LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ CHẤP NHẬN NHỮNG GIỚI HẠN NƠI BẢN THÂN MÌNH?


Chúa Nhật XXX Thường niên – B – CĐ
Gr 31, 7-9; Dt 5, 1-6, Mc 10, 46-52

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
       
Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật 30 thường niên. Lời  Chúa hôm nay muốn nhắn nhủ mỗi người, trong thân phận làm người chắc hẳn chúng ta không có khiếm khuyết này thì cũng có những tật nguyền kia. Quan trọng chúng ta phải đối diện với những bất toàn nơi thể xác và linh hồn mình như thế nào.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để mỗi người biết chạy đến với Chúa, để Chúa chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta như Chúa đã chũa cho người mù trong Tin mừng hôm nay.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ CHẤP NHẬN NHỮNG GIỚI HẠN NƠI BẢN THÂN MÌNH?

Kính thưa cộng đoàn! Đã mang thân phận con người, ai trong chúng ta cũng đầy dẫy những khiếm khuyết và giới hạn. Những khiếm khuyết và giới hạn đó có thể là màu da, gia cấp; hoặc những khiếm khuyết vì bệnh hoạn tật nguyền, hoặc những người chẳng may sinh ra bị đồng tính, bị dị tật, mù đui, câm điếc…
Tuy là những người có đức tin, nhưng nhiều khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa lại để con bệnh tật, đau khổ như thế này? Tại sao khi sinh con ra để con bị đồng tính, giờ bị mọi người kỳ thị? Tại sao Chúa lại để cho con của con, người thân của con gặp những tai nạn này, sự cố kia?
Thế thì một câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta: Tôi phải làm gì để có thể vượt qua những giới hạn của bản thân?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin mời cộng đoàn cùng nhìn lại 3 hình ảnh sau:

1.   Trước hết, xin mời cộng đoàn nhìn vào công trình tạo dựng.
Kinh thánh cho chúng ta biết, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài trong 6 ngày và ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi. Thật ra Thiên Chúa không cần nghỉ ngơi bởi Ngài quyền năng. Nhưng Thiên Chúa tự ý giới hạn quyền năng của mình để con người tiếp tục cộng tác với Ngài mà sáng tạo, đưa thế giới đến mức vẹn toàn.
Tuy vậy, con người, thay vì sử dụng tự do Chúa ban để nối tiếp công việc sáng tạo của Thiên Chúa,  đã phạm sai lầm khi cắt đứt tương quan với Người, qua hành động ăn trái cấm. Nguyên tổ đã sa ngã phạm tội. Vì thế, một khi tội lỗi thâm nhập vào đời sống con người thì ngay lập tức gây ra những hậu quả nặng nề. Đó là đau khổ, là bệnh tật và chết chóc.

2.   Kế đến, xin cộng đoàn hãy nhìn vào chính bản thân mình.
Nhiều người cho rằng một đứa bé thì làm gì có tội? hoặc tôi có phạm tội gì đâu mà phải liên luỵ bị mắc tội tổ tông? hoặc tại sao nguyên tổ phạm tội mà tôi bị vạ lây?
Vâng thưa cộng đoàn! Chúng ta không tự nhiên mà có, nhưng chúng ta được sinh ra trong một gia đình; gia đình đó được đặt vào trong một xã hội; trong xã hội mọi người cùng chung bản tính con người. Đã là con người thì tất cả chúng ta đã sẽ liên đới với nhau.
Thật vậy, theo Thánh Augustino: Tội nguyên tổ  là tình trạng cụ thể của kiếp người ngay khi mỗi người chúng ta chào đời. Mỗi người chúng ta được sinh ra trong thế giới đã bị hư hoại; nó hiện diện ngay lúc ta chào đời và chúng ta bước vào đó. Do vậy, đã sinh ra dù chưa có tội riêng nhưng vì liên đới với nhau nên chúng ta cũng mắc tội nguyên tổ.
Và dĩ nhiên, một khi có tội thì có hậu quả của tội. Điền hình nhất những hậu quả của tội mà mỗi người chúng ta phải mang đó chính là những giới hạn nơi bản thân chúng ta. Đó là bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ và chết chóc.

3.   Sau cùng nhìn vào Đức Giê-su
Thiên Chúa vì yêu thương con người, không muốn con người phải chết đời đời nên ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc nhân loại. Và đến thời viên mãn, lời hứa ấy đã được thực hiện khi Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người. Người chính là vị thượng tế trỗi vượt hơn muôn ngàn thượng tế, được Thiên Chúa Cha kêu gọi từ trước muôn đời (Dt 5, 5). Nhờ người mà muôn vật được cứu độ.

Như vậy, khi chúng ta nhìn vào vũ trụ, nhìn vào bản thân mình và nhất là nhìn vào Đức Giê-su chúng ta đã có được cái đúng đắn về những giới hạn của con người.  Tất cả những giới hạn của con người như bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ và chết chóc không bao giờ đến từ Thiên Chúa; mà là hậu quả của tội gây ra.
Đến đây, chúng ta đã hiểu được nguyên nhân gây ra những giới hạn bệnh tật, đau khổ và chết chóc nơi con người, giờ đây chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: Tôi phải làm gì để có thể vượt qua những giới hạn của bản thân?

Thưa, để có thể vượt qua được những giới hạn nơi bản thân, chúng ta cần làm hai việc sau đây.

1.   Khiêm nhường nhận ra bản thân mình chỉ là con người tội lỗi và bất toàn.

Rất nhiều người trong chúng ta không khiêm nhường, để rồi không biết chấp nhận những giới hạn của con người. Vì thế, càng không chấp nhận bao nhiêu thì chúng ta lại càng bế tắc và đau khổ bấy nhiêu.
Dĩ nhiên, chấp nhận ở đây không có nghĩa là bằng lòng chịu vậy. Nhưng chấp nhận những giới hạn đó chính là để Thiên Chúa hoàn thiện con người chúng ta.

2.   Hoàn thiện bản thân bằng ân sủng của Chúa.

Hình ảnh anh mù trong Tin mừng hôm nay cũng chứng minh điều đó. Mù nói lên giới hạn của con người cả về thể xác lẫn tâm hồn. Mù là một khiếm khuyết ở mắt, khiến con người không nhận biết được xung quanh, nhưng cái mù đó cũng nói lên cái mù đức tin, mù trong tương quan với Thiên Chúa. Do vậy, việc Chúa chữa mù cho anh Ti-mê không chỉ là chữa về giới hạn thể lý nhưng là mở ra cho anh ánh sáng của sự sống vĩnh cửu. Anh đã bỏ lại tất cả mà bước theo con đường Chúa đã đi.
Thật vậy, Đức Giê-su chính là cứu cánh duy nhất cho chúng ta. Người chính là vị thượng tế tối cao, nhờ người mà chúng ta ơn Cứu độ như bài đọc hai  đã nói. Người sẽ chữa lành cho chúng ta, và đưa chúng ta về nơi hạnh phúc. Ở đó, sẽ không còn đui mù, què quạch nữa như bài đọc một trích sách tiên tri Giê-rê-mi-a: “Này Ta sẽ đưa chúng ta đất bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng trái đất. Trong chúng, có kẻ đui người què, kẻ mang thai, người ở cử: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.” (Gr31, 8).
       
        Nói tóm lại, ai trong chúng ta cũng mang những khiếm khuyết nơi tâm hồn và thể xác mình do hậu quả của tội gây ra. Những giới hạn đó chúng khiến chúng ta mù lòa để rồi tiếp tục chối từ Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết hoàn thiện bản thân bằng chính ân sủng của Chúa. Hãy vượt qua mọi rào cản như người mù, để đến với Chúa. Vì chỉ có nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta mới được chữa lành và trở nên hoàn thiện. Một con người hoàn hảo không phải là một con người đẹp đẽ về thân xác nhưng là một con người luôn có Chúa đồng hành. Chính Người sẽ chữa lành và hoàn thiện con người ta. Sự chữa lành đó không chỉ là những chữa lành về thân xác chóng qua này, nhưng quan trọng là chữa lành linh hồn vốn đã bị tội nguyên tổ và tội cá nhân làm cho hư hoại. Amen.

        Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét