Thứ Sáu tuần VIII TN – CĐ 1Pr 4,7-13; Mc 11,11-26 CƠN THỊNH NỘ CỦA THIÊN CHÚA

Thứ Sáu tuần VIII TN – CĐ
1Pr 4,7-13; Mc 11,11-26


LỜI DẪN ĐẦU LỄ
        Kính thưa cộng đoàn, nhiều người trong chúng ta cứ xưng đi xưng lại một tội mà chúng ta vẫn chưa chừa bỏ được, thậm chí nhiều khi chúng ta còn hoang đàng, xa lìa Thiên Chúa. Những lúc đó, thường thì Chúa nhân từ tha thứ và không ngừng kêu gọi chúng ta thành tâm trở về. Tuy nhiên, không phải lúc nào Chúa cũng dịu dàng, hiền lành, hôm nay đây, Tin mừng phác họa cho chúng ta cơ nóng giận của Thiên Chúa. Thế nhưng, Người nóng giận chỉ muốn sửa dạy chúng ta mà thôi.
        Hôm nay còn là ngày kính thánh Giút-ti-nô tử đạo. Ngài sinh ra trong một gia đình Hy Lạp. Tuy là người ngoại đạo nhưng ngài vẫn khao khát được tìm biết Thiên Chúa chân thật. Nhờ ơn Chúa soi sáng, ngài đã cảm phục và say mê các giá trị luân lý của đời sống Kitô giáo. Cuối cùng, ngài đã được rửa tội để lãnh nhận một đức tin như những người công giáo khác.
Tự thâm tâm, ngài nhận thấy mình có bổn phận phải rao truyền lời Chúa. Những kiến thức uyên thâm của ngài đã làm cho những người chống đối phải đuối lý. Nhờ những buổi diễn thuyết, những cuộc đối thoại của ngài, rất nhiều người đã trở lại đạo Công Giáo.
Năm 1882, Ðức Giáo Hoàng Lê-ô 13 đã phổ biến lễ kính ngài trên toàn Giáo Hội, đặt ngài làm quan thầy các tâm hồn ngay chính.
Dâng Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh nhân mà làm chứng cho Chúa trong đời sống của mình.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.


CHIA SẺ
CƠN THỊNH NỘ CỦA THIÊN CHÚA
       
        Kính thưa cộng đoàn! Trong suy nghĩ thường ngày, chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ và đầy lòng xót thương. Những tưởng rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ nổi giận cho dù con người lỗi phạm và liên tục phản bội Người. Tuy vậy, Tin mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta một cái nhìn rất khác về Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa cũng có lúc nóng giận.
        Chuyện xảy ra là hôm ấy, Chúa Giê-su và các môn đệ rời khỏi Bê-ta-ni-a để đến Giê-ru-sa-lem, Ngài cảm thấy đói. Trông thấy ở đằng xa có một cây vả tốt lá. Ngài đến để tìm trái ăn nhưng không có vì không phải là mùa vả. Người liền lên tiếng chúc dữ cây vả “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa. (Mc 11,12).
Tại sao Chúa lại chúc dữ cây vả ? Phải chăng nhằm thỏa mãn cơn đói của Ngài? Bởi lúc này không phải là mùa vả. Hơn nữa, câu chuyện Chúa chức dữ cho cây vả lại được lồng ghép vào câu chuyện Chúa nổi giận với những người đã biến đền thờ thành sào huyệt của bọn cướp (Mc 11, 17). Như vậy, cả hai câu chuyện trên đều thể hiện sự nóng giận bực tức của Thiên Chúa, vậy đâu là nguyên do khiến Chúa nóng giận?

1. Trước hết, Thiên Chúa nóng giận là do con người lỗi phạm và phản bội Chúa.
Đối với người Do thái, cây nho hay cây vả tượng trưng cho dân Ít-ra-en và Thiên Chúa là người trồng. Nhưng dân Chúa chẳng mang lại hoa trái, lợi lộc gì lại phản nghịch với lòng mong đợi của Ngài, nên chắc chắn nó sẽ bị tru diệt (x.Mc 12,1-11).
Cũng vậy, Đền Thờ này thật lộng lẫy, nguy nga, tráng lệ nhưng trong đó chất đầy những lễ nghi vụ hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng tin kính, tôn thờ. Nó đã trở thành cái chợ để mua bán trao đổi, thành sào huyệt của bọn cướp (Mc 11,17). Thế nên số phận của nó chẳng khác nào như cây vả sum suê lá mà chẳng có trái đã bị Chúa chúc dữ.
Như vậy, chỉ vì Dân Chúa đã lỗi phạm bất trung với Chúa nên Người đã nổi giận. Thế nhưng, không giống chúng ta, bởi “Thiên Chúa nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.” (Tv 30, 6).

2. Kế đến, Thiên Chúa nổi giận là do yêu thương và muốn sửa dạy con người.
Đức Giê-su bước vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem với một thái độ hết sức giận dữ (x.Mc 11, 15-16). Nhưng không phải Người ghét bỏ, nhưng qua hành động này, Chúa muốn thanh tẩy và đem lại trật tự vốn có của đền thờ. Người công bố bãi bỏ kiểu cầu nguyện Do Thái giáo và khai mạc thời kỳ mới mà Ngôn sứ Da-ca-ri-a đã loan báo: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh  nữa”(x.Dcr 14,21). Cũng như cây vả bị Chúa chúc dữ đã chết khô, Đền thờ bị ô uế đã trở nên vô nghĩa. Như vậy, qua cơn nóng giận, Đức Giê-su thể hiện khuôn mặt từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Người không muốn con người như cây vả, bên ngoài có vẻ sum suê lá nhưng lại không có hoa quả; cũng như đời sống đạo của chúng ta, tuy bên ngoài rất đạo đức, kinh hạt, tham dự Thánh lễ hằng ngày nhưng lại không mang lại hoa trái tốt lành mà trong lòng chỉ toàn là ghen tị, ghen ghét, hận thù... Chúa nóng giận phá đổ tất cả là muốn chúng ta biết cách thờ phượng Chúa đích thực và quay trở về đường ngay nẻo chính. Qua cơn nóng giận đó, Thiên Chúa chỉ muốn sửa phạt và cứu sống chúng ta mà thôi.
Nói tóm lại, tin mừng hôm nay cho chúng ta có một cái nhìn khác về Thiên Chúa. Người rất mực yêu thương chúng ta, nhưng không phải lúc nào Người cũng hiền lành, sẽ có những lúc Người nóng giận. Tuy nhiên, Chúa “giận thì giận” mà “thương lại càng thương” bởi như sách tiên tri I-sa-i-a có nói: “Ta bỏ ngươi một lúc thôi, nhưng động lòng trắc ẩn vì quá yêu thương ngươi, Ta sẽ tụ họp ngươi lại. Trong cơn nóng giận, Ta ẩn mặt khỏi ngươi một lát, nhưng rồi lại yêu thương ngươi mãi mãi” (Is 54,7t).
Vậy, nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa trong cơn nóng giận, chúng ta không còn cách nào khác hơn là sám hối, sống chừng, mực tiết độ và siêng năng cầu nguyện, như thánh Phê-rô đã nói trong thư thứ nhất của ngài: “Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ,… hãy hết lòng yêu thương nhau vì lòng yêu thương phủ lấp muôn vàn tội lỗi…” (1Pr 4, 7-8)
       
        Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét