GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI – C
Cn 8, 22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16, 12-15
LỜI DẪN ĐẦU LỄ


        Kính thưa cộng đoàn! Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất trong đức tin Công giáo. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi tự con người không thể biết được và chỉ khi Đức Giê-su mặc khải thì chúng ta mới biết. Tuy vậy, để hiểu được tỏ tường tại sao cùng một bản thể là Thiên Chúa mà Ba Ngôi lại riêng biệt thì rất khó để con người có thể hiểu tường tận.

        Tuy vậy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi lại trở nên sống động ngay trong chính đời sống gia đình chúng ta nếu gia đình biết sống yêu thương và hiệp thông với nhau.

        Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho các gia đình luôn biết họa lại mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi qua chính đời sống của mình.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
SÁM HỐI
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã xuất hiện cùng với Chúa Cha ngay trong buổi đầu tạo dựng – Xin Chúa thương xót chúng con.
        Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã đến thế gian để cứu chuộc chúng con – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
        Lạy Chúa Giê-su, ngày nay Chúa vẫn hiện diện với chúng con qua sự hoạt động của Chúa Thánh Thần – Xin Chúa thương xót chúng con.

        Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

BÀI GIẢNG
GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM
THIÊN CHÚA BA NGÔI

Kính thưa cha! Người ta cứ nói phụ nữ luôn là người chịu thiệt thòi trong đời sống gia đình, tuy vậy có lẽ con là trường hợp ngoại lệ. Yêu nhau rồi lấy nhau, chúng con cũng như bao cặp vợ chồng khác. Nhưng cũng vì con quá yêu vợ mà con dành tất cả mọi việc để vợ con quyết định. Thế nhưng, kể từ khi có con cái, rồi công việc ổn định, vợ con đã thay đổi tính nết. Một thời gian sau con mắc bệnh cột sống nên không thể làm nặng được, thế là con ở nhà để phụ giúp việc nhà và chăm con. Công việc buôn bán của vợ con vất vả nhưng cũng đủ sống. Tuy vậy cũng từ đấy, đời sống gia đình trở nên nặng nề. Cảm giác là một thằng đàn ông mà phải ăn bám vợ con luôn đè nặng. Là đàn ông mà chỉ quanh quẩn ở nhà dọn dẹp, cơm nước, giặt giũ quần áo, con cái và mọi quyết định trong gia đình nhiều khi một mình vợ con quyết định mà không hề bàn hỏi ý kiến của con…bản lĩnh đàn ông làm con tự ái. Vợ chồng thường xuyên cải vã, gia đình bỗng chốc trở nên nặng nề. Vợ con thì không bao giờ tế nhị nể mặt chồng, nhiều khi có bạn bè đến chơi hoặc con đi nhậu đâu đó thì chửi rủa mắng mỏ làm con bẻ mặt.
Cha biết đấy, phụ nữ người ta có thể dễ dàng kể chuyện với nhau, than vãn với nhau, chứ đàn ông chúng con, vì tự ái cao, vì bản lĩnh đàn ông ai lại đi kể lễ về những thiệt thòi trong gia đình của mình cả, nhất là chuyện bị vợ con cầm đầu. Vì thế con thường xuyên uống rượu, mượn rượu để giải sầu, mượn rượu để có thể chửi rủa bâng quơ…
Con phải công nhận vợ con là một phụ nữ rất giỏi từ trong gia đình lẫn những sinh hoạt trong giáo xứ. Nhưng con biết, trong thâm tâm cô ấy, con chẳng là tích sự gì. Chỉ là một thằng đàn ông nhu nhược mà thôi…con thật sự chán nản cuộc sống gia đình này cha ơi.

Vâng thưa cộng đoàn! Có một người đàn ông trong cơn say tâm sự với tôi như thế. Hiếm lắm tôi mới thấy một người đàn ông khóc. Nhưng cái khóc ở đây không chỉ là những giọt nước mắt, nhưng là nuốt trọn vào lòng tâm sự của mình.
Thật vậy, rất nhiều gia đình, nhiều cặp vợ chồng, tuy sống với nhau, tuy đêm đêm cùng chung giường với nhau nhưng dường như chưa bao giờ hiểu được những tâm tư của nhau và chưa bao giờ thông cảm cho nhau. Để rồi vô tình, làm cho tình yêu trong gia đình cạn dần, và cuối cùng là bế tắc.

Trong tâm tình của ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI.

1.   Trước hết, sống mầu nhiệm Ba Ngôi là SỐNG TÌNH YÊU TRÀN ĐẦY.

Phẩm tính đặc trưng nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa đó là tình yêu. Nói như thánh Gio-an trong thư thứ nhất của mình: “Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4, 16). Chính tình yêu là sợi dây liên kết Ba Ngôi nên một bản thể duy nhất. Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Thánh Thần chính là tình yêu nối kết Cha với Con. Cả ba ngôi trở thành một thể thống nhất không thể tách rời. Tình yêu của Thiên Chúa không ích kỷ chỉ gói gọn trong Ba Ngôi  nhưng trao ban tình yêu đó cho thế gian cách nhưng không: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16)

Trong gia đình cũng thế, tình yêu là sợi dây liên kết mọi thành viên. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều gia đình khởi đi bằng tình yêu, nhưng bị thời gian và cuộc sống cuốn đi, để rồi người ta quên đi việc cần phải làm đó là hy sinh bản thân để dưỡng nuôi tình yêu trong gia đình. Thật vậy, một gia đình không có tình yêu thì ngay lập tực gia đình đó trở thành hỏa ngục. Mọi người sống trong gia đình đó sẽ đau khổ và bế tắc. Hãy không ngừng liên kết với Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu qua các giờ kinh chung ban tối, thường xuyên tham dự thánh lễ với nhau để có thể kín múc tình yêu của Thiên Chúa nơi Thánh Thể.

Thánh Pha-lô khẳng định rất rõ ràng trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em.” (2Cr 13, 11). Có cầu xin tình yêu của Ba Ngôi chúng ta mới giữ được và phát triển tình yêu trong gia đình.

2.   Kế đến, sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong gia đình qua việc TÔN TRỌNG VỊ TRÍ VÀ PHẨM GIÁ CỦA NHAU.

Tại sao người chồng trong câu chuyện đầu bài giảng lại cảm thấy nặng nề và bẽ mặt. Bởi cách nào đó, anh ta nhận ra vị thế của mình bị đánh mất. Mình không còn là trụ cột, không được tôn trọng như đúng chức năng và trách nhiệm của một người chồng. Và cũng vì sự tự ái anh ta đã phản ứng trong vô thức bằng việc mượn rượu để kiếm chuyện với vợ con. Người vợ cũng không hiểu tâm lý chồng, thấy chồng nhậu nhẹt, bè bạn lại chửi rủa la rày, như thế càng như thêm dầu vào lửa.  

Thật vậy, trong tương quan với nhau, Ba Ngôi tuy là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Ba Ngôi phân biệt nhau, không có ngôi nào chiếm đoạt vị thế của ngôi khác. Chẳng hạn như chúng ta phân chia Chúa Cha có vai trò tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật. Chúa con cứu thế nhân loại, và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Đó là cách thức chúng ta phân chia công việc và vị thế của mỗi ngôi để trí não chúng ta dễ hiểu. Như trên thực tế, công trình tạo dựng, công trình cứu chuộc và thánh hóa đều có sự hiện diện của cả ba ngôi. Ba Ngôi luôn tôn trọng vị thế của nhau. Cha là Cha đối với Con, Con là Con của Cha, và Thánh Thần là Tình yêu nối kết Cha với Con. Không Ngôi nào tranh giành hoặc tìm cách loại trừ, đè bẹp ngôi khác.

        Trong đời sống gia đình của mình, chúng ta thường hay không tôn trọng vị thế và phẩm giá của nhau. Chồng có vị thế của chồng, vợ có trách nhiệm của vợ, con cái có vai trò của con cái. Nhất là ngày nay, phụ nữ cứ biện lý do là bình đẳng đòi cho bằng được giống đàn ông. Đồng ý là phải có sự bình đẳng. Nhưng bình đẳng ở đây thể hiện chúng ta đều là con cái Thiên Chúa. Tuy vậy mỗi người lại có vị thế và phẩm giá khác nhau trong gia đình. Đừng bao giờ chồng cướp đi quyền làm vợ, vợ đòi cưỡi đầu cưỡi cổ chồng, con cái phải tuân phục cha mẹ, cha mẹ phải lắng nghe con cái. Nếu chúng ta không tôn trọng vị thế và phẩm giá của nhau, chắc chắn sớm muộn gì gia đình đó cũng rạn nứt.
         
3.   Điểm cuối cùng, gia đình sống Mầu nhiệm Ba Ngôi qua việc ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH PHẢI LÀM PHÁT SINH SỰ SỐNG.

Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết cha với con. Cả ba cùng yêu thương nhau. Tình yêu này không ích kỷ nhưng tràn đầy đến nổi đổ ra bên ngoài. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi làm nảy sinh sự sống qua việc sáng tạo trời đất muôn loài muôn vật. Vì Thiên Chúa trao ban tình yêu của Người cách nhưng không, nên chỉ cần chúng ta mở lòng, đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì ngay lập tức chúng ta sẽ được thừa hưởng sức sống từ tình yêu của Ngài. Thánh Phao-lô đã khẳng định rằng: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5, 5)

Gia đình cần phải tái hiện lại hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa qua việc biết làm nảy sinh sự sống. Trước hết là phải sanh con đẻ cái. Đó chính là hoa quả cụ thể nhất thể hiện gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay vì nhiều lý do như chưa có công việc ổn định, hay chưa sẵn sàng có con, hoặc là đã có con rồi không muốn sanh con nữa nên đã sử dụng các biện pháp tránh thai. Dám tin chắc rằng rất nhiều người ở đây không hiểu biết đầy đủ và rõ ràng các biện pháp tránh thai để rồi vô tình phá thai rất nhiều mà không biết. Trong đó, đặt vòng và cấy que tránh thai được xem là vi phạm luân lý nặng nề vì trực tiếp phá thai.

Bên cạnh đó, gia đình còn nảy sinh hoa trái qua việc vợ chồng con cái sống hòa thuận, yêu thương, hy sinh, phục vụ nhau. Gia đình phải là nơi để chúng ta tìm về mỗi khi đi xa, gia đình là nơi xoa dịu và chữa lành mọi thương tích.

Nói tóm lại, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xem ra rất khó hiểu với trí não của chúng ta. Tuy vậy, thật ra một khi chúng ta biết yêu thương, biết tôn trọng vị thế của nhau, và cùng cộng tác với nhau để làm phát sinh sức sống trong gia đình là chúng ta đang tái hiện lại chính Ba Ngôi Thiên Chúa ngay trong gia đình của chúng ta.

Hy vọng, trong ngày lễ mừng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi gia đình, mỗi người cần ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của mình, để qua từng ngày sống chúng ta có thể làm chứng cho một Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Amen.

Share:

VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH


VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

        

        Con xin chào cộng đoàn! Con là tu sĩ Dòng Thánh Thể, cùng dòng với thầy Tuấn, con ông cố Vinh. Hôm qua con lên Buôn Hô dâng lễ tạ ơn Tân Linh Mục của một cha, bữa nay con ghé xứ đây và được cha xứ ưu ái cho con được đồng tế với ngài, hơn nữa lại cho phép con được chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn trong thánh lễ đặc biệt hôm nay, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Kính thưa cộng đoàn, hôm nay hòa với Giáo hội Hoàn Vũ chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần thì ai trong chúng ta cũng biết rằng Chúa Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha và Chúa Con. Biểu tượng của Chúa Thánh thần là: Lửa, Nước, Chim Bồ câu…Tuy nhiên, sâu xa hơn dường như nhiều người vẫn chưa hiểu biết nhiều về vai trò Chúa Thánh Thần. Vì vậy, rất nhiều người có vẻ xa lạ với Chúa Thánh Thần và hầu như chưa hiểu biết các công trình cũng như hoạt động của Ngài và Ngài có giúp gì cho đời sống người Kitô hữu hay không?

Chính vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH. Với 3 điểm chính sau đây.



1.   trước hết, Thánh Thần, Đấng khơi lên Tình yêu trong gia đình.

Có bao giờ trong đời sống gia đình của mình, chúng ta tự hỏi: tại sao tôi yêu anh/chị đó mà không phải là người khác không? Văn hóa Đông phương cho rằng đó là do ông Tơ Bà Nguyệt se duyên nên hai người mới yêu thương nhau và nên nghĩa vợ chồng. Còn theo thần thoại Hy lạp thì cho rằng chẳng ai khác, chính thần tình yêu Cupis đã bắn mũi tên xuyên qua trái tim của hai người vì thế họ yêu nhau.

Tuy nhiên, trong niềm tin của chúng ta, tình yêu có xuất phát từ chính Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).  Đời sống gia đình được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Đó là do Thiên Chúa tuôn đổ Thần Khí của Ngài, nguồn mạch tình yêu xuống trên đôi bạn trẻ. Nhờ tình yêu đó mà họ liên kết với nhau nên nghĩa phu phụ. Thật vậy, trong thư gửi tín hữu Rô-ma thánh Phao-lô đã khẳng định:“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuôn đổ là một thuật ngữ của Kinh Thánh thường được dùng để chỉ Thánh Thần được ban cho các tín hữu một cách tràn trề. Nhờ Chúa Thánh Thần, mà  con người biết yêu thương nhau. Do vậy, có thể nói Thánh Thần là Đấng khơi dậy tình yêu trong đời sống gia đình.


Tuy vậy, con người vốn tội lỗi và bất toàn, nên nhiều khi lẫn lộn không phân biệt giữa tình yêu và tình dục. Chính vì thế, nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ khi một trong hai không đáp ứng được nhu cầu tình dục của người kia. Người ta nghiên cứu nhiều cặp vợ chồng tan li dị vì lý do tế nhị này, nhưng lại không nói ra. Vâng! Tình yêu mà Chúa Thánh Thần khơi lên trong chúng ta, khiến vợ chồng gắn kết với nhau vượt lên trên cảm xúc tình dục. Để qua đó, dù mỗi người có những giới hạn và cảm xúc riêng, dù một trong hai người không đáp ứng được nhu cầu của người còn lại, thì nhờ tình yêu do Chúa Thánh Thần tác động, họ vẫn chung thủy, liên kết với nhau mà không cảm thấy chán nản, thất vọng vì người mình yêu.



2.   Thánh Thần khơi dậy sự sống trong gia đình.

Nếu như Thánh Thần là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình thì chính Ngài cũng là nguyên nhân làm phát sinh sự sống. Sự sống này không chỉ là con đàn cháu đống, nhưng còn là những hoa quả tốt đẹp mà Thần Khí mang lại như thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát nói rõ: “Hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 22-23).

Như vậy, chúng ta cần nhìn ra rằng hạnh phúc mình đang có, bao gồm con cái, tài sản hoặc những thứ thiêng liêng như bình an, hoan lạc…đều là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn mạch phát sinh mọi sự sống trong gia đình.



3.   Thánh thần hiệp nhất mọi thành viên trong gia đình.

Ngày nay, nhiều gia đình tan vỡ vì nghi ngờ nhau, mất niềm tin vào nhau, mối dây hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình bị phá vỡ. Lúc đó vợ chồng con cái chia rẽ, lục đục, tranh cãi nhau, khắc khẩu với nhau. Ngôi nhà bỗng chốc không còn là chốn bình yêu để trở về nữa.

Thật vậy, Đức Giêsu biết chúng ta dễ chia rẽ, nên đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các tín hữu nói chung và gia đình nói riêng: Xin cho “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17,21). Sự hiệp nhất chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ liên kết mọi người trong gia đình làm nên một thể thống nhất, một tế bào của Giáo hội, không gì có thể chia cắt được.

Như lời Đức Giê-su đã nói với các tông đồ: “Bình an cho anh em!” (Ga 20, 21). Vâng! Chỉ có sự hiệp nhất mới mang lại cho gia đình nguồn bình an. Vì thế, mỗi khi gia đình có chuyện gì lục đục, mâu thuẫn bất đồng, chán nản nhau thì hơn bao giờ hết, mọi thành viên trong gia đình cần cầu xin Chúa Thánh Thần, để Ngài hiệp nhất mọi người và ban bình an cho mọi người.



4. Thánh Thần giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Sau khi Chúa chết, các tông đồ rơi vào tình trạng rắn mất đầu, tất cả đều sợ hãi, co cụm lại với nhau. Tuy vậy, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống thì tất cả các ông được đầy tràn sức mạnh, mạnh dạn mở tung cánh cửa bước ra ngoài loan báo Tin mừng Phục sinh.

Cũng vậy, đời sống gia đình không phải lúc nào cũng suông sẻ. Sẽ có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, khiến chúng ta sợ hãi, chán nản thì chính Thánh Thần là Đấng thúc đẩy trong lòng mỗi người để chính mỗi thành viên, như các tông đồ, dám đối đầu với những sóng gió, thay vì tìm cách tránh né hoặc muốn từ bỏ gia đình.



Nói tóm lại, tuy chúng ta không ý thức sự hiện diện cũng như những ơn ban nhưng không của Chúa Thánh Thần, thế nhưng Ngài có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của gia đình. Không có gia đình nào hạnh phúc, bình an mà không có bóng dáng của Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần không chỉ là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình, làm nảy sinh sự sống, liên kết mọi thành viên mà quan trọng nhờ ơn Chúa Thánh Thần gia đình mới có thể đủ sức vượt qua mọi sóng gió thử thách.



Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS.

Share:

VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH


Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – CĐ
Cv 2, 1-11; 1Cr 12,3b-7,12-13
Bài giảng
VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
         
        Kính thưa cộng đoàn, hôm nay hòa với Giáo hội Hoàn Vũ chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần thì ai trong chúng ta cũng biết rằng Chúa Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha và Chúa Con. Biểu tượng của Chúa Thánh thần là: Lửa, Nước, Chim Bồ câu…Tuy nhiên, sâu xa hơn dường như nhiều người vẫn chưa hiểu biết nhiều về vai trò Chúa Thánh Thần. Vì vậy, rất nhiều người có vẻ xa lạ với Chúa Thánh Thần và hầu như chưa hiểu biết các công trình cũng như hoạt động của Ngài và Ngài có giúp gì cho đời sống người Kitô hữu hay không?
Chính vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH.

1.   Thánh Thần, Đấng khơi lên Tình yêu trong gia đình.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: tại sao tôi yêu anh/chị đó mà không phải là người khác? Văn hóa Đông phương cho rằng đó là do ông Tơ Bà Nguyệt se duyên nên hai người mới yêu thương nhau và nên nghĩa vợ chồng. Còn theo thần thoại Hy lạp thì cho rằng chẳng ai khác, chính thần tình yêu Cupis đã bắn mũi tên xuyên qua trái tim của hai người vì thế họ yêu nhau. Tuy nhiên, trong niềm tin của chúng ta, tình yêu có xuất phát từ chính Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).  Đời sống gia đình được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Đó là do Thiên Chúa tuôn đổ Thánh Thần, nguồn mạch tình yêu xuống trên đôi bạn trẻ. Nhờ tình yêu đó mà họ liên kết với nhau nên nghĩa phu phụ. Thật vậy, trong thư gửi tín hữu Rô-ma thánh Phao-lô đã khẳng định:“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuôn đổ là một thuật ngữ của Kinh Thánh thường được dùng để chỉ Thánh Thần được ban cho các tín hữu một cách tràn trề. Nhờ Chúa Thánh Thần, mà  con người biết yêu thương nhau. Do vậy, có thể nói Thánh Thần là Đấng khơi dậy tình yêu trong đời sống gia đình.

Tuy vậy, con người vốn tội lỗi và bất toàn, nên nhiều khi lẫn lộn không phân biệt giữa tình yêu và tình dục. Chính vì thế, nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ khi một trong hai không đáp ứng được nhu cầu tình dục của người kia. Vâng! Tình yêu mà Chúa Thánh Thần khơi lên trong chúng ta, khiến chúng ta gắn kết với nhau vượt lên trên cảm xúc tình dục, để qua đó, dù mỗi người có những giới hạn và cảm xúc riêng nhưng tình yêu do Chúa Thánh Thần tác động vẫn có thể liên kết chúng ta mà không làm cho chúng ta chán nản, thất vọng vì người mình yêu.

2.   Thánh Thần khơi dậy sự sống trong gia đình.
Nếu như Thánh Thần là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình thì chính Ngài cũng là nguyên nhân làm phát sinh sự sống. Sự sống này không chỉ là con đàn cháu đống, nhưng còn là những hoa quả tốt đẹp mà Thần Khí mang lại như thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát nói rõ: “Hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 22-23).
Như vậy, chúng ta cần nhìn ra rằng hạnh phúc mình đang có, bao gồm con cái, tài sản hoặc những thứ thiêng liêng như bình an, hoan lạc…đều là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

3.   Thánh thần hiệp nhất mọi thành viên trong gia đình.
Ngày nay, nhiều gia đình tan vỡ nguyên nhân chính đó là mối dây hiệp nhất trong gia đình bị phá vỡ. Lúc đó vợ chồng con cái chia rẽ, lục đục, tranh cãi nhau, khắc khẩu với nhau. Tuy nhiên, nếu gia đình chúng ta biết cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, chắc chắn gia đình sẽ luôn bền vững vì biết hiệp nhất với nhau. Sự hiệp nhất này xuất phát từ Thánh Thần, Đấng liên kết mọi thành viên.
Thật vậy, Đức Giêsu biết chúng ta dễ chia rẽ, nên đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các tín hữu nói chung và gia đình nói riêng: Xin cho “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17,21). Sự hiệp nhất chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ liên kết mọi người trong gia đình làm nên một thể thống nhất, một tế bào của Giáo hội.
Như lời Đức Giê-su đã nói với các tông đồ: “Bình an cho anh em!” (Ga 20, 21). Vâng! Chỉ có sự hiệp nhất mới mang lại cho gia đình nguồn bình an. Vì thế, mỗi khi gia đình có chuyện gì lục đục, thì hơn bao giờ hết, mọi người cần cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài hiệp nhất mọi người và ban bình an cho mọi người.

4. Thánh Thần giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Sau khi Chúa chết, các tông đồ rơi vào tình trạng rắn mất đầu, tất cả đều sợ hãi, co cụm lại với nhau. Tuy vậy, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống thì tất cả các ông được đầy tràn sức mạnh, mạnh dạn mở tung cánh cửa bước ra ngoài loan báo Tin mừng Phục sinh.
Cũng vậy, đời sống gia đình không phải lúc nào cũng suông sẻ. Sẽ có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, khiến chúng ta sợ hãi, chán nản thì chính Thánh Thần là Đấng thúc đẩy trong lòng mỗi người để chính mỗi thành viên, như các tông đồ, dám đối đầu với những sóng gió, thay vì tìm cách tránh né hoặc muốn từ bỏ gia đình.

Nói tóm lại, tuy chúng ta không ý thức sự hiện diện cũng như những ơn ban nhưng không của Chúa Thánh Thần, thế nhưng Ngài có vai trò rất quan trọng trong đời sống của gia đình. Không có gia đình nào hạnh phúc, bình an mà không có bóng dáng của Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần không chỉ là Đấng khơi lên tình yêu trong gia đình, làm nảy sinh sự sống, liên kết mọi thành viên mà quan trọng nhờ ơn Chúa Thánh Thần gia đình mới có thể đủ sức vượt qua mọi sóng gió thử thách.

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS.

Share:

THEO CHÚA


Chúa nhật IV Phục Sinh – Lễ Chúa Chiên Lành – cầu cho Ơn Thiên Triệu

DẪN ĐẦU LỄ
        Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật IV Phục sinh, truyền thống Giáo hội gọi đây là lễ Chúa Chiên Lành – Cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu.
        Mỗi người chúng ta là những người đang theo lời mời gọi của Chúa. Nhưng việc Chúa gọi và việc đáp lại, đi theo lời mời gọi đó thì hoàn toàn khác nhau. Trên hành trình theo Chúa này, rất nhiều khó khăn thử thách, qua đó Chúa rèn luyện mỗi người chúng ta ngày càng trưởng thành hơn để có thể vững mạnh mà thực thi những sứ vụ nặng nhọc mà Chúa sẽ trao phó sau này.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta ngày các xác tín vào ơn kêu gọi của Chúa, và dù khó khăn đến mấy cũng không thối chí bỏ cuộc.
        Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


BÀI GIẢNG
THEO CHÚA
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại cho chúng ta chân dung người Mục Tử Nhân Lành, là gương mẫu và cùng đích cho tất cả những ai đang khao khát trở thành linh mục. Người Mục Tử ấy trỗi vượt với hai khía cạnh: tình yêu thương và sự hy sinh mạng sống của mình cho chiên được sống. Như vậy, điều kiện cơ bản nhất để có thể đi theo Chúa trở thành mục tử đó là phải có Tình Yêu và Sự Hy Sinh.
1.   Trước hết là Tình Yêu.
Đó không phải là tình yêu nói chung chung, nhưng là tình yêu trong tất các các tương quan: với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.
·    Với Chúa, hãy cầu nguyện liên lỷ và thân mật như Chúa là người bạn, người thân nhất trong tất các các tương quan.
·    Với chính mình, hãy biết rèn luyện bản thân tất cả các lĩnh vực: Đời sống nhân bản, tri thức, đạo đức, sức khỏe, …
·    Với tha nhân: thì biết đồng cảm, sẻ chia, …

2.   Kế đến, điều kiện thứ hai để có thể trở thành một mục tử đó là sự hy sinh.
Nhiều bạn trẻ muốn dấn thân theo ơn gọi mà lại không muốn hy sinh, sợ hy sinh, sợ thiệt thòi. Hy sinh là đích đến của ơn gọi dâng hiến. Theo Chúa là để hy sinh, để chết. Ấy vậy mà nhiều anh em có dám hy sinh đâu. Sáng dậy sớm đi lễ mà ù lỳ, sợ khó, sợ học nhiều, sợ thiệt thân, chưa kể là tính toán theo Chúa tôi được gì và mất gì?...
Đời tu là bước theo Chúa từ Phòng Tiệc Ly đến Đồi Gôn-gô-tha, nghĩa là theo Chúa là đi chết, mà nếu để chết đi bằng những hy sinh rất nhỏ như học tập, chăm chỉ rèn luyện bản thân, mà còn chưa làm được…thì đừng hòng mơ có thể hy sinh để làm những việc to lớn hơn. Việc nhỏ chúng ta còn chưa làm được thì làm sao Chúa dám trao phó cho chúng ta những việc lớn.
Anh em ơi, anh em cứ than rằng đi tu học hành khó quá, cự quá…Trời ơi, học là một sự hi sinh rất nhỏ, vậy mà chúng ta còn than vãn và chưa làm được, thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể hy sinh cả thân mình vì nhà dòng, vì đàn chiên?
Nói tóm lại, để trở thành một mục tử trong tương lai, chúng ta cần rèn luyện cho mình một tình yêu vững mạnh và một sự hy sinh triệt để, bắt đầu bằng những hy sinh đơn giản nhất.

Thưa anh em, hôm nay cũng là Ngày Của Mẹ. Có thể nói nếu như các thế lực thần linh cha cảm nhận được sự nâng đỡ của Đức Maria, thì trong đời sống thường ngày, phải nói rằng cha được như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh và cầu nguyện của mẹ cha. Vì thế, xin được gửi đến anh em tâm tình rất cá nhận của cha về mẹ của mình, với thông điệp: Chúng ta có ơn kêu gọi một phần lớn là nhờ sự hy sinh và những gương lành được nhận lãnh từ mẹ, vì thế hãy cầu nguyện nhiều cho mẹ, đừng bao giờ làm mẹ buồn.

MÁ ƠI MÁ…
-----
P/v: Viết để dành tặng cho những ai đang còn mẹ…


Có một điều mà cho đến bây giờ má tôi vẫn còn chưa an lòng cho dù tôi đã là linh mục. Đó là má không thể đứng ra tổ chức Lễ Tạ Ơn Tân Linh Mục cho tôi. Má nói má đã đứng ra lo 10 cái đám cưới cho các chị, và em con, chỉ có một mình con là con trai, mà con lại đi tu, má hi vọng một ngày nào đó má cũng đứng ra tổ chức Lễ Tạ Ơn Tân Linh Mục cho con, như má đã lo cho các chị.

***

Vậy là má bắt đầu chắt chiu dành dụm tiền bạc với ước vọng ấy.

***

Bữa được cha giám đốc cho về nhà, tôi gọi mãi, không thấy má ra mở cổng, linh tính báo cho tôi biết má có việc chẳng lành. Người ta báo má bị tai biến mạch máu não, đã được cấp cứu kịp thời, má đang nằm ở bệnh viện. Tôi vội vã đến thăm, vừa thấy tôi má đã khóc. Má nói con là hi vọng duy nhất của cuộc đời má.

***

Rồi tôi lại đi.

***

Má gọi điện bảo tôi về gấp, má có chuyện muốn nói với con. Tôi càu nhàu nói con đi tu đâu dễ về nhà đâu má. Sắp xếp công việc ôn thỏa, xin cha bề trên, tôi mới về thăm má. Bước vô nhà, nhìn thấy má nằm trên võng bõm bẽm nhai trầu, tôi đến bên úp mặt vào ngực má, rồi nín thinh không nói gì. Má ôm tôi khóc. Má nói má nhớ con. Má sợ Chúa cất má về lúc nào không hay. Má có để dành tiền cho con ngày con chịu chức, giờ má đưa cho con, con giữ đi. Chẳng may má chết, các chị tìm thấy tiền này, lại dùng vô việc khác không đúng với nguyện vọng của má.

Thế là má lục lọi ngóc ngách trong canh phòng mãi mới lấy ra được mấy phân vàng. Cái này là tiền mấy chị và người này người kia cho má để má chữa bệnh ngày má nằm viện, má để dành đây cho con, mai mốt con làm linh mục có tiền mà tổ chức lễ. Còn bệnh của má, má xin người ta trợ cấp cho người cao tuổi và lấy thuốc bảo hiểm, con đừng có lo. Tôi nín thinh không nói nên lời. Nghĩ bụng thôi thì cứ giữ cho má vui.

***

Rồi tôi lại trở về Dòng, tiếp tục công việc học tập. Chiếc xe hon-da cũ rích của tôi đến ngày đến tháng, tôi không có tiền để sửa chữa, mà nếu có sửa cũng không chạy được bao lâu. Tôi rất cần một chiếc xe mới để đi học. Má nói con lấy tiền đó để mua xe đi học, nhưng đừng nói má mua. Cứ nói là ân nhân cho con, má sợ mấy chị con lại tưởng má có nhiều tiền đến mượn má. Các chị con cũng nghèo! Mua xe mới đi học, tôi vui lắm. Xe của má mà. Nhưng với các chị, tôi phải nói là ân nhân cho. Nhiều chị nói đi tu sao mà sướng ghê, cái gì cũng có ân nhân cho.

***

Rồi thời gian trôi qua, tôi tiếp tục tu tập. Má lại tiếp tục dành dụm. Ai cho gì cũng cất đó, tằng tiện không dám ăn, không dám uống thuốc chỉ để dành cho tôi.

***

Thế là cũng gần đến ngày tôi chịu chức, má vui lắm.

***

Nhưng trước ngày tôi chịu chức, gia đình của một chị gặp chuyện chẳng lành. Nguy cơ bị siết nhà rất lớn, má đành lấy số tiền dành dụm đó mà dàn xếp công việc. Chị của con cũng là con của má!

***

Ngày Lễ Tạ Ơn của tôi diễn ra suông sẻ, ai cũng vui cười, chúc mừng. Má khóc thật nhiều khi thấy tôi đừng trên gian cung thánh. Má nói má vui lắm, nhưng đâu đó trong ánh mắt, tôi biết má buồn. Buồn vì không thể tổ chức Lễ Tạ Ơn cho tôi như đã tổ chức lễ cưới cho các chị. Để an ủi, tôi nói, má ơi đừng buồn nữa, con là con của Chúa, Chúa lo, chứ má lo làm gì. Thì má biết thế, nhưng má vẫn áy náy vì không lo được cho con như các chị.

***

Tôi lại về Dòng, thực hiện sứ mạng của một linh mục. Giờ làm cha rồi, có tiền người ta xin lễ, cũng có đồng ra đồng vào, thỉnh thoảng về thăm, mua cho má hộp sữa. Má nói con đừng mua sữa cho má nữa, má uống sữa má lại nhớ con.

Nếu má không chịu uống sữa, tôi nghĩ mỗi tháng sẽ về cho má một ít tiền để má ăn trầu. Nghĩ vậy mà từ ngày chịu chức đến nay đã gần hai năm, có khi nào tôi cho má tiền đâu. Bữa nay được nghỉ về thăm má, tôi dành dụm được chút ít, rồi nhét vào tay má một triệu nói, con cho má, má mua trầu ăn. Má không chịu lấy, nói con đi tu sao có tiền. Tôi không dám nhìn ánh mắt của má, nói bữa nay lễ Phục Sinh con có tiền mà.

Má ơi, cả cuộc đời má cho con, mà từ ngày con làm “cha thiên hạ”  đến nay, con có thể cho ai đó rất nhiều, nhưng con chưa bao giờ cho má điều gì.

***

Chúa nhật Ngày Của Mẹ, tôi chạy về thăm má. Về đến cổng, gọi to: Má ơi, má ơi…, mãi mới thấy má chân thấp chân cao cố đẩy cái xe lăn ra mở cổng cho tôi. Tự nhiên tôi rơi nước mắt, một nỗi sợ tràn ngập trong tâm hồn, sợ một ngày nào đó con về nhà mà không thấy má ra mở cổng cho con vào.

Má ơi, nếu má không cầm tiền con cho má, nếu mà không uống sữa con mua cho má, thì con để dành tiền, con chắt chiu không hoang phí nữa đâu, con để dành tiền để chuẩn bị cho ngày má được Chúa đưa về trời. Má đã dành cả cuộc đời để cho con, không lẽ con làm cha rồi mà không thể lo cho má một cái đám tang đàng hoàng hay sao?

Ngày Của Mẹ 6/11/2019
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

TÔI CHỈ LÀ MỘT CON ĐIẾM


Chúa Nhật tuần V mùa Chay
Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn! Thuật ngữ “ném đá” xem ra rất quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống hiện nay. “Ném đá người khác” không để nói theo nghĩa đen, nhưng là nói lên một tình trạng một cá nhân hay một tập thể lên án gay gắt một sự việc người khác đã làm. Bài Tin mừng hôm nay thuật lại sự viện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và bị xử bằng cách ném đá đến chết.
        Trước một bằng chừng phạm tội rõ ràng như thế, những người Do thái tưởng sẽ bắt bí được Chúa, nhưng Người đã khôn ngoan xử lý tình huống, không những vậy Chúa còn giải thoát cho người phụ nữ khỏi tay những kẻ giết người.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta luôn biết nhìn lại bản thân thấp hèn tội lỗi của mình để không lên án, ném đá người khác.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Sám hối
1.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã không lên án những người tội lỗi – Xin Chúa thương xót chúng con.
2.   Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Chúa đã hy sinh chịu chết để chuộc tội chúng con – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
3.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế - Xin Chúa thương xót chúng con.



BÀI GIẢNG
TÔI CHỈ LÀ MỘT CON ĐIẾM

        Xin mở đầu bài chia sẻ hôm nay bằng một câu hỏi dành cho phái nam: các ông, và các anh. “Nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó, bỗng ùn ùn, một đám người kéo đến trước cửa nhà mình, lôi một người phụ nữ ra đứng trước mặt và tố cáo: đây vợ anh phạm tội ngoại tình, và chúng tôi bắt quả tang được. Bây giờ anh muốn chúng tôi xử làm sao?
Không biết các ông và các anh ngồi đây suy nghĩ như thế nào, nhưng có lẽ sẽ có hai cảm xúc:
Thứ nhất là rất tức giận: Vì vợ mình, người cùng chung chăn gối với mình lại đi ăn nằm với một thằng đàn ông khác. Thật là tức điên lên được.
Thứ hai là hổ thẹn: Vì việc người khác bắt tại trận vợ mình ngoại tình, và đem ra tố cáo trước mọi người làm cho người chồng bị bẽ mặt. Làm thằng đàn ông mà bị vợ cắm sừng mà không biết.
Và đương nhiên chắc chắn để khỏi bị bẽ mặt và quê độ trước mọi người, thì việc đầu tiên sẽ cho vài cái bạt tai, sau đó tính gì thì tính.

1.   Tình yêu Thiên Chúa

Câu chuyện tiên tri Hô-sê

Vâng! Thưa cộng đoàn, vậy mà có một người đàn ông không sợ bị chê cười, bị bẽ mặt quê độ trước mọi người, đã cưới một con điếm về làm vợ. Tưởng rằng tình yêu của chân chính của mình sẽ làm người đàn bà ấy thay đổi và làm lại cuộc đời. Nhưng không, người đàn bà ấy vẫn chứng nào tật đó, tiếp tục theo trai, tiếp tục làm điếm. Người chồng lại đi tìm về và tha thứ, hết lần này đến lần khác…Và người cuối cùng, không biết đến khi nào người vợ mới thay đổi, nhưng người chồng vẫn tin chính tình yêu của mình sẽ giúp cho vợ hoán cải.

Đức Giê-su và Hội thánh

Người chồng mà tôi vừa nói đến chính là tiên tri Hô-sê. Thật vậy, hình ảnh của tiên tri Hô-sê và vợ mình là một cô gái điếm chính là hình ảnh biểu tưởng mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Ít-ra-en, và sau này cụ thể hơn là mối tình giữa Đức Giê-su và Hội Thánh.
Đức Giê-su chính là một người chồng rất mực yêu thương Hội Thánh là hiền thê của mình, yêu thương đến nổi hy sinh chính mạng sống của mình để chuộc tội con người. Hội thánh hết lần này đến lần khác đàng điếm qua việc phản bội Thiên Chúa, thờ tà thần. Mà hội thánh đó là ai? Thưa Hội thánh đó bao gồm mỗi người chúng ta.

Tôi chỉ là một con điếm

Sau khi được làm con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, chúng ta được gia nhập vào Hội thánh, hứa trọn đời phụng sự một mình Thiên Chúa. Ấy vậy mà trong đời sống của mình, không biết bao nhiêu lần chúng ta đi hoang, chúng ta đàng điếm, chúng ta mê đắm của cải, quyền lực, vinh hoa phú quý đời này mà gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài. Vì thế, trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta chỉ là một con điếm không hơn không kém, thưa cộng đoàn.

Chúng ta làm điếm còn ranh ma và chuyên nghiệp hơn người phụ nữ trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe. Bởi chắc tay nghề con kém, nên người phụ nữ ấy bị bắt quả tang, còn chúng ta, làm điếm mấy chục năm nay cách chuyên nghiệp và ranh ma nên không bị phát hiện ra.

Tình yêu Thiên Chúa giúp ta hoán cải

Thế thì việc những người Do thái ngày hôm nay lên án một người người phụ nữ ngoại tình, một con điếm chẳng qua là muốn che đậy tội lỗi tày đình của mình.
Vì thế, việc Chúa Giê-su giải thoát cho người phụ nữ chính là Chúa cũng là cho những người tố cáo một cơ hội để làm lại cuộc đời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi… Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 7-11).
Thật vậy, từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã yêu thương và hết lần này đến lần khác tìm và giải thoát con người. Cụ thể bài đọc 1 tiên tri I-sa-ia tiên báo về việc Đức Chúa sẽ giải thoạt dân người: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại những vùng đất khô cằn.” (Is 43, 19). Còn với thánh Phao-lô, ngài nói rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Giê-su Chúa của tôi.” (Pl 3, 8). Thật vậy, Thiên Chúa là mối lợi duy nhất của chúng ta. Chính người đã hy sinh mạng sống để cứu chúng ta khỏi bế tắc mà chính chúng ta tự chọn cho mình.

2.   TỘI NGOẠI TÌNH

Đến đây, xin được đặt lại câu hỏi đầu tiên tôi đã đưa ra, và lần này dành cho tất cả mọi người: Nếu chúng ta phát hiện ra chồng mình, hoặc vợ mình ngoại tình thì chúng ta sẽ xử như thế nào?
        Trên thực tế, thường các bà vợ đi đánh ghen, sau một thời gian rình mò, nếu bắt quả tang được thì người đàn bà ấy bị đánh đập, bị cắt tóc, xé quần áo, và tôi biết có trường hợp còn bị nhỏ keo dán sắt vào vùn kín nữa…
        Như vậy, ngoại tình là một tội không thể nào chấp nhận và tha thứ được. Vì nó không chỉ là tội của hai người, nhưng tội ngoại tình ảnh hưởng trầm trọng, phá hủy hạnh phúc của một gia đình, phá vỡ biết bao nhiêu mối tương quan: Cha mẹ, vợ chồng, con cái… Chính vì thế, mà ngay từ thời Chúa Giê-su và có thể xa hơn nữa, người Do thái đã có luật ném đá cho đến chết những người phạm tội ngoại tình.
        Như vậy, ngoại tình là tội gây ra hậu quả nặng nề. Nếu chẳng may chúng ta có một người chồng hoặc một người vợ như thế, chúng ta phải làm gì? Thưa chúng ta phải làm 2 việc sau:

1.   Nhìn lên Thiên Chúa
Trong tương quan với Đức Giê-su, chúng ta cũng liên tục phạm tội ngoại tình qua việc mê của cải, quyền lực, những thú vui trần thế hơn là việc phụng sự Người, mà đã bao lần Chúa tha thứ cho chúng ta. Đã vậy, chúng ta còn không biết thân biết phận mà còn xúm nhau lên án người khác như trường hộp của các Kinh sư và Pha-ri-siêu lên án người phụ nữ ngoại tình.
Việc Chúa tha thứ và không kết án người phụ nữ cũng chính là cho chúng ta, những người hay lên án người khác, một cơ hội để làm lại cuộc đời. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta, những người hay lên án người khác, một cơ hội để làm lại cuộc đời. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa đi bước trước, tha thứ và nâng đỡ chúng ta. Vậy chúng ta cũng được mời gọi tha thứ và không kết án nhau. Hãy biết lấy tình yêu của mình để giúp chồng mình, vợ mình hoán cải.

2.   Nhìn vào bản thân mình
Tại sao chồng tôi, vợ tôi lại ngoại tình? Rất nhiều người phụ nữ, lấy chồng xong, sinh con đẻ cái, không biết tự chăm sóc, làm đẹp cho bản thân mình. Cứ nghĩ lấy nhau về rồi thôi không cần làm đẹp nữa. Đàn ông yêu bằng mắt. Nên nếu vợ mình ngày càng xấu đi, thì họ dễ dàng bị cám dỗ bởi một người đàn bà khác mà họ cho là đẹp hơn vợ mình. Ngược lại đối với phụ nữ cũng vậy, nhìn chồng người ta thì hiền lành, bảnh bao, chí thú làm ăn, còn chồng mình suốt ngày nhậu nhẹt, chè chén…
Vì thế, việc nhìn lại bản thân mình để nhận ra rằng chúng ta có nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng hay không? Ít ra từ những hình thức bên ngoài?
Vì thế thiết nghĩ, việc vợ mình, chồng mình ngoại tình là trách nhiệm của cả 2 người đã không biết vui xới, dưỡng nuôi tình yêu qua từng ngày chung sống.

        Nói tóm lại, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay mỗi người chúng ta nhận ra thân phận tội lỗi hèn kém của mình. Với Chúa, chúng ta chỉ là một con điếm ham mê của cải vật chất mà chối bỏ Thiên Chúa. Và Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Vậy thì trong tương quan vợ chồng, chúng ta cũng không lên án và kết tội người khác. Hãy lấy tình yêu và sự tha thứ để giúp cho người ngoại tình hoán cải.

        Đến đây, tôi xin kết thúc bài chia sẻ này bằng lời khuyên chân thành dành cho những ai đang ngoại tình dù trong tư tưởng hay hành động: Đừng để “cảm xúc nhất thời” mà đánh đổ toàn bộ hạnh phúc mà chúng ta đang có: Không có gì hạnh phúc hơn bằng hình ảnh của một gia đình có đầy đủ cha mẹ, vợ chồng và con cái.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
       


Share:

SỐNG TINH THẦN PHỤC SINH TRONG GIA ĐÌNH


CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C
Cv 10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9

LỜI DẪN ĐẦU LỄ

        Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay toàn thể Giáo hội hân hoan cử hành thánh lễ Phục Sinh. Thật vậy, Mầu Nhiệm Phục Sinh được xem là mầu nhiệm cao nhất trong đức tin của chúng ta. Sau khi nguyên tổ phạm tội, sự dữ và cái chết thống trị nhân loại. Đức Ki-tô đã vâng lệnh Chúa Cha, mặc lấy xác phàm, đến với nhân loại, qua đó cứu độ, ban lại sự sống cho nhân loại mà nguyên tổ đã đánh mất vì bất phục tùng.

        Dâng thánh lễ này, chúng ta hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ được sự phục sinh như Đức Giê-su vậy.

        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.




SÁM HỐI
1.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến thế gian, mặc lấy xác phàm vì yêu thương chúng con – xin Chúa thương xót chúng con.

2.   Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã chịu chết để cứu chuộc chúng con. Hơn nữa Chúa đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế – xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.

3.   Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phục sinh vinh hiển và hứa ban phục sinh cho những ai tin vào Chúa – xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.


BÀI GIẢNG
SỐNG TINH THẦN PHỤC SINH
TRONG GIA ĐÌNH

Kính thưa cộng đoàn! Nếu để ý chúng ta thấy rằng 3 năm trở lại đây, Mẹ Giáo hội luôn đưa ra các chủ đề sống Năm Phụng Vụ bằng việc cầu nguyện cho các gia đình. Năm nay là năm Mẹ Giáo Hội quan tâm cách đặc biệt đến những gia đình đang gặp khó khăn thử thách. Không phải ngẫu nhiên mà Mẹ Giáo Hội lại quan tâm những gia đình này. Vì hơn bao giờ hết, các gia đình đang bị các thế lực sự dữ đánh phá, nhằm hủy diệt Giáo hội tại gia, vốn là nền tảng của Giá hội hoàn vũ.

Hiện tại có rất nhiều gia đình đang gặp khó khăn, sóng gió, thử thách…đang trên bờ vực đổ vỡ, rạn nứt…hoặc những gia đình đã đổ vỡ thì làm sao để cứu chữa?

        Dựa vào phụng vụ Lời Chúa trong ngày Đại lễ Phục Sinh hôm nay, xin chia sẻ với cộng đoàn, cách riêng là những ai đang gặp khó khăn thử thách trong đời sống gia đình đề tài:
SỐNG CHIỀU KÍCH PHỤC SINH TRONG GIA ĐÌNH. Với ba nội dung chính sau đây:
·       Sống lại tình yêu thủa ban đầu
·       Sống lại trách nhiệm với nhau
·       Sống lại sự hy sinh cho nhau

1.   Sống lại tình yêu thủa ban đầu

Dân Do thái trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa cũng đã nhiều lần phản bội Ngài mà thờ tà thần. Do đó, đã rất nhiều lần, Thiên Chúa gửi các ngôn sứ đến để nhắc lại cho dân tình yêu thuở ban đầu. Thời còn rong ruổi trong sa mạc, thời kỳ trăng mật, thời mà Dân Chúa được sống dưới sự chở che của Đức Chúa, được ban cho man-na và nước uống, được đón nhận Lề luật, thời mà dân trung thành và ngoan ngoãn như đàn chiên để Chúa chăn dắt.

Cũng vậy, để sống Chiều Kích Phục Sinh trong gia đình, buộc vợ chồng phải sống lại tình yêu thuở ban đầu. Cần đặt ra những câu hỏi: Lý do nào hai người đến với nhau? Anh chị yêu nhau ở điểm nào? Đã trải qua những thử thách nào để được ở bên nhau? …
Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu không chỉ dành cho những cặp vợ chồng mới cưới, mà ngay của những cặp dù đã sống với nhau 1 năm, 5 năm, hay 10 năm, thậm chí 50 năm thì cũng hãy thường xuyên nhắc lại Tình Yêu Thuở Ban Đầu.

Việc nhắc lại tình yêu thuở ban đầu đó nhằm khơi lại tình yêu vốn có của hai người mà hiện tại đã bị thời gian, với nhiều biến chuyển của cuộc sống làm cho chết dần, chết mòn.

2.   Điểm thứ hai: Sống lại trách nhiệm với nhau.

Khi ký kết Giao Ước với con người, Thiên Chúa luôn trung thành, đã hoàn toàn thực thi trách nhiệm của Ngài cách trọn vẹn. Đó là luôn bao bọc, chở che con người. Duy chỉ có con người là hay chối bỏ trách nhiệm với Thiên Chúa qua việc thờ thần ngoại.

Cũng vậy, khi vợ chồng nắm tay, cùng thề ước với nhau trong ngày cưới, cũng là lúc anh chị ký kết một giao ước. Giao ước này đòi buộc cả hai vợ chồng phải thực thi trách nhiệm của mình. Cụ thể là: sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời; sẵn sàng yêu thương, đón nhận con cái và giáo dục chúng theo luật Đức Ki-tô và Hội Thánh.

Việc nhắc lại trách nhiệm trong đời sống hôn nhân để mỗi người ý thức hơn vai trò của mình trong gia đình. Nhiều gia đình đổ vỡ là do không có ai dám sống trách nhiệm của mình. Bình thường thì không có gì, nhưng hễ có biến cố nào đó, thì y như rằng chồng đổi cho vợ, vợ đổi cho chồng, cha mẹ đổi thừa con cái, con cái quy trách nhiệm về cho cha mẹ. Cuối cùng, gia đình tan nát không thể hàn gắn được nữa chỉ vì chúng ta thiếu trách nhiệm, hoặc không dám đứng ra chịu trách nhiệm về phía mình.

3.   Điểm thứ ba: Sống lại sự hy sinh cho nhau.

Đức Ki-tô đã hy sinh chính sự sống của mình để mang lại sự sống cho nhân loại. Và luôn lặp lại điều đó hằng ngày mỗi khi chúng ta dâng Thánh lễ.
Sở dĩ nhiều gia đình đổ vỡ và chết đi là do không còn người dám hy sinh cho gia đình của mình nữa. Vợ đòi quyền của vợ, chồng đòi quyền chồng, con cái đòi quyền con cái…tự do cá nhân được đề cao. Chính vì thế, mọi thành viên không biết hy sinh cho nhau. Một khi trong gia đình không còn sự hy sinh thì gia đình đó không còn sự sống, một gia đình đã chết dù ngày ngày vẫn kề cận bên nhau.

Như vậy, để hàn gắn mọi vết thương, đổ vỡ, rạn nút trong đời sống gia đình thì từ cha mẹ, vợ chồng con cái phải sống chiều kích phục sinh qua ba khía cạnh: Sống lại tình yêu thủa ban đầu, sống lại trách nhiệm với nhau và hãy biết hy sinh cho nhau.

4.   Lời mời gọi thành một Ma-ri-a Mác-đa-la, người loan báo Tin mừng Phục Sinh

Thế nhưng, trong đời sống, nhiều gia đình đã rạn nứt quá lớn, đã đổ vỡ và không thể hàn gắn lại được, vậy chúng ta phải làm những gì?

Nếu chẳng may gia đình chúng ta có sóng gió, có thử thách, rạn nứt đến nỗi không thể hàn gắn được thì mỗi người chúng ta hơn bao giờ hết được mời gọi sống Chiều Kích Phục Sinh cách trọn vẹn. Phải trở thành một Ma-ri-a Mác-đa-lê-na, trở nên người tiên phong loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho chính các thành viên trong gia đình của mình. Qua việc khơi lại tình yêu, khơi lại trách nhiệm và khơi lại sự hy sinh trong gia đình.

Thiết tưởng rằng, một khi vợ chồng đã không thể về ở với nhau được nữa thì cũng không nên tìm một tình yêu khác, một người khác để thay thế vì chắc chắn rằng tình yêu thứ hai này không được Chúa chúc phúc; một khi gia đình đã không thể hàn gắn được thì cũng không vì thế mà trở thành kẻ thù của nhau. Tốt nhất, hãy bàn tình với nhau cách thức hợp lý để bắt đầu lại trách nhiệm và sự hy sinh, ít ra là khởi đi từ tương lai của con cái. Bởi ly dị chỉ có tác dụng với đời sống xã hội, còn trước mặt Chúa, anh chị vẫn là vợ chồng. Và một khi là vợ chồng, anh chị vẫn có trách nhiệm, và hy sinh cho nhau dù tình yêu không còn.
Người ta cứ nghĩ rằng, một gia đình chỉ được xây dựng trên tình yêu. Nên một khi tình yêu không còn thì họ sẵn sàng chia tay. Thưa, gia đình được xây dựng trên 3 khía cạnh: tình yêu, trách nhiệm và hy sinh, giống như một kiềng 3 chân giữ thế thăng bằng. Nếu như tình yêu không còn, thì mọi thành viên trong gia đình phải sống trọn vẹn trách nhiệm và sự hy sinh cách triệt để nhất để tái tạo lại tình yêu thủa ban đầu.

Một khi sống được như thế, chúng ta mới đích thực là những chứng nhân cho sự Phục Sinh Của Chúa. Do vậy, thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê đã khuyên chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” (Cl 3, 1)


Nói tóm lại, mừng đại lễ Phục Sinh, mỗi người chúng ta được mời gọi sống Tinh thần phục sinh trong gia đình qua việc: sống tình yêu thuở ban đầu cách tràn đầy, luôn có trách nhiệm với nhau và nhất là luôn biết hy sinh cho gia đình.
Chính khi sống được như thế chúng ta không những có được niềm vui Phục Sinh trọn vẹn mà còn trở nên nhân chứng sống động cho các gia đình đang chết dần chết mòn, đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bị sự kìm kẹp của ma quỷ và sự dữ gây ra. Amen



Share:

MINH OAN CHO CHÚA


Chúa nhật Lễ Lá - C
--------
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56
LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Chúa của chúng ta vì yêu thương đã xuống thế gian làm người để chịu chết chuộc tội chúng ta. Hôm nay, chúng ta bước vào Chúa nhật lễ Lá, khai mạc tuần thánh, cao điểm nhất là mừng Tam Nhật Vượt qua, mừng biến cố Chúa tử nạn và phục sinh.
        Mặc dù đang bị những người Do thái tìm giết, nhưng Chúa vẫn quyết định vào thành Giê-ru-sa-lem theo thánh ý Chúa Cha. Đám đông khi thấy Chúa vào thành thì tung hô hoan hỉ. Tuy vậy, ngay sau đó, cũng chính đám đông ấy là những người lên án đòi giết Chúa.
        Dâng thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để mỗi người biết xác tín và trung thành với Thiên Chúa, đừng để những dụ dỗ của thế gian mà chối bỏ niềm tin, gạt Thiên Chúa ra bên ngoài.
        Giờ đây chúng ta cùng thành tâm sám hối đế xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


SÁM HỐI
1.   Lạy Chúa, Chúa đã vào thành Giê-ru-sa-lem và được mọi người chào đón. – Xin Chúa thương xót chúng con.
2.   Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã bị người ta lên án giết chết. – Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
3.   Lạy Chúa, Chúa đã chấp nhận chịu chết để cứu chuộc chúng con. – Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót và dẫn đưa chúng con đến sự sống muôn đời.



BÀI GIẢNG
MINH OAN CHO CHÚA

1.   Chúa Giê-su bị xử oan

Con người thật lạ. Luôn đòi hỏi chân lý và sự thật được thượng tôn, thế nhưng lại thường hùa vào dư luận và số đông để quyết định một sự việc nào đó, dù việc đó là sai trái. Rõ ràng khi chứng kiến những việc Chúa Giê-su làm và nghe những lời giảng dạy của Người, dân chúng ai cũng biết và xem Chúa chính là Con Vua Đa-vít, Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Sứ mạng của Người chính là giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp của ma quỷ, phục hồi cho con người quyền làm Con Thiên Chúa mà tộ phụ đã đánh mất khi phạm tội. Vì thế, khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem dân chúng nhận ra và reo mừng, tu hô, đón chào…: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa

Ấy vậy mà chẳng mấy chốc, tất cả những con người chào đón ấy lại trở mặt đến lạ lùng khi tu hô: Đóng đinh nó vào thập giá.

        Trước sự kiên quyết của nhà lãnh đạo Do Thái giáo và được sự ủng hộ nhiệt tình của đám đông, người ta đã xử ép Chúa vào hàng phạm pháp. (Lc 22, 37). Thật vậy, trước thượng hội đồng: “Họ tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng không tìm ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau” (Mc 14, 55- 56). Sau khi Phi-la-tô hỏi: “Ông là Vua Do thái sao?; Chúa Giê-su đã khẳng định: “Phải, chính ngài nói đó ... Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14, 6). Qua đây Đức Giê-su công khai tuyên bố tư cách Thiên Sai của Người; lời tuyên bố hàm ý nói rõ sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng sẽ được tôn vinh với Thiên Chúa Ba Ngôi và ngày nào đó sẽ đến trong uy quyền, để phán xét thế gian. Dựa vào đó, cái cớ để họ kết án Đức Giê-su phạm tội đáng chết là tội phạm thượng.

        Như vậy, rõ ràng, Chúa của chúng ta bị xử oan và chết oan. Một vụ án giết người cách bất công mà không một ai dám đứng ra bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thật.

2.   Minh oan cho Chúa

Nói đến đây, xin kể cho cộng đoàn nghe câu chuyện sau:
Một ông bố thiểu năng có một đứa con gái nhỏ. Một hôm, sau khi đưa con gái đi học, ông trở về nhà thì một cháu bé bị trượt tuyết và ngã đập đầu chết. Anh ta đã tìm cách cứu thương, nhưng bị người ta hiểu lầm, và nhất là người cha của đứa bé, một cảnh sát, đã quyết truy cứu anh ta về tội ấu âm và giết người bịt miệng. Vì là người thiểu năng, anh không thể đủ lý trí để biện minh cho hành vi mình. Hơn nữa, cha của nạn nhân là một cảnh sát, vì thương con, ông ta đã gây áp lực nếu anh không nhận tội thì sẽ hãm hại con gái của anh ta. Vì thương con, không muốn con gặp nạn, nên anh ta đã nhận tội. Thế là anh ta bị xử oan và kết án tử hình.

        Sau nhiều năm, đứa con gái lớn lên trở thành luật sư và quyết tâm minh oan cho cha của mình. Và cuối cùng cô đã thành công. Tòa tuyên án, cha cô là người vô tội, dù rằng ông đã chết.
       
        Trên đây là nội dung của bộ phim: ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG PHÒNG GIAM SỐ 7 – của Hàn quốc. Một bộ phim lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả. Một bộ phim nói về sự hy sinh cao cả của người cha đối với con gái của mình.

        Kể về bộ phim về một vụ xử oan như thế để liên hệ đến vụ án của Chúa. Chúa của chúng ta cũng vì yêu thương con cái mình, nên đã chấp nhận án phạt dù rằng mình chẳng có tội. Nếu như người con trong bộ phim đã minh oan cho cha của mình, thì chúng ta, những người con của Chúa, có bao giờ chúng ta đặt vấn đề là cần phải minh oan cho Chúa không?

        Thật ra Chúa của chúng ta chẳng cần chúng ta minh oan, vì Chúa chẳng có tội gì, vì tự Chúa đã là chân lý và sự thật, và cái chết của Chúa mang lại giá trị to lớn là để chúng ta được sống. Thế nhưng, trong trách nhiệm và bổn phận của người con, chúng ta phải hành động để làm chứng cho Chúa. Chúng ta sống làm sao để minh oan cho cái chết oan của Chúa.

        Vậy, chúng ta phải minh oan cho Chúa như thế nào đây? Không lẽ cũng trở thành luật sư như cô bé trong bộ phim để minh oan cho cha của mình? Thưa chúng ta chỉ cần sống lại chính lối sống mà Chúa chúng ta đã sống. Đó là sống yêu thương, phụ vụ và hy sinh. Bao lâu chúng ta chưa sống được ba điều này, thì bấy lâu chúng ta chưa thể minh oan cho Chúa.

        Nói tóm lại, hôm nay chúng ta được nghe lại cuộc xử án bất công Chúa Giê-su cách đây 2000 năm, để cho thấy cách mà người ta đối xử với Chúa chúng ta, khi Người đến thế gian để giải thoát chúng ta. Mỗi người chúng ta, trong phận vị của một người con, có nhiệm vụ minh oan cho Chúa trong chính đời sống của mình. Đó là một đời sống yêu thương, phụ vụ và hy sinh.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Share: