CHÂN DUNG ĐỨC MARIA DƯỚI KHÍA CẠNH KHIÊM NHƯỜNG VÀ VÂNG PHỤC

LỄ TRUYỀN TIN
Is 7, 10-14;8,10; Hr10,4-10; Lc1,26-38
CHÂN DUNG ĐỨC MARIA DƯỚI KHÍA CẠNH KHIÊM NHƯỜNG VÀ VÂNG PHỤC

Cộng đoàn PV thân mến! Mừng lễ Truyền Tin hôm nay làm cho con nhớ hồi còn là một thỉnh sinh. Sau một năm sống thử, con cùng các anh em chung lớp được BCV bỏ phiếu xem ai được vào nhà tập. Con rất lo lắng không biết mình có được chọn không. Sáng hôm sau, cha Giám đốc gặp từng người và hỏi xem có tiếp tục ơn gọi Thánh Thể không? Con gật đầu. Tuy nhiên, từ sau cái gật đầu đó cho đến nay con phải trải qua biết bao khó khăn về hai chữ Vâng phục trong đời sống tu trì. Với con lời khấn vâng phục thật không dễ chút nào. Bởi ai cũng mang cái tôi rất lớn, và bắt người khác phải quy về tôi, xem tôi là quan trọng, là nhân vật trung tâm. Chiêm ngưỡng chân dung Đức Maria trong ngày lễ Truyền Tin hôm nay cho con một hy vọng mới để sống lời khấn tuân phục.
Vì thế, con mời cộng đoàn cùng con chiêm ngưỡng chân dung Đức Maria qua hai đức tính quan trong trong đời sống của Đức Maria là khiêm nhường và tuân phục.
Trước hết, Đức Maria khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, Mẹ không tiểu thư đài cát, nhưng có một tâm hồn đơn sơ và trinh khiết. Mẹ đã tự nguyện dâng mình cho Chúa từ khi còn ấu thơ.
Kế đến, Đức Maria khiêm nhường trong cách ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gabriel, Đức Maria xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Rồi sau đó, Đức Maria đến thăm bà chị họ Elisabét. Vừa nghe Đức Maria chào, bà Elisabét đã ngợi khen Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa: Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm thế này? Đáp lại, Đức Maria chỉ nhận mình là phận nữ tì hèn mọn, Người đói thương nhìn tới.
Sau cùng, vì khiêm nhường nên Đức Maria hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Đó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ, Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng của mình để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ đã vâng theo Thánh ý Thiên Chúa một cách tuyệt đối.
Đến đây chúng ta chiêm ngưỡng khía cạnh thứ hai góp phần phác hoạ chân dung Đức Maria. Đó là sự vâng phục. Lời thưa xin vâng của Đức Maria, trước hết xuất phát từ lời xin vâng làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thật vậy, chính Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha, xuống thế làm người để hoàn thành kế hoạch cứu độ đã được hứa từ ngàn xưa. Thư Hípri trong bài đọc 2 cho chúng ta biết: Thưa anh em, máu các con bò con dê không thể nào xoá được tội lỗi, vì vậy khi vào trần gian Đức Kitô đã nói: …Chúa chẳng ưu, chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài như sách thánh đã chép về con.
Đức Maria cũng khao khát một Đấng Thiên Sai để cứu dân tộc của mình như bao người Do thái khác chính vì thế Ngài luôn gắn kết với Thiên Chúa qua viêc tin vào Thánh Kinh, tin vào lời tiên báo của các ngôn sứ. Cụ thể nhất là ngôn sứ Nathan: “Này đây một trinh nữa sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel.” Chính sự gắn kết tuyệt đối đó mà Đức Maria đã mau chóng cộng tác với Thiên Chúa qua hai tiếng xin vâng. Để từ đây, mở ngỏ cho Thiên Chúa - Đấng vốn vô thuỷ vô chung đi vào thế giới hữu hạn của nhân loại, hầu đưa nhân loại trở về với Thiên Chúa. Nói như thánh thi của Kinh chiều 1 lễ Truyền Tin: “Lời Chúa Mẹ rất vững vàng, nay thành mầm sống Mẹ cưu mang, Đấng trời cùng đất chứa không nổi, giờ hoá thai nhi sống ẩn tàng.”
Thật vậy, Đức Maria lại không như chúng ta, khi thưa xin vâng, Mẹ không xem mình là nhân vật trung tâm nhưng khẳng định tôi đây là nữ tỳ của Chúa! Đức Maria thưa xin vâng không phải là kết thúc một chương trình nhưng là khởi đầu cho một chuỗi những lời xin vâng mọi ngày trong suốt cuộc đời Mẹ. Đến như Đức Kitô, con Thiên Chúa mà còn phải trải qua đau khổ mới học học thế nào là Vâng phục thì chúng ta làm sao có thể học được bài học vâng phục nếu không trải qua những khổ đau của cuộc đời. Đức Maria đã phải đau khổ như thế nào trong suốt cuộc đời của mẹ, khỏi kể ra chúng ta cũng đã biết. Và điều quan trọng không kém khiến Đức Maria có thể xin vâng đến trọn của đời là do Mẹ có tấm lòng khiêm nhường thật sự, đón nhậm tất cả mọi biến cố và suy đi nghĩ lại trong lòng. Mẹ tự huỷ mình ra không như Con của Mẹ đã huỷ mình ra không trên thập giá, và tự nguyện trở thành nữ tỳ và khí cụ trong bàn tay quan phòng của Chúa.
Cộng đoàn thân mến! Cha chủ tế, con, cũng như quý sơ đang sống đời thánh hiến, chúng ta khấn hứa với Chúa nhưng thử hỏi chúng ta đã giữ những lời khấn đó như thế nào? Ngày khấn chúng ta vui tươi hạnh phúc và không ngừng tạ ơn Chúa. Nhưng rồi sau đó thì sao? Có phải đời chúng ta là một chuỗi ngày cố gắng nỗi lực không ngừng, và đã có quá nhiều lần chúng ta lỗi phạm lời khấn. Hôm nay đây, với lòng khiêm nhường thật sự, chúng ta hãy dành chút thời gian trong ngày, lặng lẽ cùng Đức Maria ngồi bên Thánh Thể Chúa để xin Người ban ơn trợ lực. Bởi chỉ nơi Thánh Thể chúng ta mới học được thế nào là khiêm nhường và vâng phục thật sự. Vì chính Đức Maria cũng đã trở nên mẫu gương cho sự khiêm nhường và tuân phục vì Mẹ luôn gắn kết đời mình với Thánh Thể - Con yêu dấu của Mẹ. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà chúng ta lại không ở lại bên Chúa Thánh Thể vài phút trong ngày để học hai chữ khiêm nhường và vâng phục như Mẹ khi xưa. Amen

 MAPHUC,SSS
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét