Lễ Giáng Sinh - NẾU TÔI LÀ THIÊN CHÚA!


Lễ Giáng Sinh – Lễ Đêm 24.12.2018
Is 9, 1-6; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14

NẾU TÔI LÀ THIÊN CHÚA!

Kính thưa cộng đoàn!
Trong đêm linh thánh này, đêm trời đất giao hòa, đêm mà con người và Thiên Chúa gặp nhau. Chúng ta cùng vỗ một tràng pháo tay thật lớn, thật dài, để Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh.

XIN CÁM ƠN CỘNG ĐOÀN!

Vâng! Trong đêm linh thánh, tràn đầy không khí vui tươi như thế này, lẽ ra không nên nói những điều tiêu cực, tuy vậy, xin được mở đầu bài chia sẻ hôm nay với một trích đoạn trong Thư Gửi Các Gia Đình Công Giáo của Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam - 2016:“Chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường…

Khi nghe những điều như thế, cộng đoàn nghĩ gì?
Nhưng! Với tôi, tôi nghĩ rằng:

1.   Nếu tôi là Thiên Chúa tôi sẽ cho phép ly dị.
Bởi nếu vợ chồng không còn có thể chung sống được với nhau được nữa, nếu gia đình không còn là tổ ấm nữa, không còn là nơi bình yên để trở về nữa, thì còn cố níu kéo làm gì. Thôi thì hãy giải thoát cho nhau.

2.   Nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ cho phép phá thai.
Vì thà đứa trẻ không được sinh ra đời, còn hơn ra đời mà bị bỏ rơi, bị hắt hủi, bị giết chết cách tàn nhẫn bởi chính những người đã sinh ra chúng.

3.   Nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ cho phép hôn nhân đồng tính.
Có rất nhiều người sinh ra đã không có một đời sống tình yêu và tính dục như bao người khác. Họ luyến ái những người cùng giới tính với mình. Chính vì thế, họ bị khinh miệt, bị kỳ thị, bị bỏ rơi …thậm chí bị coi là bệnh hoạn, là biến thái…
Những người như thế, hoàn toàn không phải là lỗi của họ, họ cũng có quyền sống, quyền được yêu thương, quyền được kết hôn…

TUY NHIÊN, rất tiếc tôi không là Thiên Chúa, và tất cả chúng ta ở đây cũng không phải là Thiên Chúa. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại cấm ly dị, cấm phá thai, và không cho kết hôn đồng tính?

CÂU CHUYỆN GỢI Ý

Trước khi trả lời cầu hỏi này xin phép kể hầu cho cộng đoàn một câu chuyện, mà chính bản thân tôi là người đã trải qua.
Tôi còn nhớ rất rõ một đề thi trong một môn mà tôi được học khi còn là sinh viên, nội dung như sau: Anh/chị hãy so sánh sự khác biệt cơ bản về lòng yêu thương con người giữa vị chủ tịch của chúng ta với Chúa Giê-su?
Tất cả các sinh viên Công giáo, trong đó có tôi, rất bối rối vì không biết trả lời câu hỏi này như thế nào? Và chủ trương của người ra đề, muốn chúng tôi phải trả lời như thế nào?
        Sau đó, giáo viên trả lời rằng: Vị chủ tịch của chúng ta yêu thương con người bằng cách đến với con người, đồng hành với con người, cụ thể là làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Còn ông Giê-su thì cũng yêu con người đấy, nhưng là yêu từ trên cao, không đồng hành với con người…

Vâng thưa cộng đoàn! Một ông Giê-su mà người ta cho rằng xa cách với con người, yêu thương con người từ trên cao; thế thì tại sao hôm nay, hơn 1,3 tỷ người Công giáo trên thế giới mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Vì đêm nay: Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.” (Lc 2, 11); “vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta…danh hiệu của người là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thủa, Thủ Lãnh hòa bình…” (Is 9,5).

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe tường thuật cho chúng ta biết thân phận làm người của Đức Giê-su. Vì muốn đồng hành với con người, yêu thương con người cách trọn vẹn nên Đức Giê-su không chỉ làm người, nhưng còn làm một con người sinh ra trong cảnh khốn cùng nhất, không một nơi nương náu, không một ai chấp nhận, giữa trời giá rét.
Quả thật, Vị Thiên Chúa mà người ta cho là ở trên cao đó, xa cách con người đó, nhưng đã hoàn toàn tự nguyện trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm nhân, sống như người trần thế. Không dừng lại ở đó: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá, để cứu chuộc con người khỏi chết muôn đời. (x. Pl 2, 6-11).

Vì thế, nếu như vị lãnh tụ, một vĩ nhân nào đó mà người ta hết lòng ca ngợi vì đã có công làm cách mạng để giải phóng cho một dân tộc ở một thời điểm nào đó trong lịch sử; thì Đức Giê-su giải thoát con người được tự do khỏi ách nô lệ của ma quỷ, cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Người chính là ánh sáng soi lối con người đang lầm lũi trong tối tăm của bóng đêm sự chết: Đoàn dân đang lần bước trong tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. (Is 9, 1).

 Đức Giê-su, một khi đã làm người cách trọn vẹn, thấu hiểu được thân phận con người nên đã ban ân sủng để đổi mới và cứu độ con người. Như lời của thánh Phao-lô gửi ông Ti-tô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức…” (Tt 2, 12)

Đến đây chúng ta có thể trả lời được câu hỏi tại sao luật Chúa không được ly dị, không được phá thai, và không được kết hôn đồng tính?

Thưa, Chúa đến thế gian để cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 1-10). Do đó, Luật Chúa chính là luật yêu thương, luật mang lại sự sống. Sở dĩ, chúng ta đòi ly dị, đòi phá thai, đòi kết hôn đồng tính là vì nhiều người trong chúng ta vẫn tăm tối, chưa nhận ra ánh sáng chân lý của Đức Giê-su, để rồi vẫn tiếp tục sống vô luân và những đam mê trần tục.
-        Chính đời sống vô luân và những đam mê trần tục ấy nên nhiều người sống trong đời sống gia đình hễ gặp khó khăn một chút là đòi ly dị, lầm lỡ một tý là đòi phân ly, như kiểu hăm dọa lẫn nhau.

-        Chính sống vô luân và những đam mê trần tục ấy mà người ta phá thai một cách vô tội vạ, không một chút áy náy lương tâm.

-        Chính sống vô luân và những đam mê trần tục ấy mà người ta biện minh cho những quan hệ đồng giới. Thật vậy, quan hệ cùng giới “tự bản chất là vô trật tự. Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục.” (Giáo Lý Số 2357)

        Nói đến đây, thì một câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta: Vậy với các gia đình đang gặp khó khăn có nguy cơ đổ vỡ rất cao; hoặc có những người rơi vào tình trạng bị buộc phải phá thai, hay có những người đồng tính cũng đang khao khát được yêu thương thật sự, thì làm thế nào để biến đổi được tình thế, để có thể giữ được luật Chúa?
        Thưa chúng ta chỉ có một chỗ dựa duy nhất. Đó chính là Đức Giê-su. Cụ thể là Chúa Giê-su Hài Đồng.
        Giáng Sinh không là thời gian chỉ để mãi mê vui chơi, chụp ảnh, ăn nhậu... Giáng Sinh còn là thời gian lắng đọng, để chiêm ngắm Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Để nhận ra rằng:
-        Một Thiên Chúa vì yêu thương nên đã làm người, để hàn gắn những vết thương, đổ vỡ trong đời sống gia đình chứ không phải để phân ly chia rẽ.
-        Một Thiên Chúa vì yêu thương nên đã làm người, để cứu sống chứ không phải để giết chết, như bao nhiêu thai nhi và trẻ em bị chính cha mẹ ruột của mình sát hại.
-        Một Thiên Chúa vì yêu thương nên đã làm người, để đưa hôn nhân trở lại với trật tự ban đầu chứ không phải chỉ để sống theo bản năng tình dục, như một số người biện minh cho những lệnh lạc của mình.

Nói tóm lại, Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay, mỗi người chúng ta, không phân biệt người sống đời thánh hiến hay ơn gọi gia đình, ai cũng được mời gọi, TRỞ NÊN MỘT HÀI NHI GIÊ-SU SỐNG ĐỘNG trong chính gia đình, và môi trường của mình. Để rồi chính mỗi người trở thành mối nối, hàn gắn mọi vết thương rạn nứt, là người cản ngăn người ta phá thai, và là người biết yêu thương đúng nghĩa.

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin phép được thêm vài phút, để đọc cho cộng đoàn nghe một lá thư của một em nhỏ, gửi Chúa Hài Đồng nhân dịp lễ Giáng Sinh.

THƯ GỬI CHÚA HÀI ĐỒNG
--------------------------------
       
        Kính gửi Chúa Hài Đồng!

        Chúa Hài Đồng ơi! Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi ngủ là mẹ lại khóc. Con hỏi tại sao mẹ khóc, mẹ nói nếu con ngoan, chăm học thì mẹ sẽ không khóc nữa.
Để mẹ không buồn, không khóc, mỗi sáng con tự thức dậy rửa mặt đánh răng, dù rằng con rất thích ngủ nướng. Mỗi buổi đến trường con chăm chú học dù con rất thích chơi đùa với các bạn. Mỗi bữa cơm con tự động ăn dù có những ngày phải ăn cơm với cá, mà con ghét nhất là cá. Mỗi buổi chiều, con tự một mình đi lễ mà không cần mẹ nhắc nhở. Chúa ơi, con cố gắng thật ngoan, chăm học…nhưng không biết tại sao đêm đêm mẹ con vẫn khóc?

Con còn nhớ năm ngoái, sau khi đi lễ Giáng Sinh về, ba mẹ cãi nhau. Thật ra con cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu lần ba mẹ cãi nhau như thế. Nhưng lần này, linh cảm báo cho con rằng, con sẽ không bao giờ được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau nữa.

Mẹ dẫn con về nhà ngoại, rồi ở luôn không về nhà mình nữa. Và từ khi đó, con không bao giờ gặp lại ba; và cũng từ khi đó, đêm nào mẹ cũng khóc.

        Chúa Hài Đồng ơi, năm nay con lên lớp một rồi, con đã biết đọc chữ. Bữa hôm, một tờ giấy nhàu nát dưới gối mẹ rớt ra, con  vô tình đọc được vài chữ in đậm: ĐƠN LY HÔN. Bạn con nói, ly hôn nghĩa là ba mẹ mày không bao giờ về ở với nhau nữa đâu.

        Có thật như thế không, Chúa Hài Đồng?

        Nếu vậy, con ước gì:
Thà ngày ngày được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau, còn hơn là đêm đêm nhìn thấy mẹ khóc.
Thà ngày ngày được nhìn thấy ba mẹ cãi nhau, còn hơn là con không bao giờ được gặp lại ba con nữa.  
                                                       
                                                Ký tên
                                                Gà con

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét