CHÚA NHẬT LỄ LÁ – B - CĐ Is 50, 4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47 HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG CỦA HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – B - CĐ
Is 50, 4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47

     
Lời dẫn đầu lễ
Anh chị em thân mến! Cùng với Hội Thánh, hôm nay người tín hữu bước vào Tuần Thánh, mở đầu bằng Chúa Nhật lễ Lá: Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Thiên Sai, được dân chứng đi theo và hoan hô như đón mừng một ông vua khải hoàn vào thành. Nhưng Chúa Giêsu lại không đáp ứng sự mong đợi của người Do Thái về một vị vua trần thế, Người lại chọn thái độ khiêm nhu, hiền hòa của một vị vua mục tử bằng việc ngồi trên lưng lừa thay vì trên ngựa chiến. Chúa Giêsu chính là người tôi tớ đau khổ của Gia vê. Người đến không đòi người ta phục vụ, mà là để phục vụ. Chính Người đã quì xuống rửa chân cho các môn đồ. Người thể hiện tình yêu tột đỉnh khi lập phép Thánh Thể, để ban Mình Máu Người làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta, và sẵn sàng hi sinh mạng sống, chấp nhận chết đau thương trên Thập Giá, để đền tội thay cho nhân loại, và sống lại để ban sự sống muôn đời cho chúng ta. Trong tâm tình biết ơn, chúng ta cùng tham dự Thánh Lễ, nhưng để xứng đáng, chúng ta cùng thành tâm hối lỗi.

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊ-RU-SA-LEM

(1) Linh mục chào giáo dân như thường lệ; nói ít lời với giáo dân hoặc:
Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.
Chúa nhật lễ lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

(2) Linh mục đọc một trong hai lời nguyện sau đây:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thánh (Dấu Thánh Giá) hiến những cành lá này, để chúng con cầm mà hoan nghênh Ðức Giêsu là Vua chúng con. Xin ban cho mọi người chúng con đây là tín hữu Chúa được theo Người vào thành thánh Giê-ru-sa-lem vĩnh cửu. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

(3) Linh mục thinh lặng rảy nước thánh trên lá. phát lá;

Công bố Tin Mừng:
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi Ðức Giê-su và các môn đệ đi gần tới thành Giê-ru-sa-lem, lúc sắp vào làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi cây Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó về đây. Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy?" thì cứ nói là: "Thầy có việc cần dùng, rồi sẽ trả về ngay". Hai môn đệ ấy ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. Mấy người đứng đó hỏi: "các ông cởi lừa người ta ra làm gì vậy?" Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để cho đi. Hai ông dắt con lừa về cho Ðức Giêsu, trải áo choàng của mình lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. Nhiều người trải áo xuống mặt đường, môt số khác lại chặt cành chặt lá ngoài đồng rải lên lối đi. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ða-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô Chúa trên các tầng trời!"

Ðó là lời Chúa.

(4) Sau Tin Mừng, tùy nghi giảng vắn tắt. Ðể bắt đầu cuộc rước chủ tế kêu gọi:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy noi gương dân thành Giê-ru-sa-lem mà hoan hỷ lên đường nghênh đón Ðức Ki-tô.

(5) Thứ tự: người cầm hương; thánh giá có gắn lá; Linh mục và giúp lễ; giáo dân tay cầm lá.



HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG CỦA
HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG

Không biết cộng đoàn còn nhớ thứ Bảy ngày 27/1 vừa rồi có sự kiện gì không? Ngày đó có một sự kiện mà tôi chắc rằng rất nhiều trong chúng ta ngồi đây đã tham gia.
Nếu không nhớ ra thì xin phép được nhắc cho cộng đoàn nhớ đó là ngày đội tuyển U23 Việt Nam tranh chức vô địch Châu Á với U23 U-bê-kít-tăng. Đội tuyển của chúng ta sẽ có kết thúc tốt đẹp nếu như không có những điều đáng tiếc xảy ra. Điều đáng tiếc không phải là đội tuyển Việt Nam không được chức vô định mà là ngay sau khi trọng tài thổi còi chính thức kết thúc trận đấu, ấn định tỉ số 2-1 chiến thắng nghiêng về U-bê-kít-tăng, Việt Nam vuột khỏi tay chức vô địch chỉ trong giây phút cuối; đã có rất nhiều người nổi máu anh hùng, vào trang facebook của cầu thủ số 11, đội U-bê-kít-tăng – người đã được thay vào phút cuối, và đã có cú sút giúp đội U23 U-bê-kít-tăng đoạt chức vô địch, để chửi rủa, lăng mạ thậm tệ, cả bằng tiếng Việt, tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng U-bê-kít-tăng.
Tôi xin dừng lại ở đây, để nói lên một thực trạng xã hội, mà hậu quả của nó gây ra thiệt hại rất lớn cho cả tập thể hoặc cá nhân nào đó. Tôi muốn đề cập đến HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG.

1. Hiệu ứng đám đông là gì?
 Hiệu ứng đám đông là việc một nhóm người thực hiện một hành động giống nhau nhưng chủ yếu là hành động theo vô thức, theo phong trào, không hiểu rõ và không nhận thức được ý nghĩa của hành động mình đang làm, thấy người ta làm thì mình cũng bắt chước làm theo, làm a dua theo người khác.
Chẳng hạn như trong bài Tin mừng trình thuật cho chúng ta về việc Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-s-lem, có một đám đông đón tiếp Chúa cách nồng nhiệt. Trong số đó, thử hỏi được bao nhiêu người thật sự chấp nhận Chúa và là môn đệ của Chúa? Chỉ vì bị đám đông lôi cuốn, nên nhiều người hùa theo, họ lấy áo choàng và lá cây trải xuống đường để Chúa bước qua. Người đi trước, kẻ theo sau reo hò vang dây: “Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại Vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta, hoan hô trên các tầng trời.” (Mc11,9-10).

2. Chiều kích tích cực của Hiệu ứng đám đông.
Thông thường, người ta dễ bị lôi cuốn vào đám đông xuất phát từ những việc tốt lành, tích cực. Ví dụ như mời gọi đóng góp hỗ trợ làm bác ái, phúc lợi xã hội, hoặc hô hào đi dọn vê sinh ở nhà thờ, nghĩa trang vào những dịp lễ lớn…và gần đây nhất, nhiều người cùng hưởng ứng bảo vệ môi trường biển sạch qua việc chống đối công ti Formosa… Nhiều người sẵn sàng cộng tác vì đó là những việc tốt lành

3. Chiều kích tiêu cực của hiệu ứng đám đông.
Thế nhưng, bên cạnh chiều kích tích cực đó, thì hiệu ứng đám đông phần lớn luôn mang lại những điều tiêu cực, tệ hại. Chỉ vì đám đông thường hành động theo vô thức nên nhanh chóng bị kẻ xấu lợi dụng và khiến đám đông hiền lành bỗng chốc trở thành kẻ sát nhân. Điều đó đã được thể hiện rõ trong vụ án xử Chúa Giê-su mà chúng ta vừa nghe. Cũng là đám đông tung hô chúc tụng Chúa, nhưng nay bị những nhà lãnh đạo Do Thái sách động, đám đông ngay lập tức trở mặt, và hiện nguyên hình thành một tên sát nhân khát máu: “Đóng đi nó vào thập giá!”
Tất cả những điều đó cho thấy được sự nguy hiểm của lòng người. Sự nguy hiểm càng tăng một khi mỗi người hòa tan vào đám đông. Có sức mạnh hủy diệt, giết chóc và mang lại cái chết. Sách tiên tri Giê-rê-mi-a có nói: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được ? (Gr 17,9-10).

        4. Nguyên nhân nào khiến con người dễ bị lôi cuốn vào đám đông?
Hiệu ứng đám đông luôn lôi kéo được nhiều người vì khi thuộc về đám đông, trước hết, người ta có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm khi đám đông gây ra thiệt hại, hậu quả nào đó; kết đến, ở trong đám đông thì hành động tự do mà không cần ý thức; và lý do quan trọng nhất khiến người ta dễ hùa theo đám đông, đó là suy nghĩ “thà xấu đều còn hơn tốt lỏi” đã ăn sâu vào nếp sống, cách nghĩ của chúng ta.

5. Ki-tô hữu được mời gọi tách ra khỏi đám đông, sống một mình với Thiên Chúa.
Trong đời sống đạo, chúng ta cần có đám đông để sống với sống cùng. Nhưng đám đông đó không phải là một đám hỗn độn vô tổ chức, nhưng là một cộng đoàn, có trật tự, có nề nếp, ta gọi đó là Giáo Hội. Chỉ nơi Giáo Hội chúng ta được nuôi dưỡng, chở che.
Tuy vậy, để được thừa hưởng Ơn Cứu Độ cần phải có ý kiến cá nhân, có chính kiến, diện đối diện với Thiên Chúa và nhất là được mời gọi tách ra khỏi đám đông, sống một mình với Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su cũng làm gương cho chúng ta khi nhiều lần người lên núi cầu nguyện một mình. Thánh Augustino đã từng nói: "Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người"

Nói tóm lại, ngày nay, khi nghe lại vụ án xử Chúa Giêsu thay vì chúng ta lên án những người Do thái đã giết Chúa khi xưa thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta. Vì chúng ta cũng là thành phần của đám đông. Ngày nay chúng ta không hô to “đóng đinh nó vào thập giá” như xưa mà vẫn hô to, ủng hộ cho những cái xấu, sự gian dối đang bành trướng trong đời sống của chúng ta. Mỗi lần chúng ta hoà vào đám đông phạm tội bất công, lỗi đức bác ái, gây gương mù gương xấu, cộng tác với sự dữ gây tác hại trực tiếp cho tha nhân, làm hại bản thân, gây thiệt hại cho Hội Thánh là chúng ta làm khổ nhau, nhất là làm cho Chúa phải đau phiền và phải chết một lần nữa. Là một Ki-tô hữu chúng ta phải thật cảnh giác để không bị lôi cuốn vào đám đông mà biến mình trở thành một con cờ, một bình phong của sự dữ và những điều bất chính. Amen.
MAPHUC,SSS




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét