CHÚA NHẬT XIII – TN – CĐ Kn 1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 KHI NÀO THÌ PHÉP LẠ SẼ XẢY RA?

CHÚA NHẬT XIII – TN – CĐ
Kn 1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Ai trong chúng ta cũng ham sống sợ chết, bởi đã được sinh ra làm người, cho dầu cuộc sống của chúng ta có muôn ngàn khó khăn, nhưng phần lớn chúng ta muốn được sống và sống trường thọ. Tuy vậy, trên thực tế rồi thì ai cũng phải chết. Thế nhưng, chúng ta không giống loài vật, chỉ có thân xác, chúng ta còn có linh hồn. Điều quan trọng là sau khi lìa đời, thân xác và linh hồn chúng ta có được phục sinh như Chúa Giê-su và nhất là được hưởng kiến nhan thánh Chúa hay không thôi.
        Tin mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Giê-su cứu sống một đứa bé và chữa lành người đàn bà bị băng huyết. Qua hai phép lạ này, chúng ta cần nhận ra rằng, việc được sống lại, hay sống thêm một vài năm không quan trọng bằng việc chúng ta có được sống vĩnh cửu trên thiên quốc hay không?
        Dâng thánh lễ này, chúng ta xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta không chỉ biết sống trọn vẹn, sống tràn đầy ở cuộc sống dương gian này mà còn biết chuẩn bị đời sống mai sau cho mình trên thiên quốc qua đời sống bác ái, yêu thương và phục vụ.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

KHI NÀO THÌ PHÉP LẠ SẼ XẢY RA?

Kính thưa cộng đoàn! Thiên Chúa không làm ra bệnh tật và cái chết. Bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan nói rõ: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1,13) . Vì ông bà nguyên tổ nghe theo lời ma quỷ, hậu quả của là chúng ta phải mang lấy bệnh tật đau khổ và nhất là phải chết đời đời.
Trong đời sống đạo, chúng ta thường nghe mọi người hay kể cho nhau nghe những phép lạ xảy ra ở đâu đó, cho một ai đó. Chỗ thì Đức Mẹ khóc, có chỗ Chúa chữa lành cho người bị ung thư gần chết…Vậy là chúng ta rủ nhau đến đền thánh này, nơi hành hương nọ để cầu xin, hoặc đến với cha này cha kia để xin khấn… Nói chung là chúng ta muốn xin ơn gì đó, muốn Chúa thực hiện phép lạ trên chính cuộc đời mình.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai phép lạ Chúa Giê-su làm đó là cứu chữa người phụ nữ bị băng huyết 12 năm và cứu sống một đứa bé. Vậy, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta: KHI NÀO THÌ PHÉP LẠ SẼ XẢY RA?
Thưa! Phép lạ sẽ xảy ra khi chúng ta hội đủ 3 điều kiện sau:

1.   Điều kiện thứ nhất: Cần phải có lòng tin vững vàng
Trong Tin mừng, Chúa nhiều lần làm phép lạ từ việc hóa bánh ra nhiều, trừ quỷ, chữa bệnh, và đặc biệt là làm phép lạ cho sống lại  đều xuất phát từ lòng tin của người xin. Thật vậy, ông trưởng hội đường đã tín thác vào Chúa và tin rằng Chúa có thể sẽ cứu sống con của ông. Dù là trường hội đường Do thái nhưng ông đã không sợ dư luận, để đến với Chúa. Chính vì thế ông đã được Chúa nhận lời cứu sống con gái của ông.
Cũng vậy, người phụ nữ bị băng huyết 12 năm, thật là khổ sở biết chừng nào. Bởi với não trạng lúc bấy giờ của người Do thái, bệnh băng huyết bị cộng đồng từ chối và bị ô uế (x. Lv 15,19.25). Hơn nữa, tất cả những gì bà động chạm đến cũng sẽ trở nên ô uế. Vượt qua mặc cảm tội lỗi, bệnh hoạn, lấy hết cam đảm, bà sờ vào tua áo Chúa với hy vọng sẽ được cứu chữa. Trước lòng tin và sự can đảm của người phụ nữ, Đức Giê-su không những chưa lành mà còn trấn an: “Này con lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về, bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5, 34).
Như vậy, điều kiện đầu tiên để Chúa làm phép lạ là phải có lòng tin vững vàng. Tin vững vàng nghĩa là như người đàn bà bị băng hay ông trưởng hội đường dám vượt ra ngoài khỏi phạm vi của mình, dám khiêm nhường nhận mình chỉ là kẻ yếu hèn, bất chấp người đời biết được sẽ khinh thường, thậm chí có khi mất cả địa vị và chỗ đứng trong xã hội. Liệu chúng ta có dám hạ mình xuống như ông trưởng hội đường và người đàn bà băng huyết không?

2.   Điều kiện thứ hai: Cần phải có đức cậy bền bỉ.
Ngoài đức tin đưa ông trưởng hội đường và người phụ nữ đến với Chúa thì chính nhờ đức cậy mà họ đã được chữa lành.
Người đàn bà đã vượt qua mặc cảm tội lỗi để chạm vào áo Chúa. Bà biết mình đang mắc ô uế, không thể đụng chạm đến ai vì có thể gây ô uế cho người khác, nhưng vì trông cậy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nên bà bất chấp tình trạng ô uế của mình mà đụng đến gấu áo Chúa.
Cũng vậy, ông trưởng hội đường tại sao lại không tìm đến các kinh sư và những người Pha-ri-siêu mà lại tìm đến Chúa, bởi ông đã mất niềm tin vào những nhà lãnh đạo Do thái, giờ đây, ông không những tin mà còn trông cậy vững vàng vào Lòng Thương Xót của Chúa.
Như vậy, điều kiện thứ hai để Chúa làm phép lạ là chúng ta cần phải có đức cậy bền bỉ. Thật vậy, nhiều khi chúng ta thường nghĩ tại sao phép lạ thường xảy ra cho ai đó chứ không phải cho bản thân tôi, dù tôi cũng tin, cũng xác tín vào Chúa. Thế nhưng, có lẽ như thế vẫn chưa đủ, Chúa cũng cần chúng ta biết phó thác, trông cậy hoàn toàn vào tình thương và sự khôn ngoan của Người. Bởi Chúa biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta.

3.   Điều kiện thứ ba: Cần phải có lòng mến sắt son.
Hình ảnh Chúa Giê-su cầm tay bé gái mà nói: “Ta-li-tha-khum, có nghĩa là Này bé, Thầy truyền cho con trỗi dậy đi.” (Mc 5, 41) gợi lại cho chúng ta hình ảnh trong vườn địa đàng, khi mà Đức Chúa lấy đất tạo thành con người đầu tiên và thổi hơi và lỗ mũi, ban cho con người sự sống (x. St 2, 7). Chính vì yêu mà Chúa tạo dựng và ban cho con người sự sống, chính vì yêu mà Chúa chữa lành và cứu sống con người.
Do đó, sự sống của con người được đặt trên nền tảng tình yêu. Đức Giê-su đã nhấn mạnh giới răn yêu thương như là một dấu hiệu nhận biết con người là hình ảnh của Thiên Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới đó là anh em hãy yêu thương nhau..và cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ thầy ở chỗ anh em có lòng yêu thương nhau.” (x. Ga 13, 34-35).
Do đó, điều kiện thứ ba để Chúa làm phép lạ là chúng ta phải có lòng mến sắt son. Đức mến đó cần phải được thể hiện qua hành động. Cụ thể trong bài đọc 2 trích thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô nói rõ lòng bác ái là biết chia sẻ tinh thần và nhất là vật chất cho cho người nghèo, cho công việc truyền giáo của Giáo hội. Quả thật, Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô không chỉ yêu mến chúng ta, mà tình yêu đó còn được chảy tràn thể hiện qua lòng quảng đại, ban cho chúng ta mọi ơn ích thiêng liêng. Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có. (x. 2Cr 8, 9-12). Vậy thì chúng ta cũng phải noi gương bắt chước Người cũng yêu thương tha nhân qua những việc làm cụ thể, bằng lời nói, bằng hành động, bằng việc rộng lòng giúp đỡ vật chất cho người nghèo, người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội.

Nói tóm lại, Tin mừng thuật lại cho chúng ta sự việc Chúa chữa lành và cứu sống người đàn bà bị băng huyết và đứa bé. Tuy vậy, người đàn bà được chữa bệnh rồi cũng sẽ bệnh lại, đứa bé được cứu sống rồi cũng sẽ chết, vì bản chất của con người là sinh – lão – bệnh – tử. Do vậy, việc Chúa làm phép lạ chắc chắn có một lý do khác, không chỉ là cứu chữa thân xác, nhưng phép lạ đó là hình bóng cho phép lạ cao trọng hơn là cứu chữa cả xác lẫn linh hồn trong ngày cánh chung.
        Hơn nữa, dù chúng ta có sống tốt và hội đủ 3 điều kiện nêu trên  là sống đức tin vững vàng, đức cậy bền bỉ và đức mến sắt son nhưng nếu Chúa vẫn không ban ơn cho chúng ta như chúng ta cầu xin, thì cũng đừng nên than trách Chúa hoặc lý luận tại sao Chúa lại không làm phép lạ, không chữa lành, không cứu sống... Bởi đơn giản Chúa là Chúa, và ta là ai mà dám chất vấn Thiên Chúa; ta là ai mà dám ra lệnh cho Thiên Chúa. Tốt nhất hãy cứ tin, cứ trông cậy, cứ yêu mến Chúa tha thiết. Vì hạnh phúc thật sự không phải là có được ơn này ơn kia, hạnh phúc thật sự là có Chúa trong cuộc đời. Thánh Eymard đã khẳng định: “có Chúa Giê-su Thánh Thể rồi, hỏi bạn còn mong gì hơn nữa ở đời này!” (T. Eymard). Liệu chúng ta có dám khẳng định như thế hay không? Amen

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét