SỐNG TINH THẦN PHỤC SINH TRONG GIA ĐÌNH


CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C
Cv 10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9

LỜI DẪN ĐẦU LỄ

        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay toàn thể Giáo hội hân hoan cử hành thánh lễ Phục Sinh. Thật vậy, Mầu Nhiệm Phục Sinh được xem là mầu nhiệm cao nhất trong đức tin của chúng ta. Sau khi nguyên tổ phạm tội, sự dữ và cái chết thống trị nhân loại. Đức Ki-tô đã vâng lệnh Chúa Cha, mặc lấy xác phàm, đến với nhân loại, qua đó cứu độ, ban lại sự sống cho nhân loại mà nguyên tổ đã đánh mất vì bất phục tùng.

        Dâng thánh lễ này, chúng ta hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ được sự phục sinh như Đức Giê-su vậy.

        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.




SÁM HỐI
1.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến thế gian, mặc lấy xác phàm vì yêu thương chúng con – xin Chúa thương xót chúng con.

2.   Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã chịu chết để cứu chuộc chúng con. Hơn nữa Chúa đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế – xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.

3.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phục sinh vinh hiển và hứa ban phục sinh cho những ai tin vào Chúa – xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.


BÀI GIẢNG
SỐNG TINH THẦN PHỤC SINH
TRONG GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn! Nếu để ý chúng ta thấy rằng 3 năm trở lại đây, Mẹ Giáo hội luôn đưa ra các chủ đề sống Năm Phụng Vụ bằng việc cầu nguyện cho các gia đình. Năm nay là năm Mẹ Giáo Hội quan tâm cách đặc biệt đến những gia đình đang gặp khó khăn thử thách. Không phải ngẫu nhiên mà Mẹ Giáo Hội lại quan tâm những gia đình này. Vì hơn bao giờ hết, các gia đình đang bị các thế lực sự dữ đánh phá, nhằm hủy diệt Giáo hội tại gia, vốn là nền tảng của Giá hội hoàn vũ.

Hiện tại có rất nhiều gia đình đang gặp khó khăn, sóng gió, thử thách…đang trên bờ vực đổ vỡ, rạn nứt…hoặc những gia đình đã đổ vỡ thì làm sao để cứu chữa?

        Dựa vào phụng vụ Lời Chúa trong ngày Đại lễ Phục Sinh hôm nay, xin chia sẻ với cộng đoàn, cách riêng là những ai đang gặp khó khăn thử thách trong đời sống gia đình đề tài:
SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH TRONG GIA ĐÌNH. Với ba nội dung chính sau đây:
·       Sống lại tình yêu thủa ban đầu
·       Sống lại trách nhiệm với nhau
·       Sống lại sự hy sinh cho nhau

1.   Sống lại tình yêu thủa ban đầu

Dân Do thái trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa cũng đã nhiều lần phản bội Ngài mà thờ tà thần. Do đó, đã rất nhiều lần, Thiên Chúa gửi các ngôn sứ đến để nhắc lại cho dân tình yêu thuở ban đầu. Thời còn rong ruổi trong sa mạc, thời kỳ trăng mật, thời mà Dân Chúa được sống dưới sự chở che của Đức Chúa, được ban cho man-na và nước uống, được đón nhận Lề luật, thời mà dân trung thành và ngoan ngoãn như đàn chiên để Chúa chăn dắt.

Cũng vậy, để sống Chiều Kích Phục Sinh trong gia đình, buộc vợ chồng phải sống lại tình yêu thuở ban đầu. Cần đặt ra những câu hỏi: Lý do nào hai người đến với nhau? Anh chị yêu nhau ở điểm nào? Đã trải qua những thử thách nào để được ở bên nhau? …
Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu không chỉ dành cho những cặp vợ chồng mới cưới, mà ngay của những cặp dù đã sống với nhau 1 năm, 5 năm, hay 10 năm, thậm chí 50 năm thì cũng hãy thường xuyên nhắc lại Tình Yêu Thuở Ban Đầu.

Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu đó nhằm khơi lại tình yêu vốn có của hai người mà hiện tại đã bị thời gian, với nhiều biến chuyển của cuộc sống làm cho chết dần, chết mòn.

2.   Điểm thứ hai: Sống lại trách nhiệm với nhau.

Khi ký kết Giao Ước với con người, Thiên Chúa luôn trung thành, đã hoàn toàn thực thi trách nhiệm của Ngài cách trọn vẹn. Đó là luôn bao bọc, chở che con người. Duy chỉ có con người là hay chối bỏ trách nhiệm với Thiên Chúa qua việc thờ thần ngoại.

Cũng vậy, khi vợ chồng nắm tay, cùng thề ước với nhau trong ngày cưới, cũng là lúc anh chị ký kết một giao ước. Giao ước này đòi buộc cả hai vợ chồng phải thực thi trách nhiệm của mình. Cụ thể là: sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời; sẵn sàng yêu thương, đón nhận con cái và giáo dục chúng theo luật Đức Ki-tô và Hội Thánh.

Việc nhắc lại trách nhiệm trong đời sống hôn nhân để mỗi người ý thức hơn vai trò của mình trong gia đình. Nhiều gia đình đổ vỡ là do không có ai dám sống trách nhiệm của mình. Bình thường thì không có gì, nhưng hễ có biến cố nào đó, thì y như rằng chồng đổi cho vợ, vợ đổi cho chồng, cha mẹ đổi thừa con cái, con cái quy trách nhiệm về cho cha mẹ. Cuối cùng, gia đình tan nát không thể hàn gắn được nữa chỉ vì chúng ta thiếu trách nhiệm, hoặc không dám đứng ra chịu trách nhiệm về phía mình.

3.   Điểm thứ ba: Sống lại sự hy sinh cho nhau.

Đức Ki-tô đã hy sinh chính sự sống của mình để mang lại sự sống cho nhân loại. Và luôn lặp lại điều đó hằng ngày mỗi khi chúng ta dâng Thánh lễ.
Sở dĩ nhiều gia đình đổ vỡ và chết đi là do không còn người dám hy sinh cho gia đình của mình nữa. Vợ đòi quyền của vợ, chồng đòi quyền chồng, con cái đòi quyền con cái…tự do cá nhân được đề cao. Chính vì thế, mọi thành viên không biết hy sinh cho nhau. Một khi trong gia đình không còn sự hy sinh thì gia đình đó không còn sự sống, một gia đình đã chết dù ngày ngày vẫn kề cận bên nhau.

Như vậy, để hàn gắn mọi vết thương, đổ vỡ, rạn nút trong đời sống gia đình thì từ cha mẹ, vợ chồng con cái phải sống chiều kích phục sinh qua ba khía cạnh: Sống lại tình yêu thủa ban đầu, sống lại trách nhiệm với nhau và hãy biết hy sinh cho nhau.

4.   Lời mời gọi thành một Ma-ri-a Mác-đa-la, người loan báo Tin mừng Phục Sinh

Thế nhưng, trong đời sống, nhiều gia đình đã rạn nứt quá lớn, đã đổ vỡ và không thể hàn gắn lại được, vậy chúng ta phải làm những gì?

Nếu chẳng may gia đình chúng ta có sóng gió, có thử thách, rạn nứt đến nỗi không thể hàn gắn được thì mỗi người chúng ta hơn bao giờ hết được mời gọi sống Chiều Kích Phục Sinh cách trọn vẹn. Phải trở thành một Ma-ri-a Mác-đa-lê-na, trở nên người tiên phong loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho chính các thành viên trong gia đình của mình. Qua việc khơi lại tình yêu, khơi lại trách nhiệm và khơi lại sự hy sinh trong gia đình.

Thiết tưởng rằng, một khi vợ chồng đã không thể về ở với nhau được nữa thì cũng không nên tìm một tình yêu khác, một người khác để thay thế vì chắc chắn rằng tình yêu thứ hai này không được Chúa chúc phúc; một khi gia đình đã không thể hàn gắn được thì cũng không vì thế mà trở thành kẻ thù của nhau. Tốt nhất, hãy bàn tình với nhau cách thức hợp lý để bắt đầu lại trách nhiệm và sự hy sinh, ít ra là khởi đi từ tương lai của con cái. Bởi ly dị chỉ có tác dụng với đời sống xã hội, còn trước mặt Chúa, anh chị vẫn là vợ chồng. Và một khi là vợ chồng, anh chị vẫn có trách nhiệm, và hy sinh cho nhau dù tình yêu không còn.
Người ta cứ nghĩ rằng, một gia đình chỉ được xây dựng trên tình yêu. Nên một khi tình yêu không còn thì họ sẵn sàng chia tay. Thưa, gia đình được xây dựng trên 3 khía cạnh: tình yêu, trách nhiệm và hy sinh, giống như một kiềng 3 chân giữ thế thăng bằng. Nếu như tình yêu không còn, thì mọi thành viên trong gia đình phải sống trọn vẹn trách nhiệm và sự hy sinh cách triệt để nhất để tái tạo lại tình yêu thủa ban đầu.

Một khi sống được như thế, chúng ta mới đích thực là những chứng nhân cho sự Phục Sinh Của Chúa. Do vậy, thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê đã khuyên chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” (Cl 3, 1)


Nói tóm lại, mừng đại lễ Phục Sinh, mỗi người chúng ta được mời gọi sống Tinh thần phục sinh trong gia đình qua việc: sống tình yêu thuở ban đầu cách tràn đầy, luôn có trách nhiệm với nhau và nhất là luôn biết hy sinh cho gia đình.
Chính khi sống được như thế chúng ta không những có được niềm vui Phục Sinh trọn vẹn mà còn trở nên nhân chứng sống động cho các gia đình đang chết dần chết mòn, đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bị sự kìm kẹp của ma quỷ và sự dữ gây ra. Amen



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét