PHIÊN BẢN LỄ CƯỚI - CHÚA THĂNG THIÊN A – CĐ Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20 LÂU ĐÀI TÌNH ÁI ĐƯỢC ĐẶT NỀN MÓNG TRÊN THÁNH THỂ

CHÚA THĂNG THIÊN A – CĐ
Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20
LÂU ĐÀI TÌNH ÁI ĐƯỢC ĐẶT NỀN MÓNG TRÊN THÁNH THỂ

Hôm nay mừng lễ Chúa Thăng Thiên, cho chúng ta nhiều niềm vui. Không những thế, hôm nay còn là ngày cưới của đôi tân hôn điều đó càng làm cho con thêm phấn khởi. Chính vì thế để mở đầu cho bài giảng con xin tặng cho cộng đoàn, cách riêng cho đôi tân hôn một bài hát có được không ạ?

“Anh sẽ vì em làm thơ tình ái. Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài. Đợi chờ một đêm trăng nào tới. Đợi chiều vàng hôn lên làn tóc. Đợi một lần không gian đổi mới. Đón hai đứa chúng ta mà thôi...
Em ơi lâu đài tình ái đó chắc không có trên trần gian, Em đưa anh vào bằng tiếng hát chắp đôi cánh nhung thiên thần. Em ơi lâu đài tình ái đó sáng trong ánh tinh cầu xa. Cho nên cho dù nghìn năm qua, còn vấn vương đôi hồn hoa.
Vâng! Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, cách riêng là đôi bạn trẻ thân mến! Em ơi lâu đài tình ái đó chắc không có trên trần gian. Vậy mà biết bao đôi bạn cũng vẫn ước mơ cho dầu đó chỉ là mơ ước. Ước mơ xây dựng lâu đài tình ái với hai quả tim vàng, người đời tưởng chừng là hão huyền nhưng với đôi bạn trẻ hôm nay hoàn toàn có thể thực hiện được với điều kiện lâu đài tình ái được xây dựng trên nền tảng Bí tích Thánh Thể.
Tại sao lại xây dựng lâu đài tình ái dựa trên nền tảng bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng nhau phân tích vấn đề này trong bối cảnh Phụng Vụ - Chúa Thăng Thiên hôm nay.
Chúa nhật lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay còn gọi là Lễ Chúa Lên Trời. Vây lên trời có nghĩa là đi đâu?
Tin mừng chúng ta vừa nghe không có chỗ nào nói về việc Chúa lên trời cả, nhưng lại kết thúc bằng câu: “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!” Có một điều gì đó nghịch lý ở đây. Nếu Chúa lên trời, thì làm sao Người lại có thể hiện diện với anh em mọi ngày cho đến tận thế được? Vậy thì, Chúa lên trời không phải là lên trên, lên cao trên bầu trời theo nghĩa vật lý, không gian như chúng ta nghĩ mà mang một ý nghĩa khác.
Chúa lên trời trước hết là trở về cùng Chúa Cha. Kinh thánh nhiều lần cho chúng ta biết Chúa Giêsu xuất phát từ Chúa Cha. Người đến thế gian để thi hành ý muốn của Cha mình đó là cứu độ con người. Sau khi hoàn thành sứ mạng, Đức Giêsu trở về với Chúa Cha. Cụ thể bài đọc 1 trích sách Công vụ tông đồ cho ta biết điều đó. Người đã dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các tông đồ Người vẫn sống sau khi chịu khổ hình. Sau đó 40 ngày, Người được rước lên trời.(Cv 1, 3)
Kế đến, Chúa lên trời để lãnh lấy phần thưng cao quý mà Thiên Chúa Cha ban tặng. Đó danh hiệu là Kirios – nghĩa là Đức Chúa. Danh hiệu này, nói như bài đọc 2 trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô là danh hiệu vượt trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai.(Ep 1,21). Không những thế, Chúa lên trời còn là để chuẩn bị chỗ cho một đàn em đông đúc“Thầy đi để dọn chỗ cho anh em”(Ga 14,2). Người chính là trưởng tử, đầu của Thân thể là toàn thể Hội Thánh. Hội thánh đó bao hàm mỗi chúng ta là nhng kitô hữu, những người mang danh Kitô, rồi đây cũng sẽ lên trời với Người.
Cuối cùng, Chúa lên trời không phải là đi xa, đi khuất khỏi chúng ta nhưng là chuyển một sự hiện hữu mới. Đó là hiện hữu trong Chúa Cha. Trời không phải là nơi chốn nhưng là một tình trạng, diễn tả nơi đó có Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Như vậy, lên trời nghĩa là Người bước vào sự sống mới, sự sống thần linh, sự sống vô hạn. Tình trạng gọi là Trời đó không còn bị không gian, thời gian trói buộc. Chính vì thế, khi lên trời là lúc Chúa đi vào một hiện hữu mới, hiện hữu cách rộng mở và mãnh liệt hơn. Giờ đây, không gì có thể trói buộc được Người nữa. Chính vì thế Người có thể hiện diện ở khắp mọi nơi và mọi thời.
Trở lại với đôi bạn trẻ trong ngày lễ cưới hôm nay, khi yêu người ta thường mơ ước xây dựng một lâu đài tình ái. Có hão huyền lắm không khi nghĩ đến một lâu đài tình ái trên trần thế này? Vâng! Mục đích sâu xa của hôn nhân không chỉ là yêu thương, sinh sản và giáo dục con cái mà là cùng đưa nhau về trời. Trong niềm tin, chúng ta biết rằng Chúa đã về trời để dọn chỗ cho chúng ta. Đến ngày phán xét Người cũng sẽ đưa chúng ta về trời. Tuy vậy, chúng ta, cách riêng là đôi bạn hoàn toàn có thể sống thực tại Nước Trời ngay ở đời này, hoàn toàn có thể xây dựng lâu đài tình ái ngay ở đời này, nếu như lâu đài đó được xây dựng dựa trên nền tảng của Chúa Giêsu Thánh Thể. Bởi Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể là tình yêu trọn vẹn, tròn đầy với 3 yếu tố: Yêu là hy sinh, yêu là hiệp nhất và yêu là trao ban sự sống. Một lâu đài tình ái thật sự là một lâu đài hội tụ 3 yếu tố này của Tình yêu. Hơn nữa Cha Thánh Eymard còn khẳng định:“Chúa Giêsu Thánh Thể là thiên đàng trần gian. Nơi đây, Chúa Giêsu thiết lập ngôi nhà vĩnh cửu, một ngai tòa ân sủng và tình yêu của Người.” Nếu vậy thì con mộng mơ gì nữa mà đôi tân hôn nói riêng và mỗi chúng ta lại không mau mánh chọn lựa thiên đàng trần thế ngay trên nền tảng Chúa Giêsu Thánh Thể?
Như vậy, mừng lễ Chúa Lên Trời và cũng là ngày cưới của đôi tân hôn, chúng ta biết rõ khái niệm lên trời. Lên trời nghĩa là bước qua một tình trạng hiện hữu mới, cao hơn, tràn đầy hơn. Lên trời cũng có nghĩa là lên Thiên Đàng, là tình trạng được sống chan hòa trong tình yêu tròn đầy của Ba Ngôi Thiên Chúa. Việc lên trời không chỉ xảy ra ở đời sau mà ngay ở đời này chúng ta cũng sẽ được sống thiên đàng trần thế, hay anh chị có thể xây dựng lâu đài tình ái nếu như biết chạy đến với Thánh Thể, bởi thiên đàng dành cho các thiên thần và các thánh thì Chúa Giêsu Thánh Thể là thiên đàng trần thế lại dành cho tất cả chúng ta. Amen.


 MAPHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét