Chúa nhật 25 TN – A – CĐ Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a “GHEN TỊ” - KẺ THẦM LẶNG GÂY CHIA RẼ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Chúa nhật 25 TN – A – CĐ
Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a

“GHEN TỊ” - KẺ THẦM LẶNG GÂY CHIA RẼ 
TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

       
    Cộng đoàn thân mến! Người Do Thái cũng có quan niệm về con cái nối dõi, nối dõi như người Việt chúng ta. Người con trưởng thường được thừa hưởng quyền trưởng nam, được xức dầu và được thừa hưởng nhiều của cải vật chất, cũng như quyền lực trong gia đình, dòng tộc. Chính điều bất công này làm nảy sinh não trạng bài trừ con trưởng. Họ cho rằng người con thứ cũng phải được thừa hưởng gia tài và quyền lợi như người con trưởng.
        Nhìn rộng hơn, Dân Ítraen cho rằng họ là người con trưởng của Thiên Chúa, nên họ có thể được thừa hưởng mọi ân sủng và quyền năng của Ngài. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn Người thợ vườn nho để chống trả lại não trạng này và nhấn mạnh người con thứ, tức là dân ngoại, cũng được thừa hưởng gia tài như con trưởng.
Thưa cộng đoàn! Dựa vào hình ảnh người con trưởng và con thứ đó, trong bài chia sẻ này với cộng đoàn con chỉ nói một khía cạnh nhỏ với chủ đề: Ghen tị - kẻ thầm lặng gây chia rẽ trong đời sống gia đình.
Trong cuộc sống gia đình, ghen tị vốn là một thói xấu, một điều tệ hại mà không gia đình nào mong muốn. Nhiều gia đình chỉ vì con cái ghen tị nhau mà biết bao đau thương đổ vỡ xảy ra. Cha mẹ con cái không nhìn mặt nhau, thậm chí nhiều gia đình còn đưa nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp gia tài, quyền lợi, vật chất… Thật vậy, ghen tị là kẻ âm thầm gây ra chia rẽ người với người, thân bằng quyến thuộc, cha mẹ, con cái, anh chị em…là cơ hội để ma quỷ chiếm đoạt và thống trị lòng người.
1. Trước hết ghen tị khép lại tương lai của chúng ta.
Con đầu của A-đam và Ê-va là Ca-in đã tức giận khi Thiên Chúa chấp nhận lễ vật của A-ben nhưng lại không chấp nhận lễ vật của ông. Ca-in có thể khắc phục hoàn cảnh này vì Thiên Chúa đã cảnh tỉnh ông: “Tội lỗi, tức lòng ghen tị đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi, nhưng ngươi phải chế ngự nó.” (St 4,7b). Tuy vậy, Ca-in đã không chế ngự được lòng ghen tị, ông đã giết em mình (St 4,4-8). Hành động đó đã khép lại tương lai của ông và dòng dõi ông. Bởi chính máu của em ngươi đã kêu thấu đến ta và ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi do chính ngươi đổ ra. (St4,11)
Một khi chúng ta để cho lòng ghen tị thống trị, điều tệ hại nào cũng có thể xảy đến. Anh chị em đấu đá, kiện tụng, chối bỏ nhau…Tất cả những hậu quả gây ra khép lại tương lai của chúng ta và con cái và gia đình chúng ta. Đó là những vết thương mà thời gian cũng không dễ gì có thể hàn gắn lại.
2. Kế đến ghen tị gây tổn thương cho tâm hồn chính mình và hãm hại người khác.
Thật vậy, một khi ta ghen tị là lòng ta đã tức tối và bất an. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra: Tại sao tôi cũng là con, nó cũng là con mà ba mẹ cho nó nhiều hơn cho tôi? Để rồi, từ những tổn thương đó, lòng ghen tị dâng trào, khiến ta hành động cách mù quáng, theo sự xúi dục của ma quỷ. Câu chuyện Mười người anh của Giuse cho thấy điều đó. Lòng ghen tị của các anh ông đã dâng tràn  khi thấy ông được cha thương yêu hơn. Họ càng ghét Giuse hơn khi nghe ông kể về những giấc mơ mang ý nghĩa tiên tri của mình. Thậm chí họ còn muốn giết ông. Cuối cùng, họ bán ông làm nô lệ và tàn nhẫn khiến cha tin rằng Giuse đã chết (St 37,4-11, 23-28, 31-33).
Vâng! Thưa cộng đoàn! Ghen tị là cảm giác tức tối với người khác vì những gì họ có như tài sản, sự thịnh vượng, lợi thế v.v. Sự ghen tị không chỉ nói đến cảm giác muốn được bằng người khác mà còn muốn chiếm đoạt những gì họ có. Lòng ghen tị có thể gây ra những hậu quả vô cùng tai hại. Những trường hợp trên cho thấy nó dẫn đến sự thù ghét, bất công và hành vi giết người.
Các bạn trẻ thân mến, nhiều cặp vợ chồng trẻ lấy nhau không biết tự nỗ lực làm ăn kiếm sống mà cậy dựa vào tiền bạc của cải của gia đình bên vợ, hoặc chồng. Nhưng khi những mong mỏi đó chẳng may không được cha mẹ đôi bên đáp ứng, hoăc bị từ chối, hoặc phân chia gia tài không theo ý mình thì ngay lập tức sự ghen tức xảy ra. Để rồi, từ đó gây ra biết bao đổ vỡ trong tương quan huynh đệ. Thậm chí vợ chồng cũng vì thế mà cãi cọ, ly tán.
Vậy làm cách nào để chúng ta có thể chữa trị lòng ghen tị. Con xin được gợi ý với cộng đoàn 3 điểm sau:
1. Chấp nhận quyền năng tự quyết của Thiên Chúa
Thiên Chúa có quyền định đoạt về những gì là của Thiên Chúa. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu.” (Is55,9). Thiên Chúa ban quyền làm chủ gia đình cho ba mẹ chúng ta, cho dù họ chỉ là những con người yếu đuối, tội lỗi, bất toàn. Nhiều khi con cái muốn tác động vào ba mẹ để ba mẹ có thể ưu tiên hơn cho mình. Con nào mà chẳng là con, dù trai hay gái. Ba mẹ chúng ta đã vất vả cả đời để sinh thành, dưỡng dục và lo lấy vợ gả chồng cho chúng ta. Vậy mà một khi đã thành gia thất, chúng ta không những không biết báo hiếu chăm lo cho các ngài lại còn chăm chăm chỉ muốn cái gia tài, cho dù nhiều cha mẹ không còn gì để cho nữa. Hãy tôn trọng quyền định đoạt, tự quyết của ba mẹ vì các ngài là người được Thiên Chúa ủy quyền để chăm lo cho chúng ta.
2. Sống đức Mến triệt để.
Thánh Phao-lô nói rõ trong thư thứ 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, … (1Cr13,4-5). Chính vì thế, Đức mến thúc đẩy chúng ta vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12, 15). Nghĩa là chúng ta biết đồng cảm, chứ không ghen tuông, ích kỷ chỉ muốn thu góp cho mình.
Thật vậy, có của cải vật chất, có quyền lực,… nhưng đánh mất tình yêu trong tương quan huynh đệ, anh chị em thì đời sống chúng ta còn ý nghĩa gì. Bởi chúng ta sống là sống với, sống cùng trước hết là anh chị em trong gia đình. Nếu những người thân yêu mà chúng ta không sống được thì làm thế nào chúng ta có thể sống yêu thương tha nhân được.
3. Sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi. (Rm1,21)
Một khi để cho lòng ghen tị làm chủ, chúng ta sẽ bấp chấp tất cả, đánh đổi tất cả để có được thứ này thứ kia. Cha mẹ cho chúng ta nhiều thứ, nhưng những thứ ba mẹ cho chúng ta không quan trọng bằng chúng ta có ba có mẹ để yêu để thương, để hờn để giận, có anh chị em để chia sẻ, chăm sóc. Gia đình là điều gì đó thiêng liêng biết bao mà Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không. Nếu chúng ta chỉ để cho lòng ghen tị thống trị mà đánh mất gia đình điều đó có đáng không. “Mối lợi duy nhất của chúng ta là Đức Ki-tô” chứ không phải của cải vật chất hoặc những ơn ban của Người. Đức Ki-tô đó là ai, không ai xa lạ cả. Đức Ki-tô hiện diện ở những người chúng ta sống với, sống cùng, và sống cho. Đó là gia đình.
Vâng ! Thưa cộng đòan! Ai mà lại chẳng muốn gia đình mình hạnh phúc, ai mà lại chẳng muốn gia đình mình được êm ấm, an bình.  Vậy thì đừng để cho lòng ghen tị - kẻ thù âm thầm gây chia rẽ trong đời sống gia đình thống trị lòng ta. Thánh Phao-lô nhắc nhở: Chúng ta đừng tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ghen tị nhau (Gl 5,26). Thật khó để không ghen tị nhau. Nhưng nếu chúng ta biết tin tưởng và xác tín vào quyền tự quyết của Thiên Chúa, biết sống yêu thương và quan trọng là chúng ta có sống là sống cho Chúa, có chết cũng là chết cho Chúa thì ắt hẳn lòng ghen tị sẽ bị diệt trừ.
MA.PHUC,sss




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét