Chúa Giêsu Phục Sinh, Thiên Chúa Toàn năng sẽ làm cho chúng ta sống lại, cho thân xác chúng ta kết hiệp với linh hồn, cho ta sự sống bất diệt ở đời sau. Bởi vì Thiên Chúa đã đem cả thân xác nhân loại của Ngài vào Thiên quốc, thì chúng ta cũng tràn ngập hy vọng, hân hoan, chắc chắn sẽ được gặp và ở với Ngài trên Thiên quốc như Ngài đã hứa.
Tình yêu trong đời sống hôn nhân cũng thế. Tình yêu làm này sinh sự sống. Sự sống đó thể hiện cụ thể qua việc sinh ra và giáo dục con cái theo luật Chúa. Sự sống đó còn thể hiện qua việc gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc và tiếng cười.

Nói tóm lại, các chuyên gia tâm lý học, kinh tế học…chạy vào nghiên cứ tại sao ngày nay số lượng ly dị của các cặp hôn nhân trẻ ngày càng nhiều. Và người ta đưa ra trăm ngàn những giải thích khác nhau. Tuy vậy, đó không phải là vấn đề của chúng ta ngày nay mà của toàn thể con người ngay từ buổi đầu tạo thiên lập địa. Tự bản chất, con người không thể có tình yêu đích thực, nên không thể mang lại hạnh phúc cho nhau cách trọn vẹn được. Cần phải quay trở về với căn cốt của tình yêu. Cội nguồn của tình yêu là Thiên Chúa. Muốn có tình yêu đích thực cần phải học theo gương Đức Giêsu Ki-tô Thiên Chúa làm người qua 3 khía cạnh: yêu là phải Trao ban, yêu là biết hy sinh và tình yêu làm nảy sinh sự sống.
MAPHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét