Lễ Thánh Gia – CĐ St 15,1-6;21,1-3 ; Hr11,8.11-12.17-19 ; Lc 2,22-40 ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY RA RẠN NỨT VÀ ĐỔ VỠ TRONG CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO?

Lễ Thánh Gia – CĐ
St 15,1-6;21,1-3 ; Hr11,8.11-12.17-19 ; Lc 2,22-40

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY RA RẠN NỨT VÀ ĐỔ VỠ TRONG CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO?


Trước lễ Giáng Sinh một tuần, có lẽ rất nhiều người chúng ta cảm thấy căm phẫn khi báo đài liên tục đăng tin vụ án vợ giết chồng cách man rợ, vô nhân tính chỉ vì ghen tuông. Sau khi giết chồng, chị chặt xác thành nhiều phần rồi, bỏ vào túi nilông vứt ở những đống rác khác nhau để phi tang. Vụ việc bị bại lộ khi người ta mau chóng tìm được các phần thi thể của người chồng. Thật không thể tưởng tượng: Làm sao trên đời này lại có một người vợ có thể giết chồng mình, người mà mỗi đêm cùng chung chăn gối với mình một cách dã man, kinh khủng khiếp như thế.
Đó là một ví dụ điển hình, như là một sự cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất cho chúng ta, về đời sống của các gia đình hiện nay.

Khi chia sẻ với các bạn trẻ di dân về đề tài Chuẩn Bị Cho Các Bạn Trẻ Bước Vào Đời Sống Gia Đinh, một câu hỏi được nêu ra: Nguyên nhân khiến ngày nay nhiều cặp vợ chồng ly hôn là gì?

Có bạn cho rằng nguyên nhân là không có con cái. Khi mới cưới, cả hai vợ chồng đều nghĩ còn trẻ, đời còn dài mà sự nghiệp, tiền bạc chưa có, hoặc chưa thuận tiện để sinh con. Cả hai cùng nhau lên kế hoạch rất hoành tráng. Khi nào có công việc ổn định, có xe cộ, có nhà cửa, có ít vốn rồi sinh con cũng chẳng muộn. Vợ chồng mình còn trẻ mà. Rồi cả hai quyết định dùng các biện pháp tránh thai nhân tạo nào là đặt vòng, nào là uống thuốc, nào là dùng bao…Rồi khi nhà cửa có, xe cộ có, mọi thứ vật chất trong mơ đều có, thì lại không thể có con. Ở đây, con chưa bàn đến vấn đề luân lý trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai nhân tạo nhưng chính việc sử dụng biện pháp tránh thai nhân tạo trong thời gian dài làm đảo lộn tâm sinh lý, từ đó dẫn đến mất khả năng thụ thai, hư thai, mất khả năng có con. Thế là bao nhiêu tiền của dành dụm bấy lâu, thôi thì lấy ra để chạy chữa, thầy này ông nọ. Vậy là trắng tay, tiền bạc cũng hết, mà con cái cũng không? Bắt đầu xáo trộn, lục đục, tại anh, tại em…và hậu quả: “Thôi! Chúng ta chia tay đi!”

Có bạn khác cho rằng nguyên nhân ở chỗ không hòa hợp trong đời sống vợ chồng từ tiền bạc đến chuyện chăn gối. Khi yêu nhau mọi thứ đều đẹp, nhưng về sống chung, có với nhau vài đứa con mới lòi ra trăm ngàn thứ mà cả hai đều giấu kín khi đang trong giai đoạn hẹn hò. Thế là vỡ mộng, thế là mất niềm tin vào nhau. Cuối cùng hậu quả là: yêu vội, cưới vội và ly hôn vội.
Còn, còn nhiều nguyên nhân khác nữa khiến các gia đình ngày nay ly tán và để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhất là trẻ em.
Riêng với những gia đình Công giáo, thì nguyên nhân chính gây ra rạn nứt và đổ vỡ trong đời sống gia đình đó là: KHÔNG CÓ CHÚA.
Tại sao không có Chúa lại là nguyên nhân chính gây ra những rạn nứt và đổ vỡ trong gia đình. Hãy nhìn vào 3 cặp vợ chồng tiêu biểu mà Kinh thánh đề cập đến.
1.               Gia đình thứ nhất: Ađam – Eva (St 3)
Trình thuật sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta biết, thật hạnh phúc cho hai ông bà khi được Thiên Chúa ngày ngày cùng dạo chơi, trò chuyện. Nhưng vì muốn tự do quyết đình đời mình, muốn làm chủ vận mệnh đời mình, ông bà đã ăn trái cấm. Trái cấm chỉ là biểu tượng cho hành động khước từ Thiên Chúa, đẩy Thiên Chúa ra bên ngoài. Thiên Chúa là tình yêu, nên việc đẩy Thiên Chúa ra bên ngoài, ông bà còn tình yêu đâu mà trao ban cho nhau. Từ đó dẫn đến biết bao tai ương trong đời sống gia đình. Cha mẹ, vợ chồng đổi lỗi hận thù nhau; anh em, con cái ghen ghét giết chóc nhau…
2.               Gia đình thứ hai: Ápraham – Sara (St 15,1-6;21,1-3)
Ápraham một lòng đặt niềm tin nơi Chúa. Tuy vậy Sara, vợ ông, lại muốn tự quyết định tương lai của mình. Dù biết rằng Chúa đã hứa ban cho ông bà một dòng tộc nhưng nhận thấy cả hai đều đã già nua, bà muốn tự quyết định, gạt Chúa ra ngoài để lên chương trình cho gia đình, trước khi quá muộn để có con. Bà cho người hầu của bà ăn ở với chồng để sinh con cho bà. Nhưng từ khi sinh con, người hầu gái trở nên kiêu ngạo, xem thường bà. Thế là mâu thuẫn xảy ra, bà đuổi người hầu gái và đứa con vào sa mạc. Gây ra thảm cảnh gia đình tan nát, anh em con cái không có cơ hội được gặp mặt nhau.
3.               Gia đình thứ 3: Giuse – Maria
Nếu như hai cặp vợ chồng trên ly tán, con cái giết chóc nhau thì với Giuse và Maria lại khác. Cả hai ông bà đều một lòng tín thác vào Chúa, cưu mang Chúa, bảo vệ Chúa đến hơi thở sau cùng. Chính vì thế, có Chúa trong gia đình,  Giuse và Maria vượt qua mọi thăng trầm, sóng gió của đời sống và trở nên mẫu gương cho mọi gia đình.

Như vậy, từ hình ảnh của ba gia đình nêu trên, chúng ta rút ra kết luận: Gia đình có Chúa sẽ không dễ đổ vỡ và ly tán. Bởi Chúa là chất kết dính vững bền nhất cho vợ chồng và con cái. Tuy nhiên, một câu hỏi khác lại đặt ra cho chúng ta: Gia đình có Chúa là gia đình như thế nào?
1.   Trước hết, gia đình có Chúa là gia đình sống đức tin vững vàng.
Không phải ngẫu nhiên Ápraham nhận được danh xưng là Cha Của Kẻ Tin. Được Thiên Chúa kêu gọi, ông đã rời bỏ quê hương về vùng đất hứa, trong khi tuổi đã già. Tuy tuổi đã cao niên nhưng ông vẫn xác tín vào Lời Hứa Chúa sẽ ban cho ông một dòng dõi đông như cát bãi biển, như sao trên trời.
Cũng vậy, nếu như Ápraham là cha của những kẻ tin thì Giuse và Maria đã sống niềm tin cách vững vàng. Chính vì đặt niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa nên hai ông bà đã rộng lòng đón nhận lời sứ thần, cộng tác đắc lực để Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Các gia đình nếu biết noi gương gia đình Thánh Gia trong việc sống Đức Tin vững vàng như thế thì cả gia đình không chỉ biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa mà còn biết tin tưởng nhau. Chồng tin tưởng vợ, vợ tin tưởng chồng, cha mẹ tin tưởng con cái, con cái tin tưởng cha mẹ. Và như thế, một khi niềm tin trong gia đình được vững vàng thì dù cuộc sống có sóng gió như thế nào đi nữa cũng không dễ làm rạn nứt, đổ vỡ.
2.   Điểm thứ hai, gia đình có Chúa là gia đình sống đức cậy bền bỉ
Ápraham khi tuổi gìa xế bóng mới có được một đứa con. Ấy vậy mà Thiên Chúa bắt phải sát tế đứa con duy nhất này, ông cũng bằng lòng. Chính vì ông có đức cậy bền bỉ nên Thiên Chúa đã chạnh lòng thương không giết đứa con mà còn ban cho ông một dòng tộc như lời đã hứa.
Cũng vậy, Giuse và Maria lấy sức đâu mà vượt qua cuộc sinh đẻ giữa đêm đông, nghị lực đâu mà đang đêm đưa con chạy trốn qua ai cập, tinh thần đâu mà tìm con giữa biển người khi con lạc trong đền thờ… nếu như hai ông bà không có một đời sống đức cậy bền bỉ.
Các gia đình chúng ta cũng phải sống đức trông cậy bền bỉ như thế nếu không muốn gia đình rạn nứt. Đó không chỉ là trông cậy vào Chúa mà còn là trông cậy vào nhau.
3.   Điểm cuối cùng, gia đình có Chúa là gia đình sống đức mến tràn đầy.
Đức mến ở đây chính là tình yêu tràn đầy, tình yêu nảy sinh sự sống. Đã hẳn thánh Giuse đã yêu Đức Maria cách tròn đầy khi mà hai ông bà vượt qua được những ham muốn dục vọng trong đời sống vợ chồng, chỉ để sống với nhau cách trong sạch. Thánh Phaolô đã khẳng định:“Hiện nay, Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn là Đức Mến” (1Cr 13,13). Nếu gia đình có lòng yêu mến Thiên Chúa, chắc chắn một điều, Thiên Chúa là tình yêu sẽ luôn ngự trị trong gia đình. Tình yêu đó làm nảy sinh sự sống, thể hiện nơi Hài Nhi Giêsu.
Một gia đình hạnh phúc đầm ấm không có nghĩa là gia đình đó không có những bất ổn, trái ý, sóng gió… Gia đình hạnh phúc là gia đình luôn có tình yêu ngự trị. Tình yêu nối kết gia đình với Thiên Chúa và nối kết các thành viên trong gia đình với nhau.

Tóm lại, đời sống gia đình không phải là đích đến cho bằng là một hành trình cùng giúp nhau nên thánh. Gia đình Thánh Gia đã trở nên mẫu gương cho các gia đình qua việc các ngài luôn biết tin tưởng, trong cậy và yêu mến Thiên Chúa. Để gia đình của chúng ta được vững bền vượt qua các biến cố, sóng gió như gia đình Thánh Gia xưa kia thì cần phải có Chúa cùng đồng hành. Mà gia đình có Chúa nghĩa là gia đình đó phải sống đức tin vững vàng, đức cậy bền bỉ và đức mến tràn đầy.
Nhiều gia đình ngày nay do đánh mất Chúa như Ađam – Eva, hoặc chưa tin tưởng vào Chúa như bà Sara, vợ Ápraham nên biết bao gia đình tan nát, bạo hành, rượu chè, giết chóc và ly dị. Từ đó để lại hậu quả rất nặng nề, nhất là cho trẻ em. Xin được kết thúc bài chia sẻ với tâm sự của một em bé có ba má ly dị: “Ngày ba mẹ ra tòa, con thẫn thờ nhìn ba mẹ cãi nhau. Dù con đã chứng kiến biết bao nhiêu lần như thế, nhưng hôm nay linh cảm báo cho con rằng: con sẽ không được nhìn ba mẹ cãi nhau nữa. Con cố nén dòng lệ cay sè để đón nhận kết quả cuối cùng: con phải xa mẹ hoặc xa ba. Ba mẹ có biết, dù kết quả thế nào, thì đối với con cũng là mất mát như nhau. Điều gì đến cũng phải đến: con mãi mãi xa mẹ. Về ở với ba cùng người mẹ kế. cuộc sống của con giờ như chiếc bóng. Con ý thức được sự hiện diện của mình trong ngôi nhà, đôi lúc làm cho niềm vui không vẹn toàn. Hàng ngày, bên cạnh con cũng có tiếng “mẹ” tiếng “ba” nhưng lòng con nặng trĩu khi nghĩ đến thân phận của mình…Mỗi sáng, tự lúc nào con đã không còn ngủ nướng, dù con rất thích. Mỗi buổi đến trường, con không còn nũng nịu để được ba chải đầu và quàng cặp lên vai… trường học nghiễm nhiên trở thành nơi con ỵêu thương nhất, nơi con được hồn nhiên vô tư như ngày nào còn có mẹ có ba…
Mẹ ơi, con ước gì … mẹ là mẹ của con chứ không phải là mẹ kế.”

MAPHUC,SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét