Truyện ngắn: LÒNG DẠ ĐÀN BÀ

Truyện ngắn: Lòng Dạ Đàn Bà

Vậy là ả si tình cha từ đó. Từ cái ngày cắm trại năm ấy. Từ cái ngày mà cha còn làm thầy. Dẫn hơn trăm đứa cả trai cả gái đi cắm trại, trời nắng, tụi con gái cứ nhao nhao than mệt, ông thầy mới ra trường tập tành mục vụ chẳng biết xử lý thế nào. Ả thì chẳng than chẳng rằng tự dưng đổ nhào ra đất. Cả đám xúm lại. Thầy hoảng hốt chạy lại xoa xoa bóp bóp trán ả. Chỉ vậy thôi mà sau mấy cái đụng chạm ấy ả lại chuyển qua “say nắng” luôn cả ông thầy.

Ả có chồng, một con. Lấy nhau chưa được bao lâu chồng bỏ ả, mang theo đứa con. Mà đâu phải tại chồng trăng hoa, ả cũng chẳng vừa. Có chồng mà cũng liếc mắt đưa tình. Nhất là đám trai trẻ chung dãy phòng trọ với vợ chồng ả. Chồng nhiều lần bắt quả tang ả tòng teng với ông thợ hồ phòng kế bên, hoặc cậu sinh viên tuổi đôi mươi ngoài đầu hẻm…Ả khóc lóc van xin. Xong đâu lại vào đấy. Ngựa quen đường cũ. Mắng chửi cũng chẳng được gì. Thôi thì chia tay. Chồng ả nói vậy.

Kể từ khi đó ả hận chồng, hân luôn cả đám đàn ông. Hận đến tận xương tủy. Thằng đàn ông nào cũng thế, qua đêm với ả, nhưng khi có chuyện thì không dám đứng ra bênh vực cho ả. Dù chính ả mới là người có lỗi.

Bữa trước thấy ông thầy xứ cùng với mấy đứa công nhân đọc kinh ở dãy phòng bên cạnh, ả tò mò tự hỏi có chuyện gì mà đọc kinh vui vẻ vậy. Tự nhiên trong lòng ả trỗi dậy cái thánh thiện vốn đã bị dục vọng bấy lâu che đậy. Ả xin tham gia cùng với mấy đứa công nhân. Rồi cũng đến nhà thờ, rồi cũng sinh hoạt giáo lý. Ả thấy thanh thản, nhẹ nhàng.

***
Người ta nói có sai đâu bao giờ: “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Sau cái ngày “say nắng” ông thầy, ả chủ động tìm đủ mọi cách để lôi kéo ông thầy. Mà thiệt tình với ông thầy, hồi nào giờ chỉ ở trong chủng viện có tương quan với giáo dân bao giờ đâu mà biết ai thật ai giả, ai tốt ai xấu. Thầy quý mến vì ả cứ nay mua món này, mốt mua món kia. Mà món nào ông thầy cũng thích mới đau chứ.

Bữa trời mưa lất phất. Ả gọi điện nói có chuyện buồn muốn tâm sự với thầy. Thầy dạ dạ vâng vâng, thu xếp công việc đến chỗ hẹn. Ngồi gác chéo chân, vừa thấy thầy, ả lên tiếng: “Đúng giờ heng.” Ả chủ động câu chuyện. Tâm sự đủ thứ từ chuyện phòng trọ, chuyện chồng con, chuyện mấy bà cãi nhau ngoài chợ… Nói chán ả chuyển đề tài hỏi thầy có bao giờ yêu chưa, có ai yêu thầy chưa…theo cái kiểu úp úp mở mở và mà mở cả luôn cái cúc áo. Ông thầy đang chẳng biết phải mở lời thế nào, ả nói luôn: “Chị yêu thầy!” Chưa kịp để thầy phản ứng, ả kéo tay thầy ép vào ngực mình: “Thầy nghe con tim của chị nè.”
Ông thầy đứng phách dậy, chạy ra ngoài.
Trời tối. Mưa.

***
Giúp xứ đâu được năm sáu tháng gì đó, Thầy được chịu chức. Người ta không còn gọi là thầy, mà chuyển qua gọi cha xưng con. Ngày tạ ơn, tân linh mục khóc rưng rức khi cám ơn công đoàn và gia đình. Ai nấy cũng cảm động theo. Rồi sau đó nhận được bài sai, cha chuyển đến làm cha phó một giáo xứ khác, cách xứ cũ chừng một tiếng đồng hồ chạy xe honda.

***
Ở cái giáo xứ nghèo này ai mà chẳng biết chị “Tô Hư” đọc lái lại là Tư Hô chuyên dọn dẹp phòng thánh, quét rác ở nhà thờ bao nhiêu năm nay. Chị chỉ ngoài ba mươi nhưng trông cứ như già lắm. Ngoại hình không mấy đẹp đẽ, mà cũng đủ đẹp hơn người yêu Chí Phèo. Được cái chị tưng tửng, lúc nào cũng vui cười. Nhà nghèo, lại đông em, mà chị thì lúc nắng lúc mưa nên chẳng nơi nào nhận làm việc. Cha xứ thấy thế cho vào giúp mấy việc lặt vặt ở nhà xứ.

Cha phó về, thấy thương, lâu lâu nhét cho chị vài trăm nói chị về mua thuốc cho bà. Số là mẹ chị nằm liệt đã mấy năm nay vì tai biến. Sống đời thực vật. Mấy đứa em thì cũng tứ phương làm ăn kiếm sống. Mọi việc trong gia đình đổ hết lên đầu chị. Chị hay dọn dẹp phòng khách, thi thoảng cũng giặt giũ luôn mấy cái áo lễ cho cha chánh. Bữa thấy cha phó giặt quần áo chị nói để con lo, con quen mấy công việc vặt vẵn này rồi. Cha cứ lo công việc của cha đi.

Mấy bữa trời mưa. Chị nằm co ro ở góc nhà. Nói là cái nhà mà cũng có ra cái nhà đâu. Bốn bề được bao bọc bằng mấy tấm bạt cũ, có chỗ rách toác. Mưa như được dịp cứ vậy mà ùa vào, trắng xóa cả nền đất. Số là chị bị cảm từ cái bữa dầm mưa dọn rác nghẹt ở mấy cái ống cống ngoài sân nhà thờ. Không thấy chị tới làm việc, cha phó qua nhà thăm, sẵn đem mấy lon sữa cho bà cụ. Vừa nhìn thấy chị nằm co ro như con mèo nơi xó nhà, lòng cha dậy lên một tình thương khôn siết. Tội thân phận con người. Cha tặc lưỡi.

Sau cái ngày ấy, cha thường quan tâm đến chị nhiều hơn. Thỉnh thoảng lại qua nhà không quên mang cho bà cụ mấy lon sữa bò, cho chị khúc vải may áo. Tình cảm giữa cha và giáo dân như Chúa Giêsu với đoàn chiên, cái đó tốt chứ. Cha nghĩ vậy. Nhưng hình như tình cảm cha dành cho chị Tư thì không thế. Có cái gì đó là lạ, khác lắm. Lúc đầu là thương cảm, nhưng rồi nhớ nhung chăng? Người ta nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy” có sai hồi nào đâu. Mà phải chi cha cháy đống rơm đẹp chút. Còn đây rơm lỡ thời. 

Từ dạo ấy chị Tư bỗng nhiên thay đổi hẳn. Đầu tóc gọn gàng. Còn sơn móng tay đỏ chéc nữa chứ. Bữa đang giặt mấy cái áo lễ cho cha chánh, gặp cha phó chị cười tươi.
-       Bộ cha thương tui thật sao? Bộ cha không sợ người ta nói sao? Bộ cha bỏ tương lai của mình sao?
Mà biết nói với chị câu nào cho đúng với tình cảm của cha bây giờ.
-       Chị hiểu lòng tui rồi sao mà còn hỏi vậy? Mà nếu tui hồi tục chị thấy sao?
Chị cười, ừ thì mình làm lại từ đầu.
-       Con chờ! Mà …em chờ! Mà từ hồi nào giờ em có chờ ai bao giờ đâu.

***
Những ngày qua, cha trằn trọc mấy đêm không ngủ được. Nhiều lúc cha tự hỏi tại sao Chúa lại để con vào tình thế khó xử thế này. Người ta nói tiến thoái lưỡng nan quả thật không sai. Ừ thì cũng thương người ta, nhớ người ta. Con tim nó đập làm sao mà đè nén xuống được. Nhưng thiên chức linh mục thì thật cao quý. Đã cố gắng tu bao lâu nay dễ dàng bỏ chỉ vì một người phụ nữ sao? Đâu phải ai muốn làm cha cũng được.

Suy nghĩ hoài cũng bế tắc, cha quyết định xin cha chánh cho nghỉ vài ngày. Cũng thong thả việc mục vụ đôi chút. Rồi ghé thăm ông bà cố. Mà cái chính là đi linh thao để phân định ý Chúa. Cha linh hướng nói đó là những thử thách mà linh mục trẻ nào cũng phải trải qua. Bao nhiêu năm ở chủng viện ít tiếp xúc người ngoài. Nhưng một khi chịu chức, giúp xứ, tương quan với biết bao nhiêu người. Chúa đang thử thách lòng trung thành của con. Cổ nhân có câu “Tứ thập nhi bất hoặc” nghĩa là bốn chục tuổi mà thay đổi cuộc đời nữa là dang dở dở dang hết. Con suy nghĩ kỹ đi.

Ừ thì suy nghĩ kỹ. Quá kỹ là đàng khác. Kỹ là bởi cha đã trải qua gần nửa năm để tĩnh tâm, linh thao, cầu nguyện, linh hướng…mà hình như bên ngoài càng tĩnh bao nhiêu thì tâm lại càng động bấy nhiêu.

***
-       Cha xin hồi tục thật sao? Cha suy nghĩ và cầu nguyện kỹ càng chưa? – Giọng nói buồn trầm của Đức Giám Mục.
-       Dạ, con đã suy nghĩ và cầu nguyện rất nhiều. Con thấy Chúa đã gọi con nhưng đến lúc này lòng con không thuộc về Chúa nữa. Con đã đánh mất chính mình. Đánh mất chính con tim của mình. Xin cha tha lỗi cho con đã không giữ lòng trung thành.
-       Không lẽ bao nhiêu năm đi tu con cũng chưa hết lòng theo Chúa ư? Lý trí của con đâu? Còn bố mẹ, còn những người thân của con. Họ sẽ sống như thế nào với tiếng đời?

Hai chữ “tiếng đời” nghe sao chua xót quá. Cha nghĩ đến điều đó chứ. Nhưng một khi tình yêu và lòng chung thủy với Chúa không còn nữa thì làm sao cha có thể hàng ngày đứng trên bục giảng mà dạy dỗ ai được nữa. Lòng tự trọng không cho phép cha làm thế.

Hai cha con trả lại bầu khí im lặng đến lạ thường. Dường như tiếng gió thoảng cũng nghe được.
-       Cha chấp nhận đơn hồi tục của con - Đức Giáo Mục nói nhỏ.

***
      Về đến xứ, cha nhanh chóng thu gom đồ đạc rồi qua nha chị Tư. Chị ra đón vui vẻ cười nói.
-       Cha về rồi à. Cha thương tui vậy sao? Vì tui mà cha bỏ cả tương lai của mình sao? Sao cha dễ tin người vậy. Tui chỉ đùa với cha thôi mà. Chị cười khanh khách.
Chị Tư vừa dứt lời thì giọng một người phụ nữ khác vang lên:
-       Chào cha! Mà không, chào chú em mới đúng! 
Nói xong ả rút từ trong túi xách ra một gói tiền đưa cho chị Tư.
-       Vậy là đủ số tiền chúng ta giao kèo rồi nha chị. Nhiêu đó là quá đủ cho chị chạy chữa cho bà cụ, mà cũng còn để sửa lại cái nhà ọp ẹp này nữa.
-       Cha tưởng là chị ta thương cha thật hả? Cái mà chị ta cần chỉ là tiền. Tiền cha biết không. Chứ không phải là tình. Một túp lều tranh hai quả tim vàng à? Cha có sống ảo quá không? Cha có biết là ngày cha từ chối tình yêu của tôi, tôi hận cha như thế nào không?

Vị linh mục trẻ đứng như trời trồng. Bỗng đâu giọng nói của cha linh hướng vang lên bên tai: Cổ nhân có câu “Tứ thập nhi bất hoặc”, bốn chục tuổi mà thay đổi cuộc đời nữa là dang dở dở dang hết con ơi.
Dường như có gió. Rồi có mưa thì phải.

MAPHUC,sss


Share:

1 nhận xét:

  1. Mọi việc người ta làm đều nhân danh tình yêu. Tình yêu và sự thương cảm. Tình yêu và sự hiếu thảo. Tình yêu và sự thù hận, vân vân. Vì yêu. Vậy thì quá tội cho hai chữ tình yêu rồi Thầy.

    Trả lờiXóa