Thứ Tư tuần X TN – CĐ 1V 18, 20-39; Mt 5,17-19 VAI TRÒ CỦA LỀ LUẬT TRONG ĐỜI SỐNG

Thứ Tư tuần X TN – CĐ
1V 18, 20-39; Mt 5,17-19
Lễ kính thánh An-tôn Pa-đô-va (13/6)

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Trong cuộc sống chúng ta phải tuân giữ rất nhiều luật, nào là luật dân sự, Luật Giao thông,.. trong Giáo hội thì Luật Hội Thánh, nhưng với Đức Giê-su thì chỉ có một luật mà thôi, luật đó không ghi chép trên sách vở nhưng được ghi khắc vào tâm khảm, đó là Luật Yêu Thương.
        Tin mừng hôm nay Chúa nói rõ Chúa đến không phải để bãi bỏ Luật và các Ngôn sứ nhưng là để kiện toàn luật, đưa luật đến chân lý vẹn toàn đó là để phục vụ con người và đưa con người đến sự sống.
        Hôm nay cũng là ngày 13/6, ngày lễ Thánh An-tôn Pa-đô-va. Thánh nhân sinh vào tháng 8 năm 1195, Bồ đào Nha. Từ tấm bé, Antôn đã tỏ ra hiền lành. Thánh nhân được hấp  thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy bác ái, nên Ngài sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Thánh nhân xin gia nhập Dòng thánh Augustinô và được nhà Dòng, Bề Trên cho lãnh nhận sứ vụ linh mục. Nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và thánh thiện, Ngài được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn thánh nhân, nên lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Chúa củng cố lời giảng của thánh Antôn Pađua bằng nhiều phép lạ kèm theo. Thánh nhân đã có ảnh hưởng rất lớn tại Ý, tại Pháp, thánh nhân làm việc không mệt mỏi, không ngơi nghỉ. Thánh nhân ra đi trong an bình, trở về với Chúa khi Ngài mới tròn 36 tuổi, ngày 13 tháng 6 năm 1231. Thánh nhân rất nổi tiếng về các nhân đức và các phép lạ Ngài đã làm. Năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô 12 đã tôn phong thánh Antôn Pađua làm tiến sĩ Hội Thánh.
        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho những ai nhận thánh hiệu là An-tôn biết noi gương thánh quan thầy mà làm chứng cho Chúa trong đời sống của mình. Đồng thời cũng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta biết làm chứng cho Chúa trong việc giữ Luật yêu thương.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

VAI TRÒ CỦA LỀ LUẬT
TRONG ĐỜI SỐNG

Kính thưa cộng đoàn! Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đều cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội. Tuy nhiên đó là luật dân sự, luật con người, còn ở đây chúng ta chỉ nói đến Lề Luật, nghĩa là Luật Chúa mà thôi.
Thật vậy, Luật Mô-sê và các ngôn sứ mà Chúa Giê-su nói đến chính là lối nói chỉ về toàn bộ sách Kinh Thánh Cựu Ước. Những người Do thái cho rằng Chúa đã không tuân giữ Lề Luật nên đã chống đối Chúa. Tuy nhiên, Tin mừng hôm nay Chúa đã nói rất rõ ràng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc Lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17)
Trước lời khẳng định của Chúa, chúng ta thấy được: VAI TRÒ CỦA LỀ LUẬT TRONG ĐỜI SỐNG.

1.   Lề luật để phục vụ con người.

Những nhà Pha-ri-siêu và các kinh sư được biết đến như những người giữ Luật nghiêm ngặt nhất. Điều đó là tốt. Nhưng cái không tốt ở đây là họ quá bán vào Luật như là cứu cánh, họ nghĩ rằng chính khi giữ Luật cách nghiêm ngặt họ sẽ được hưởng ơn Cứu Độ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã dạy cho họ và cũng là cho chúng ta một bài học về cách giữ Luật đúng với Thánh Ý Thiên Chúa nhất. Lề Luật là để phục vụ con người, đưa con người đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ con người không nệ luật.  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma đã nói rõ: “Giữ Luật theo tinh thần chứ không phải theo chữ viết của Luật.” (Rm 2m 29).

2.   Lề luật để cứu sống con người.

Trong vụ án xử Đức Giê-su những người Do thái đã khẳng định: “Cứ theo Luật thì nó phải chết.” (Ga 19,7). Điều đó có nghĩa là trong tâm thức của người Do thái nói chung và người Pha-ri-siêu và các Kinh sư nói riêng Luật là để xét xử con người. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã khẳng định luật là để cứu sống con người: “Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát.” (Mc 2, 28-28). Nghĩa là con người làm chủ Lề Luật chứ không phải Luật làm chủ con người.

3. Không được xem thường Lề Luật

Khi Chúa Giê-su nói sẽ kiện toàn Lề Luật thì không có nghĩa là Người tìm cách để lách luật và để tìm sự dễ dãi. Về điểm này, nhiều người chúng ta cũng rất dễ hiểu sai lời Chúa. Và nghĩ rằng: nếu Chúa nhấn mạnh đến tinh thần của Luật thì hay quá, đâu có gì bắt buộc, giữ đạo dễ thôi, miễn là trong lòng mình có Chúa là được rồi. Hiểu như thế là hoàn toàn sai với Thánh ý của Chúa. Chính vì thế, Chúa đã khẳng định: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một điều răn nhỏ nhất, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.” (Mt 5, 19).

Như vậy, Luật Cựu ước chưa hoàn thiện, vì toàn bộ Luật ấy là quy hướng về Đấng Cứu Độ, hay nói cách khác là Luật Cựu ước chỉ là những hướng dẫn để con người quy hướng về Đức Giê-su. Thế nên, Luật ấy chỉ là hình bóng của Luật Mới, Luật mà Đức Giê-su mang lại cho con người, Luật yêu thương.
Bài Tin mừng hôm nay một lần nữa Chúa Giê-su lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của Lề Luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo Hội, của Dòng tu, của Chủng viện, của Giáo xứ… đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa và yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật. Xin cho mỗi người chúng ta biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng chúng ta ngày một nên giống Chúa hơn. Amen

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


                                                                               
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét