Thứ Năm tuần II mùa chay Gr 17,5-10; Lc 16,19-31 NGHỊCH LÝ CỦA NƯỚC TRỜI

Thứ Năm tuần II mùa chay
Gr 17,5-10; Lc 16,19-31

Dẫn đầu lễ
 “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nổi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên này cũng không được.”
Kính thưa cộng đoàn! Sỡ dĩ giữa anh Ladaro và người giàu có có khoảng cách không thể bước qua được là vì khi còn sống người giàu đã tự đào lấy cái hố sâu ngăn cách ấy bằng lối sống vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của tha nhân. Thời đại ngày nay nhiều người, chỉ biết sống hưởng thụ, ích kỉ mà không biết quan tâm đến người nghèo, những người bị bỏ rơi đang sống bên cạnh, hoặc ngay trước cửa nhà mình.
Dâng thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết từ bỏ lối sống ích kỷ, hưởng thụ mà chia sẻ với tha nhân. Có như thế chúng ta mới có cơ hội được gặp gỡ các thiên thần và ông Ápraham khi từ giã cõi đời này.
Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm xám hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.


NGHỊCH LÝ CỦA NƯỚC TRỜI

Có bao giờ chúng ta chú ý một bài cảm ơn sau các thánh lễ trọng chưa? Nếu chú ý một chút, chúng ta dễ dàng nhận ra các bài cám ơn rất giống nhau. Phần đầu là kính thưa các bậc đáng kính như giám mục, các cha, các thầy…những đấng bậc này thường được giới thiệu rõ ràng, họ tên và chức vụ. Sau khi cám ơn xong rồi mới đến những người khác các thành phần ban bệ, và cuối cùng là những người tầm thường nhất: cộng đoàn.
Cũng vậy, trong cuộc sống, những người giàu, những người nắm quyền lực phần lớn là những người được giới thiệu đầu tiên, được ưu tiên ngồi vào chỗ nhất, được chào đón…
Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thì lại có một sự đảo ngược hoàn toàn. Ngay trong phần giới thiệu nhân vật, người giàu đã được giới thiệu một cách rất sơ sài, một người giàu chung chung không có tên tuổi. Còn người nghèo rất nhiều lại được giới thiệu rất chi tiết và cụ thể, kể cả tên của người đó - Ladarô.
Xin được dừng lại ở chi tiết này để thấy sự khác biệt giữa giá trị trần thế và giá trị Nước Trời.
Sự khác biệt này nằm ở chỗ kẻ tưởng rằng có lợi thế trong trần gian thì không được gọi tên, còn kẻ hèn mọn lại được gọi tên. Chúa Giêsu đã gọi tên người nghèo, như thế là Người đảo ngược trật tự xã hội thường tình. Ông nọ bà kia đáng được xem là người, còn dân lao động chân tay thì không. Nhưng khi chết, ông Ladarô đã tìm được những người bạn hữu là các thiên thần, tổ phụ Ápraham, hay còn gọi là những người có đức tin. Ngược lại, ông nhà giàu chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta, mặc dù ở trần gian ông rất giàu có và quyền lực. Hỏa ngục chính là nỗi cô đơn.
Nguyên nhân do đâu có sự đảo ngược giá trị giữa trần thế và Nước Trời?
Thưa nguyên nhân là do những người giàu tự tạo ra cho mình hố ngăn cách với người khác bằng tiền bạc và quyền lực. Để rồi khi chết đi, chính những thứ đó đó cách ngăn khiến ông xa rời người công chính và xa rời Thiên Chúa. Ông đã không biết sử dụng tiền của để mua lấy Nước Trời mà chỉ yến tiệc linh đình, lụa là gấm vóc. Thậm chí, người nghèo ngay trước cửa mà ông cũng không thấy, bởi ông bị tiền tài danh vọng che hết tầm mắt và che cả lương tâm của ông. Chính vì thế ông trở nên một người có lương tâm chai lỳ trước nỗi đau của người khác, tự che mắt mình bằng quyền lực và của cải. Mà của cải vật chất ở đời này rồi cũng sẽ qua đi khi con người nằm xuống.
Chúng ta đang sống giữa trần thế này, không thể không có của cải vật chất. Nhưng nếu chỉ biết bám vào chúng như người nhà giàu, chẳng khác nào chúng ta cũng đang tự mình đào hố sâu ngăn cách với Thiên Đàng sau khi xuôi tay nhắm mắt.
Người nghèo Ladarô vẫn sống giữa chúng ta, giữa những đống gạch bỏ hoang, những đống rác bẩn thỉu, giữa những công nhân đang sống trong các dãy phòng trọ nhà chúng ta. Họ làm điếm, ăn cướp, …nhưng khi nằm xuống thì họ gặp được những người thương yêu mình, các thiên thần và ông Ápraham chào đón. Không phải là Chúa thiên vị, hay dung túng cho tội nhân, nhưng hơn bao giờ hết, họ là những con người đáng thương, những con người luôn cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Lòng Thương Xót đi bước trước, xóa sạch mọi lỗi phạm.
Còn chúng ta, chúng ta cố gắng rất nhiều, tuy nhiên chúng ta hay tự ru ngủ mình bằng triết lý được và mất. Tôi làm thứ này cho Chúa thì Chúa phải cho lại tôi thứ khác. Tôi có tiền, có của cải vật chất hoặc đời sống tốt lành thánh thiện thì những thứ đó sẽ là những trạng sư bảo hộ cho tôi trước tòa Chúa. Suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm, chúng ta chỉ có một Đấng Bảo Trợ, một Đấng Cứu Độ, một trang sự trước tòa Chúa là Đức Kitô mà thôi. Đức Kitô đã cứu chúng ta bằng cái chết của Người thì mỗi người chúng ta cũng phải biết chết đi để cứu giúp người khác trong đời sống của mình.
Như vậy, những giá trị quyền lực vật chất ở đời này sẽ trái ngược hoàn toàn với đời sau và trở thành hố sâu ngăn cách nếu chúng ta chỉ biết sống ích kỷ vun vén cho bản thân. Hiểu được như thế vậy còn chần chừ gì nữa mà không biết dùng của cải vật chất, quyền lực ở đời này để mua lấy của cải trên thiên đàng, nơi mối mọt không bao giờ đục khoét được bằng lối sống bác ái yêu thương, biết chia sẻ và giúp đỡ tha nhân.
MAPHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét