Thứ Sáu tuần II Mùa Chay Gr 18,18-20; Mt 20,17-28 LÒNG ĐỐ KỴ

Thứ Sáu tuần II Mùa Chay
Gr 18,18-20; Mt 20,17-28

Dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn! Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho các tông đồ dụ ngôn những tá điền sát nhân. Họ vốn chỉ là những tá điền hiền lành, nhưng vì lòng đố kỵ họ đã trở thành những kẻ sát nhân.
Một trong những nguyên nhân gây ra đổ vỡ trong đời sống cộng đoàn và đặc biệt là trong mối tương quan với tha nhân, hàng xóm láng giềng là  do ngày nay có nhiều tu sĩ bị lòng đố kỵ làm chủ. Đời sống xã hội dễ cho ta thấy có nhiều người hơn, thua ta thứ này thứ kia. Đó là điều dễ hiểu, nhưng với những người vốn có lòng đố kỵ thì lại ganh ghét, thậm chí là tìm cách tiêu diệt người khác.
Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta bỏ đi lòng đố kỵ, không chỉ biết khiêm nhường nhìn nhận những điều hay điều tốt của bản thân mình mà cũng biết trân trọng những điều cao đẹp của người khác nữa.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

LÒNG ĐỐ KỴ
Bài Tin Mừng hôm nay có lẽ chúng ta đã nghe rất nhiều lần và khá hiểu về ý nghĩa của dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” (Mt 21, 33-43). Những tá điền vườn nho ở đây là những nhà lãnh đạo Do thái giáo. Tại sao họ lại trở thành kẻ sát nhân? Thưa là do lòng đố kỵ. Chính lòng đố kỵ đã khiến tâm hồn những tá điền thành những kẻ ích kỷ, chai lỳ và cuối cùng dẫn đến hành động giết người. Thật vậy, những người Pharisiêu và các kinh sư vốn trọng lề luật và thượng tôn giai cấp của mình, họ muốn họ là người lãnh đạo và có mọi quyền hành cũng như lợi ích về vật chất ở địa vị của họ. Nên khi có các ngôn sứ, và đặc biệt là Đức Giêsu đến nói về Thiên Chúa, lên án những hành vi của họ thì lòng đố kỵ đã khiến họ có những suy nghĩ và hành động sai lầm.
Lòng đố kỵ đó vẫn tồn tại nhan nhãn trong đời sống của con người ngày nay. Đặc biệt hơn trong các tương quan với tha nhân. Sau đây là 3 dấu hiệu nhận biết một người có lòng đố kỵ:

1. Khó chịu khi ai đó hơn mình
Một người có lòng hay đố kỵ biểu hiện dễ thấy nhất của họ là luôn khó chịu khi thấy ai đó hơn mình. Khi nghe ai đó có tin vui thì thay vì chúc mừng, họ lại cảm thấy không thoải mái, ganh ghét và tức giận. Cụ thể trong bài đọc 1 cho chúng ta hiểu rõ điều đó. Bởi vì ông Giacop thương ông Giuse hơn các con khác vì ông đã già mới sinh được cậu. Chính vì thế, các anh em nhà Giuse khó chịu với ông vì ông được cha yêu thương hơn. (St 37,3-4).
Trong đời sống thường ngày, điều này rất dễ xảy ra khi một ai đó được nhiều lợi thế hơn mình. Điều này đúng với hầu hết với tâm lý bình thường của con người trong xã hội ngày nay. Ví dụ khi nghe bạn bè hay đồng nghiệp có công việc mới với lương cao hay được thăng chức họ sẽ có suy nghĩ mong muốn điều tồi tệ đến với người đó cho thỏa cơn ganh ghét vì sao ta không bằng họ và sợ họ hơn ta. Thậm chí người ganh tị thường cảm thấy hả hê và vui sướng khi người khác sa cơ hay vấp ngã.
2. Dấu hiệu thứ hai của một người có lòng đố kỵ chính là: Luôn soi mói, so sánh, dẫn đến thái độ ghen ghét, nói xấu thậm chí tìm cách tiêu diệt người khác.
Vâng! Những người này luôn “ngó nghiêng, ngó dọc” từng hành động và việc làm của người mà họ cảm thấy đố kỵ. Đặc biệt trong đời sống thường ngày, họ cũng thường hay nhòm ngó sự thành đạt, hạnh phúc, nhan sắc… của người khác sinh ra lòng tức tối rồi đắm chìm với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như buồn bực, lo lắng, căm ghét và cảm giác tự ti. Hơn thế nữa, họ luôn chăm chăm vào những khuyết điểm hay lỗi lầm của người khác để phán xét nhằm giảm giá trị của người đó với mọi người. Cũng chính vì lòng đố kỵ mà các anh của Giuse đã lập mưu loại trừ ông. “bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng…” (St 37,18)
Trong đời sống thường ngày thì không đến nỗi giết người, nhưng chính vì sự đố kỵ che mắt, họ muốn thấy bản thân tốt đẹp hơn người khác và cũng vì không có lòng thương xót, nên trong nhiều trường hợp họ sẽ đem tật xấu của người khác ra bới móc, lăng mạ, làm trò cười để hả hê lòng ganh ghét của bản thân.
3. Dấu hiệu thứ ba của những người có lòng đố kỵ chính là: Không công nhận thành quả của người khác
Mặc dù đã nhiều lần Thiên Chúa sai các ngôn sứ và thậm chí là chính Con Thiên Chúa đến để cảnh cáo dân và làm bao nhiêu việc tốt cho dân. Thậm chí chính Con Thiên Chúa đến, đã chết để cứu chuộc dân nhưng vì lòng đố kỵ, thượng tôn nghĩ mình là nhất nên đã không công nhận và loại trừ các ngôn sứ và chính Con Thiên Chúa làm người.
Thật vậy, những người có lòng đố kỵ sẽ không công nhận thành quả của người khác. Vì vậy khi đối mặt với sự thành đạt hay hạnh phúc của người khác, họ sẽ có thái độ khinh thường, phản pháo, thậm chí nói những điều làm mất vui hay làm người khác cảm thấy tổn thương.
Như vậy, dấu hiệu để nhận biết một người có lòng đố kỵ thể hiện ở 3 khía cạnh: (1) Khó chịu khi ai đó hơn mình, (2) Luôn soi mói, so sánh, dẫn đến thái độ ghen ghét, nói xấu thậm chí tìm cách tiêu diệt người khác. (3) Không công nhận thành quả của người khác.
Chính vì có lòng đố kỵ nên các kinh sư và Phari siêu đã đánh mất phần phúc của mình là hạnh phúc trong Nước Trời: “Bởi đó tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt21,43)
Thật vậy, những người có lòng đố kỵ sẽ không thể tiến triển đời sống nội tâm, hậu quả là những bất an sẽ đến, và dễ đánh mất niềm vui trong đời sống. Hoặc những người đó sẽ là đầu mối gây chia rẽ, khiến cộng đoàn luôn bất an và xáo trộn.
Lòng đố kỵ nguy hiểm như vậy đấy, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn làm cho chúng ta đánh mất chính mình, qua lối sống ích kỷ, bảo thủ, ngờ vực, ghen ghét mà còn phá đi những mối quan hệ với tha nhân.
Như vậy, qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình. Tôi có đang đố kỵ với ai đó hay không? Mùa chay, Chúa không chỉ mời gọi chúng ta là hòa với Chúa mà còn biết làm hòa với tha nhân qua việc không chỉ biết khiêm nhường nhìn nhận những điều hay điều tốt của bản thân mình mà cũng biết trân trọng những điều cao đẹp của người khác nữa. Amen

MA.PHUC,SSS



Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét