CHÚA NHẬT 26 TN – B – CĐ Ds 11,25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9,38-43.45.47-48


CHÚA NHẬT 26 TN – B – CĐ
Ds 11,25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9,38-43.45.47-48

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT CHUYÊN VIÊN TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG?
        Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng truyền thông. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà các phương tiện truyền thông lại phổ biến và dễ sử dụng đến thế. Truyền thông có những mặt tích cực như: mang con người xích lại gần nhau, dễ dàng cập nhật các thông tin, học hỏi, trau dồi kiến thức qua các phương tiện truyền thông… Bên cạnh đó, truyền thông cũng có những mối nguy hại: Rất nhiều những sự chia rẽ, tội phạm, sự xấu đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông. Nếu chúng ta không sáng suốt, rất dễ rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.
        Đặt nền tảng trên sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật 26 Thường niên hôm nay, xin được chia sẻ với cộng đoàn đề tài: LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT CHUYÊN VIÊN TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG?

        Muốn trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng ta cần hội đủ 3 yếu tố sau:

1.   Để trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng điều đâu tiên cần có đó là phải biết lắng nghe Lời Chúa qua tiếng nói của Thần Khí.

Bài tin mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến việc ông Gio-an cảm thấy khó chịu khi nhiều người dùng Danh của Chúa mà trừ quỷ, vì thế ông đã ngăn cản họ. Tuy vậy, Chúa Giê-su đã trả lời: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạm, rồi sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc 9, 39).

        Thật vậy, việc trừ quỷ, hay tất cả những việc khác, đặc biệt là trong công việc rao truyền Tin Mừng, đó không phải là một đặc quyền, đặc lợi của một tập thể hay cá nhân nào mà là của cả mọi người, những người mang danh Ki-tô hữu. Bởi Thần Khí Chúa hoàn toàn tự do và không lệ thuộc vào các cơ cấu phẩm trật. Thần Khí Chúa ban cho mỗi người ơn ích khác nhau. Thánh Phao-lô cũng đã nói: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác nữa làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ…”(Ep 4, 11-13).

        Ngay từ thời Cựu ước cũng đã có những người được Thần Khí Chúa ban ơn nhưng không để trở thành những ngôn sứ của Chúa. (Ds 11,29). Mà bài đọc 1 trích sách Dân số đã nói rõ điều đó.

        Như vậy, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi lắng nghe Lời Chúa qua tiếng nói của Thần Khí. Để có thể lắng nghe được tiếng của Thần Khí thì buộc chúng ta phải thực tập. Bằng cách thường xuyên học hỏi Tin mừng, nghe giảng dạy, đặc biệt hơn cả là suy niệm Lời Chúa trước Chúa Giê-su Thánh Thể. Nếu chúng ta thường xuyên làm như thế, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Thần Khí trong đời sống hằng ngày.
         
2.   Muốn trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng thì chúng ta cần phải biết sống Lời Chúa.

Lắng nghe Lời Chúa là một chuyện mà thực hành, sống Lời Chúa lại là một chuyện khác. Lời Chúa tuy rất dễ nhưng những đòi hỏi của Tin mừng lại rất khó thực hiện. Vì những giá trị của Nước Trời đôi khi trái ngược với não trạng của chúng ta. Vì thế Chúa cũng đã nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11, 18).

Thực hành Lời Chúa đơn giản là sống giới răn mến Chúa yêu người.

·    Mến Chúa

Có nghĩa là chúng ta không bám vào bất cứ thứ gì ở đời này, đặc biệt là của cải vật chất. Những ai bám vào của cải trần gian này sẽ phải gặp cảnh hư nát. Như bài đọc 2 trích thư của thánh Gia-cô-bê có nói: “ hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ trên đầu các ngươi.” (Gc 5, 1)

·    Yêu người

Cụ thể như bài Tin mừng hôm nay Chúa gợi ý cho chúng ta 2 điều. Đó là chuyên cần làm phúc bố thí và không làm cớ vấp phạm cho những kẻ bé mọn. (x. Mc 9, 41 - 48)
Như vậy, để có thể trở thành một chuyên viên truyền thông Tin mừng thì chúng ta cần sống Lời Chúa mỗi ngày. Đó là một đời sống mến Chúa và yêu người.

3.   Một chuyên viên truyền thông đích Tin Mừng thực thì cần thường xuyên rao truyền Lời Chúa cho mọi người.

Về điều này, Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Thưa anh em, rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng. (1 Cr 9, 16).”
Cũng vậy, sau khi nghe và thực hành Lời Chúa qua tiếng nói của Thần Khí thì chính Thần Khí cũng sẽ tác động khiến chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng.

Loan báo Tin mừng không chỉ bằng lời nói, lời rao giảng mà quan trọng là qua cách sống của chúng ta. Một đời sống bác ái yêu thương. “Vì cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là một đệ Thầy, đó là anh em hãy yêu thương nhau.”(Ga 13, 35).  

Nói tóm lại, Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành một chuyên viên truyền thông  Tin mừng của Chúa.
Thoạt nghe đến truyền thông, chúng ta thấy không liên quan mấy đến chúng ta. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, một khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở thành một ngôn sứ của Chúa. Ngôn sứ có nghĩa là rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Như vậy, ai trong chúng ta cũng có nhiệm vụ truyền thông Tin mừng cho. Chúng ta truyền thông bằng chính đời sống của mình. Đó chính là một đời sống tích cực, bác ái, yêu thương. Amen.
Cầu chúc cho mỗi người chúng ta, dù trong phận vụ và vai trò nào thì chúng ta cũng trở thành một chuyên viên truyền thông Tin Mừng đích thực. Có như thế, Nước Chúa sẽ ngày càng phát triển và triều đại Thiên Chúa sẽ hiển trị khắp trần gian. Amen.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSs


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét